Kinh tế

Tập đoàn Hoành Sơn và hành trình khẳng định vị thế

Khởi nghiệp từ những công việc nhỏ, doanh nhân Phạm Hoành Sơn đã tạo nên một "đế chế" mang tên Tập đoàn Hoành Sơn, hoạt động đa ngành nghề, gây ấn tượng mạnh trong mắt giới đầu tư trong và ngoài nước.

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tôn vinh Doanh nghiệp và Doanh nhân tiêu biểu năm 2023 với chủ đề “Khát vọng vươn xa”. Đây là hoạt động nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Hà Tĩnh đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, gắn kết các doanh nghiệp, doanh nhân.

Thông điệp từ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cùng với việc xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển.

Ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoành Sơn là một trong 29 cá nhân được tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh ở hạng mục Doanh nhân tiêu biểu năm 2023.


Năm nay, tuy Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn) "vắng bóng" ở danh sách 24 Doanh nghiệp tiêu biểu, nhưng bù lại, ông Phạm Hoành Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của tập đoàn này là một trong 29 cá nhân được tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh ở hạng mục Doanh nhân tiêu biểu năm 2023.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Hoành Sơn được biết là một trong những ông lớn tại khu vực miền Trung, có “xuất thân” từ Hà Tĩnh. Hiện nay, Hoành Sơn có trụ sở chính tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh. Doanh nghiệp này chuyển sang loại hình công ty cổ phần từ sự kế thừa toàn bộ “hồ sơ pháp lý” của Doanh nghiệp tư nhân Hoành Sơn vào ngày 19/1/2001 bởi doanh nhân Phạm Hoành Sơn.
Hiện nay, Tập đoàn Hoành Sơn đăng ký ngành nghệ chính là Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét... song song với quá trình xây dựng và phát triển, tới nay Hoành Sơn đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực kinh doanh khác như: xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ vận tải đường biển; vận tải hàng hóa đường bộ; sản xuất bia, rượu, nước giải khát; trang trại chăn nuôi; điện mặt trời...

Ghi nhận vào thời điểm giữa tháng 10/2023, Tập đoàn Hoành Sơn và cá nhân ông Phạm Hoành Sơn, vợ ông Sơn... được biết đến là đã và đang “có chân” cổ phần trong loạt doanh nghiệp có vốn đăng ký ngàn tỷ đồng, đầu tư kinh doanh đa ngành... có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Hà Tĩnh và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Để có vị thế thành công như ngày nay, có giai thoại kể rằng, ông Phạm Hoành Sơn sinh ra trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh với bố là bộ đội còn mẹ làm giáo viên. Những năm 90, mẹ ông Sơn là bà Trần Thị Lục khởi đầu kinh doanh bằng việc mua một cái máy xay xát và tham gia mua bán trao đổi gạo, lương thực cho người dân trong xã.

Và bước ngoặt lớn chuyển đổi mô hình kinh tế hộ gia đình sang loại hình doanh nghiệp đến kể từ năm 1991, theo đó, nhằm thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần, bà Trần Thị Lục đã xung phong thành lập doanh nghiệp tư nhân Hoành Sơn với các lĩnh vực kinh doanh chính là cung ứng phân bón, thức ăn gia súc, xi măng, sắt thép…

Đập dâng Lạc Tiến - kênh dẫn - tuynel thuộc Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng) và Dự án Trang trại chăn nuôi tổng hợp Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) nằm kề bên nhau (Ảnh: PN)


Với uy tín của mình, Tập đoàn Hoành Sơn là đơn vị được tỉnh Hà Tĩnh “chọn mặt gửi vàng” triển khai nhiều dự án xây dựng “khủng” như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng); Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); hệ thống kênh xả lũ Khu kinh tế Vũng Áng (gần 300 tỷ đồng)…

Đặc biệt, Hoành Sơn còn triển khai dự án tái tạo năng lượng. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng đã đi vào hoạt động 5 năm nay. Bên cạnh đó Hoành Sơn cũng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt khi là chủ nhân của Trang trại tổng hợp Trung Lễ (huyện Đức Thọ), Trang trại tổng hợp Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh)...

Một trong những thương vụ nổi tiếng nhất của Hoành Sơn có lẽ là màn “thâu tóm” siêu dự án Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch - tỉnh Đồng Nai). Cảng Phước An có tổng vốn đầu tư hơn 17.571 tỷ đồng, quy mô diện tích 733ha (183ha khu cảng và 550ha khu dịch vụ hậu cần cảng). Nhờ sở hữu vị trí đắc địa bên bờ sông Thị Vải - nơi có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay tại Việt Nam, và được kỳ vọng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất của cả nước, chiếm 70% lượng hàng container, 50% lượng hàng tổng hợp.

Ở lĩnh vực bất động sản, Hoành Sơn là đầu tư Dự án Tổ hợp Thương mại và Nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên khu đất 6,2 ha tại số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội; Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và dịch vụ Hoành Sơn cao 20 tầng tại số 17 Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Dự án Trung tâm thương mại, khách sạn và dịch vụ Hoành Sơn cao 20 tầng tại số 17 Nguyễn Phong Sắc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (Ảnh: PN)


Tại Hà Tĩnh, Hoành Sơn còn đầu tư Dự án Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ (cao 18 tầng) với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, tại 116 đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Đồng thời là "chủ nhân" của các khu “đất vàng” có tổng diện tích cả nghìn m2 có nguồn gốc từ Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thuê và được tỉnh Hà Tĩnh thu hồi tại thị xã Hồng Lĩnh; thành phố Hà Tĩnh và thị trấn Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh).

Cũng tại Hà Tĩnh, mới đây nhất, Tập đoàn Hoành Sơn có đề xuất với tỉnh Hà Tĩnh khảo sát, thực hiện Dự án bất động sản hai bên đường Hàm Nghi tại thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà. Dự án này từng được có diện tích khoảng 149,2ha, được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng.

Dưới sự lãnh đạo tài ba của doanh nhân Phạm Hoành Sơn, Tập đoàn Hoành Sơn luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất tại Hà Tĩnh, như: Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh (504,8 tỷ đồng); Formosa Hà Tĩnh (358,8 tỷ); Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh (253,3 tỷ); Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng (155 tỷ); Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (145 tỷ); Chi nhánh Công ty Xăng dầu Giang Nam tại Hà Tĩnh (61 tỷ); Công ty Hồng Lam Xuân Thành (24,8 tỷ); Công ty Điện lực Hà Tĩnh - Chi nhánh Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (17,6 tỷ)...

Dự án Văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ (cao 18 tầng) với tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, tại 116 đường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh (Ảnh: PN)


Sau vận tải, cảng biển, cấp nước, trang trại, điện mặt trời, cụm công nghiệp, nhà máy bia và các dự án bất động sản... Tập đoàn Hoành Sơn bất ngờ "nhảy" sang đầu tư lĩnh vực thể thao... bằng việc ký kết chuyển nhượng cổ phần và quyền điều hành đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh từ Công ty cổ phần Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vào cuối năm 2021.

Theo nguồn tin của Reatimes, đầu tháng 8 vừa qua, UBND thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã có công văn phản hồi gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này về việc giới thiệu địa điểm xây dựng Khu liên hợp thể thao theo đề xuất của Tập đoàn Hoành Sơn. Sau khi nghiên cứu, soát xét các quy hoạch, quỹ đất, định hướng phát triển trên địa bàn, địa phương này đã giới thiệu khu đất có diện tích khoảng 7,8ha tại TDP 9, phường Bắc Hồng để thực hiện dự án.

Cùng với quá trình xây dựng và phát triển, Tập đoàn Hoành Sơn cũng liên tục tăng vốn và mở rộng quy mô tài sản. Ở lần điều chỉnh đăng ký kinh doanh gần nhất, vốn điều lệ của Hoành Sơn được ghi nhận ở mức 2.000 tỷ đồng. Trên website, Hoành Sơn cho biết, tổng tài sản của họ hiện nay lên tới 250 triệu USD và doanh thu hàng năm lên tới cả trăm triệu USD.

Tác giả: Phúc Nhân

Nguồn tin: reatimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP