An ninh Tiền tệ xin được lược trích một phần nội dung trong đơn khiếu nại của những giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) bị “gạt” ra khỏi chủ trương xét tuyển đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ.
“Tại sao huyện Yên Thành lại bỏ rơi chúng tôi”?
“… Chúng tôi là những giáo viên được Chủ tịch UBND huyện Yên Thành các nhiệm kỳ trước ký hợp đồng lao động để trực tiếp giảng dạy ở các trường tiểu học. Việc chủ tịch huyện ký hợp đồng lao động là thực hiện theo nhu cầu, chủ trương chung của huyện, được công bố công khai.
Để được ký các hợp đồng với Chủ tịch huyện chúng tôi đều đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, điều kiện và đều phải trải qua thi tuyển. Cho đến bây giờ khi viết những dòng này và cùng ký tên chúng tôi vẫn không hiểu tại sao chúng tôi bị bỏ rơi.
Chúng tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần công văn 5378 của Bộ Nội vụ mà thấy huyện Yên Thành thực hiện không có tình, có lý, bạc đãi với nghề giáo và phủ nhận toàn bộ những gì chúng tôi đã đóng góp, đã chờ đợi nhiều năm qua.
Đơn khiếu nại của những giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Thành |
Theo chúng tôi hiểu, công văn 5378 của Bộ Nội vụ được cụ thể hóa từ chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân của Bộ Chính trị… Tại Nghệ An theo chúng tôi được biết, không chỉ riêng Yên Thành mà các huyện khác cũng đều có giáo viên làm việc theo hợp đồng lao động do Chủ tịch huyện ký. Và họ đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện nên không có ai bị bỏ lại?
Vậy thì tại sao UBND huyện Yên Thành lại bỏ rơi chúng tôi? Từ khi chúng tôi được tiếp nhận đến nay, có ai nói rằng: Chúng tôi là người thừa đâu? Chúng tôi vẫn làm quần quật làm việc 23 tiết/tuần nhưng chỉ nhận suất lương vô cùng bèo bọt (2,2 triệu đồng)…
Những ngày qua chúng tôi đã khóc rất nhiều, có người đã nghĩ quẩn với ý định bỏ nhà đi. Chúng tôi đã tìm kiếm những hi vọng trong nỗi thất vọng để nương tựa vào nhau, để cùng nhau viết lên những dòng này gửi tới Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành…
Từ sâu thẳm trái tim mình và lòng yêu nghề, yêu thương học trò vô hạn, chúng tôi mong rằng hàng trăm giáo viên tiểu học, THCS đang bị phòng Nội vụ từ chối hồ sơ xét tuyển đặc cách theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ sẽ được ghi nhận, tôn trọng và được xem xét, giải quyết theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.
Trưởng phòng Nội vụ Yên Thành nói gì?
Trước đó, An ninh Tiền tệ đã có bài: “244 giáo viên hợp đồng bị “gạt” ra khỏi chủ trương của Bộ Nội vụ?” phản ánh: Dù đủ điều kiện được tuyển dụng đặc cách theo chủ trương đúng đắn tại Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ nhưng tại huyện Yên Thành vẫn còn có 244 giáo viên hợp đồng đang bị… bỏ rơi?
Cụ thể, theo người đứng đầu ngành giáo dục huyện Yên Thành Trần Xuân Tĩnh thì hiện chỉ mới có 61/305 giáo viên hợp đồng đã được xét tuyển đặc cách vào biên chế.
Sở dĩ huyện không xét tuyển đặc cách tất cả 305 giáo viên đủ điều kiện theo chủ trương của Bộ Nội vụ vì chỉ tiêu biên chế năm 2020 Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ giao cho huyện Yên Thành có 144 suất.
Vậy tại sao huyện không xin tuyển đặc cách cho 144 suất mà tỉnh đã duyệt mà chỉ xét tuyển có 61 suất? “Số giáo viên còn lại chưa được xét tuyển đặc cách vì phần lớn họ là những giáo viên mầm non, THCS ở các môn thể dục, mỹ thuật, giáo dục công dân, nhạc… không phù hợp với vị trí việc làm mà tỉnh đã phê duyệt”, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Yên Thành Trần Xuân Tĩnh giải thích.
Nhiều giáo viên hợp đồng ở Yên Thành sẽ vẫn chưa thoát được kiếp "con rơi" |
Làm việc với phóng viên An ninh Tiền tệ, ông Nguyễn Văn Thuận-Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành thừa nhận tất cả 305 giáo viên đủ điều kiện xét tuyển đặc cách đều có quyền lợi và công bằng như nhau.
“Có những giáo viên dạy hợp đồng 18 năm (từ năm 2002) đến nay. Huyện cũng muốn đưa tất cả các giáo viên vào biên chế nhưng tỉnh chỉ cho có 144 biên chế nên không thể”, ông Thuận nói.
Vậy giải pháp của huyện sẽ giải quyết sự thiệt thòi này của giáo viên ra sao, trong khi họ không phải là người có lỗi trong việc tuyển dụng?
Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trước mắt phòng sẽ tham mưu, đề xuất lãnh đạo huyện để xin tỉnh điều chỉnh cơ cấu việc làm để đưa hơn 50 giáo viên hợp đồng vào suất biên chế còn lại trong tổng 144 suất biên chế được giao của năm 2020.
Hơn 50 giáo viên này là những người mà nhiều năm qua họ dạy hợp đồng với mức lương bèo bọt, không được nâng lương. Còn 190 giáo viên hợp đồng còn lại huyện đành phải chờ đợt xin biên chế sau.
Nghĩa là vẫn có thể vẫn còn 190 giáo viên vẫn bị “gạt” ra khỏi chủ trương của Bộ Nội vụ? “Số giáo viên này dù chưa được biên chế nhưng hiện họ cũng đã có lương bình thường, được nâng lương. Nhưng họ có thiệt thòi là không được bổ nhiệm cán bộ quản lý”, ông Thuận trả lời.
Vậy tại sao Yên Thành không đề xuất xin tỉnh Nghệ An 305 suất mà chỉ xin có 144 suất? “Không đề xuất như vậy vì biên chế được giao theo thực tế. Hiện tổng định biên giáo viên của toàn huyện cũng đã thừa”, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thành Nguyễn Văn Thuận nói.
Lãnh đạo sai, giáo viên chịu trận? Ông Phan Văn Tuyên-Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Tỉnh giao biên chế bao nhiêu thì hàng năm huyện tuyển bấy nhiêu. Biết là 305 giáo viên hợp đồng đều đủ điều kiện xét tuyển đặc cách nhưng huyện cũng không thể tuyển hết. Tất cả các giáo viên đều công bằng và làm như vậy là thiệt thòi nhưng cũng phải chờ đợt sau. Đây là cái sai tồn tại từ trước”. |
An ninh Tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin./.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: Antt.nguoiduatin.vn