Kinh tế

Tăng thuế có thể khiến người nghèo thành bần cùng

Tăng thuế có thể khiến người nghèo thành bần cùng, người cận nghèo thành nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trở thành rất nhỏ và nhỏ.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất phương án tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với các mặt hàng xăng dầu lên kịch trần.

Cụ thể, thuế BVMT với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít…

Tờ trình dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mới nhất vừa được Bộ Tài chính gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dường như cả Bộ Tài chính vào cuộc trong các đề xuất tăng thuế các loại. Lý do cơ bản của các đề xuất tăng thuế do mấy nguyên nhân:

Tăng thuế có thể khiến người nghèo thành bần cùng (Ảnh minh họa: KT)

Thứ nhất, do chi thường xuyên quá lớn để nuôi bộ máy khổng lồ, ước thực hiện ngân sách Nhà nước quý I/2018 cho thấy, chi thường xuyên chiếm 88% trong tổng chi ngân sách, chi trả nợ gốc nằm ngoài bảng cân đối ngân sách chiếm 8% trong tổng chi.

Thứ hai, do đầu tư không hiệu quả, lãng phí, ngân sách căng thẳng nhưng nhiều địa phương vẫn xây trụ sở, tượng đài, cổng chào trong khi hạ tầng giao thông lại theo hình thức BOT, BT.

Thứ ba, do hội nhập “hối hả” khiến thuế nhập khẩu giảm theo lộ trình. Theo Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), năm 2018 sẽ có 588 dòng thuế được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0%, chủ yếu là các mặt hàng chính như: sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm…

Thứ tư, do ưu đãi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quá mức. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng về lợi nhuận bình quân giai đoạn 2011 – 2016 cao nhất (25,5%) so với 2 khu vực kinh tế trong nước là doanh nghiệp Nhà nước (21%) và khu vực ngoài Nhà nước (17,4%).

Trong khi đó, tăng trưởng bình quân về tổng thuế của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 8,6% (so với 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước). Đặc biệt, tăng trưởng bình quân về thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 7,5% (so với 21% của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước).

Hầu như những lý do đó đều ngoài tầm tay của Bộ Tài chính, như vậy, Bộ Tài chính chỉ có thể tăng thuế để bù các khoản hụt thu do “hối hả” hội nhập mà không chuẩn bị gì cho hội nhập, do ưu đãi FDI vô lối và chi tiêu quá đà. Tất cả các khoản đó đổ lên dầu toàn dân phải chăng là dễ nhất?

TS Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế (Ảnh: KT)

Tại sao lại đánh thuế BVMT lên xăng dầu? Tại sao Bộ Tài chính lại cho tiêu dùng cuối cùng (ở phía cầu) và ngành giao thông là thủ phạm, trong khi thủ phạm chính gây nên phát thải nhà kính theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành và số liệu về khí thải của Bộ Tài nguyên và Môi trường chính là sản xuất hàng xuất khẩu? Lượng khí thải nhà kính (GHG) do sản xuất hàng xuất khẩu chiếm trên 50% tổng phát thải nhà kính, mà doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, thủ phạm chính trong việc gây nên ô nhiễm không khí không những được bỏ qua mà còn được rất nhiều ưu đãi về chính sách thuế.
Một trong những câu hỏi quan trọng trong kinh tế vĩ mô và tài chính công là làm thế nào thay đổi trong chính sách thuế để đem lại tác động tích cực đến hoạt động kinh tế và phúc lợi xã hội, hài hòa lợi ích giữa người dân - Nhà nước và doanh nghiệp?

Trong lý thuyết, người ta thường cho rằng các loại thuế có mối tương quan âm với tăng trưởng - thuế cao hơn nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Điều này được giải thích với thực tế là thuế đưa ra sự biến dạng đối với nền kinh tế, nghĩa là chúng không có tính trung lập, khi thuế cao hơn thì sự biến dạng méo mó của nền kinh tế cũng tăng lên.

Vấn đề là ở cấp cao hơn, Bộ Tài chính cần lựa chọn mang tính hệ thống và giải thích cho dân chúng, tốt nhất là phải có sự minh bạch. Người dân sẽ không thể hiểu tại sao thành tích tăng trưởng GDP, thành tích xuất khẩu, thành tích về cơ cấu GDP, thành tích về hội nhập…mà ngân sách lại hụt thu? Người dân càng ngày càng phải mang gánh nặng về thuế, phí.

Đặc biệt, ngoài thuế gián thu, trực thu, người dân đang phải “cõng” trên lưng cả “thuế lạm phát”. Người dân đóng thuế để mang lại cho họ sự thuận tiện trong đi lại, nhưng đi lại phải chịu rất nhiều loại phí cầu đường của những trạm thu phí BOT, BT; dù rằng tên gọi là “thu phí” hay chuyển thành “thu giá” thì bản chất vẫn là phí.

Ngoài ra, còn có các chi phí về y tế và giáo dục, nhẽ ra người dân đóng thuế họ phải được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục nhưng sau khi thực hiện xã hội hóa y tế và giáo dục, người dân lại phải mua dịch vụ y tế và giáo dục với sự tăng giá liên tục. Đã có những tranh luận thuế, phí của Việt Nam cao hay thấp. Chuyên gia nói cao, người của Bộ Tài chính nói thấp. Nếu tính tất các loại phí thuế như trên mà nhẽ ra người dân đóng thuế được hưởng thì có lẽ là rất cao!

Nhiều người đã hồ hởi với GDP bình quân đầu người đã đạt mức trung bình nhưng quên rằng trong GDP bao gồm thuế. Thu nhập của người lao động trong GDP chỉ bằng khoảng 55% GDP, bằng khoảng 94% tiêu dùng cuối cùng. Tức là, bình quân lại thu nhập từ sản xuất không đủ tiêu dùng, đấy là chưa nói đến trong khoản thu nhập của người lao động có khoảng trên 30% là bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn.

Như vậy, không thể nói “thu thêm thuế có sao đâu?”. Nó có thể không sao với một lớp người nhưng là rất “sao” đối với những người nghèo. Điều này có thể dẫn đến người nghèo thành bần cùng và những người cận nghèo thành nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể trở thành rất nhỏ và nhỏ. Điều này có đi ngược lại chủ trương Chính phủ kiến tạo và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không? ./.

Tác giả: TS Bùi Trinh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP