Kinh tế

Tập đoàn muốn đầu tư dự án 1 tỷ USD tại Hà Tĩnh từng thâu tóm “đất vàng" Cao su Sao vàng

Tập đoàn Hoành Sơn gây chú ý với thương vụ thâu tóm “đất vàng" Cao su Sao vàng thông qua việc trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh có Công văn tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh xử lý đề nghị khảo sát, thực hiện dự án bất động sản tại đường Hàm Nghi, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Tập đoàn Hoành Sơn).

Khu đất do Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất có diện tích khoảng 149,2 ha, thuộc địa phận của các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập, TP.Hà Tĩnh và các xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà. Khu đất nêu trên được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1909/QĐ-UBND ngày 21.6.2019.

Khu đất Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất từng được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng.


Đáng chú ý, khu đất Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất từng được quy hoạch là khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 23.545 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Vinhomes (Tập đoàn Vingroup) và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh & Phát triển thương mại Việt An trúng sơ tuyển hồi giữa năm 2020.

Tuy nhiên, đến năm 2023, 2 doanh nghiệp trúng sơ tuyển dự án có văn bản xác nhận không tiếp tục tham gia dự thầu dự án.

Ngày 25.4.2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 963/QĐ-UBND về việc huỷ kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Hàm Nghi tại TP.Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà.

Về Tập đoàn Hoành Sơn, doanh nghiệp có trụ sở chính đóng tại tổ dân phố Thuận Minh (phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), được thành lập ngày năm 2001 do ông Phạm Hoành Sơn- Chủ tịch HĐQT công ty làm người đại diện pháp luật.

Công ty hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như: Thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...

Tháng 7.2014, vốn điều lệ Hoành Sơn là 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và ông Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến tháng 9.2020, vốn điều lệ của Hoành Sơn ở mức 2.000 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử kinh doanh, vào năm 2016, Tập đoàn Hoành Sơn gây chú ý khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP).

Dự án Cảng Phước An có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m. Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.

Cụ thể, năm 2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Lúc này, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 51,11% vốn điều lệ công ty.

Năm 2017, PAP tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần.

Đến tháng 2.2019, ông Phạm Hoành Sơn đã bán Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A –nằm trong hệ thống công ty con của CTCP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tập đoàn Tuấn Lộc). Đến năm 2021, sau khi Công ty Cảng Phước An tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng, ông Phạm Hoành Sơn cũng rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Cảng Phước An, nhường chỗ cho ông Nguyễn Thành Đạt - một nhân sự chủ chốt của Tuấn Lộc.

Đáng chú ý, trong những 5 ông Sơn hiện diện ở PAP, hoạt động kinh doanh của Công ty Cảng Phước An khá kém sắc. Hoạt động gây chú ý nhiều nhất của doanh nghiệp chủ yếu với việc liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để “pha loãng” sở hữu nhà nước.

Tập đoàn Hoành Sơn gây chú ý khi hoàn tất thương vụ thâu tóm "đất vàng" 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội).

Ông Phạm Hoành Sơn hiện đang là Chủ tịch HĐQT của SRC.


Bên cạnh đó, Hoành Sơn còn nổi tiếng với thương vụ thâu tóm “đất vàng cao xà lá” thông qua việc trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Hiện tại, Ông Phạm Hoành Sơn đang là Chủ tịch HĐQT của Cao su Sao vàng.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP