Kinh tế

Tận dụng nợ công 'khủng' của Mỹ, Trung Quốc tham vọng dùng vàng để 'hạ gục' đồng USD

Trung Quốc đang dần từ bỏ các tài sản được định giá bằng đồng USD để chuyển sang vàng - một động thái hướng tới chiến dịch phi USD trên toàn cầu do Bắc Kinh dẫn đầu.

Vị thế kinh tế của Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên và đồng Nhân dân tệ (NDT) đang trở thành đối thủ cạnh tranh của đồng USD. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang là một thành viên có ảnh hưởng của nhóm BRICS+ (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi).

Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, sự lớn mạnh của BRICS đang đặt ra thách thức cho trật tự thế giới, được xem là đối thủ “đáng gờm” của G7 và các tổ chức quốc tế khác. BRICS đang tạo ra một hiện trạng kinh tế, xã hội và tiền tệ mới nổi, đảo ngược những gì thế giới đã chấp nhận là bình thường trong gần 8 thập niên qua.

Dù không sử dụng thuật ngữ “mối đe dọa”, chính quyền Mỹ hiện coi Trung Quốc là “thách thức dài hạn nghiêm trọng nhất” đối với trật tự quốc tế. Điều này cũng dễ lý giải vì sao Trung Quốc hướng đến mục tiêu chiến lược là chấm dứt sự thống trị của đồng USD - vốn được coi là nền tảng vững chắc cho sức mạnh Mỹ.

Đồng USD vẫn vượt trội hơn các loại tiền tệ khác cho dù đã suy giảm sức ảnh hưởng. (Nguồn: Reuters)

Vị thế của đồng USD

Sự thống trị của đồng USD góp phần củng cố sức mạnh của Mỹ trong trật tự quốc tế hiện tại, như nhà kinh tế học người Pháp Denis Durand từng giải thích trong bài viết Guerre monétaire internationale: l’hégémonie du dollar contestée? (Chiến tranh tiền tệ quốc tế: Quyền bá chủ của đồng USD bị thách thức?).

"Bên cạnh thực tế là một số loại tiền tệ đã được gắn kết với đồng USD bằng một liên kết ấn định hoặc qua biên độ dao động, đồng tiền của Mỹ cũng được sử dụng ở nhiều nước và khu vực Đông Âu, nơi nó được công chúng tin tưởng cao hơn nhiều so với đồng tiền nội địa(...) Mỹ hiện là cường quốc duy nhất có thể gánh nợ nước ngoài bằng đồng tiền của chính mình", nhà kinh tế Denis Durand phân tích.

Sức ảnh hưởng lớn của đồng USD đối với nền kinh tế thế giới được phản ánh thông qua việc đồng tiền này chiếm tỷ trọng quá mức trong dự trữ ngoại hối tại nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Đồng USD vẫn vượt trội hơn các loại tiền tệ khác cho dù đã suy giảm sức ảnh hưởng.

Mặc dù đã giảm 12 điểm phần trăm từ năm 1999 đến năm 2021, nhưng tỷ trọng của đồng USD trong tài sản chính thức của các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn khá ổn định ở quanh mức 58-59%.

Đồng tiền Mỹ vẫn được tin tưởng rộng rãi trên khắp thế giới, củng cố vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu. Dự trữ đồng USD của các ngân hàng trung ương trên thế giới được đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ trên thị trường vốn của Mỹ, giúp giảm chi phí tài trợ cho cả nợ chính phủ và đầu tư tư nhân tại Mỹ.

Tuy nhiên, sức mạnh được tạo ra cho nền kinh tế Mỹ nhờ vào vị thế độc tôn của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng có thể sụp đổ như một ngôi nhà bằng giấy, theo chuyên gia Denis Durand. Theo ông, có 2 lý do chính khiến niềm tin của thế giới đối với đồng USD có thể bị suy giảm.

Đầu tiên, như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4/2023, Mỹ đang sử dụng đồng USD như một công cụ để "khuất phục" các đối thủ và gây ảnh hưởng với các đồng minh. Điều này cuối cùng có thể làm suy yếu vị thế của USD.

Mặt khác, tình hình nợ công của Mỹ khá đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng không bền vững của các khoản nợ là mối đe dọa ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu. Vào năm 2023, nợ công của Mỹ đã đạt hơn 33,4 nghìn tỷ USD, gấp 9 lần năm 1990. Con số khổng lồ này tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của nó. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã chỉ ra, nợ của Mỹ đang tăng nhanh hơn nền kinh tế, khiến nó trở nên không bền vững trong dài hạn.

"Cơ hội vàng" cho Trung Quốc

Trên thực tế, nợ công của Mỹ lại là "cơ hội vàng" cho Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sớm tận dụng lợi thế này. Bắc Kinh đã thực hiện đợt bán tháo lớn trái phiếu Mỹ mà họ sở hữu. Từ năm 2016-2023, Trung Quốc đã bán 600 tỷ USD trái phiếu Mỹ.

Trung Quốc vẫn đang tiếp tục quá trình bán trái phiếu Mỹ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024, Trung Quốc đã bán 100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, chưa kể 300 tỷ USD mà họ đã bán trong thập kỷ qua.

Tháng 8/2017, Trung Quốc thậm chí đã vượt qua Nhật Bản để trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc cũng đang nắm giữ hơn 1,146 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, gần 20% số tiền mà tất cả các chính phủ nước ngoài nắm giữ. Bắc Kinh hiện là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Washington.

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà trước khi thoái vốn khỏi trái phiếu Mỹ, Bắc Kinh đã lần đầu tiên đưa ra hệ thống định giá vàng của riêng mình bằng đồng NDT. Ngày 19/4/2016, sàn giao dịch vàng Thượng Hải - đơn vị điều hành kim loại quý của Trung Quốc, đã công bố trên trang web của mình mức chuẩn "cố định" hàng ngày đầu tiên cho vàng là 256,92 NDT/gram.

Rõ ràng, chính sách này là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm biến vàng thành sự bảo đảm hữu hình cho đồng tiền của mình.

Đồng thời, Trung Quốc đã thay thế khoảng 1/4 tư trái phiếu kho bạc Mỹ được bán trong 10 năm bằng vàng. Quốc gia Đông Bắc Á này hiện cũng là nước sản xuất và tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới. Giống như ngân hàng trung ương của Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.

Là một sự thay thế cho đồng USD, vàng cho phép Trung Quốc lưu trữ lợi nhuận từ thặng dư thương mại lớn của mình.

Với Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, nơi cung cấp các hợp đồng giao dịch vàng bằng đồng NDT, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường sử dụng đồng tiền của mình ở nước ngoài với mục đích thiết lập đồng NDT làm đồng tiền chuẩn cho nền kinh tế toàn cầu.

Áp lực từ cựu Tổng thống Donald Trump

Tuy nhiên, đồng tiền của Trung Quốc cũng đang chịu áp lực từ khả năng ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump có khả năng trở lại làm Tổng thống Hoa Kỳ, không chỉ từ những nhà đầu cơ bán khống đồng tiền này mà còn từ những nhà xuất khẩu đại lục đang tích trữ USD.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán Trung Quốc khởi sắc sau gói kích thích kinh tế toàn diện của Bắc Kinh, viễn cảnh u ám cận kề về phần thắng nghiêng về ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11 cùng lời đe dọa gia tăng mức thuế thương mại, tiếp tục gây áp lực lên đồng NDT.

Đồng NDT đã suy yếu khoảng 1,5% trong khoảng 3 tuần liên tiếp, mức giảm mạnh nhất trong hơn một năm qua.

"Trong 12 đến 18 tháng tới, khi Trung Quốc phải đối mặt với viễn cảnh thuế quan thương mại cao hơn từ mọi hướng, cơ chế điều chỉnh chính sách dễ dàng nhất đối với nền kinh tế có thể là sự mất giá của đồng tiền", Rong Ren Goh, một nhà quản lý danh mục đầu tư thu nhập cố định tại Eastspring Investments cho biết.

Tác giả: Mẫn Nhi

Nguồn tin: baoquocte.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP