“Siêu tân binh’ của thị trường bất động sản
Tập đoàn Tân Á Đại Thành đang là cái tên tương đối chói sáng trên thị trường bất động sản Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi họ liên tục tham gia và thắng thầu nhiều dự án quan trọng tại rất nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam.
Mới nhất, Tập đoàn Tân Á Đại Thành vừa có buổi làm việc với UBND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), trình bày phương án quy hoạch khu đô thị trung tâm hành chính mới Ea Kar với tổng mức đầu tư dự kiến trên 2.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo của tập đoàn này, dự án có diện tích khoảng 72 ha nằm tại vị trí thôn 9 xã Ea Đar, giáp với khu trung tâm hành chính mới của huyện. Dự án bao gồm hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với Quốc lộ 26, trong đó lấy cụm công trình trụ sở UBND, trung tâm thương mại và công viên cây xanh làm trung tâm...
Dự án khu đô thị trung tâm hành chính mới Ea Kar đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh tại Nghị quyết số 09/2020.
Cùng lúc đó, họ cũng có đề xuất đầu tư và xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long hơn 76ha tại TP. Quảng Ngãi. UBND TP. Quảng Ngãi đồng ý tiếp nhận tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị Meyhomes Tịnh Long và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết cách thức tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí tài trợ theo đúng quy định.
Ngoài ra, tập đoàn này còn có dự án bất động sản Khu công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ tại huyện Thi Ân – tỉnh Hưng Yên, với quy mô 269ha cùng tổng vốn đầu tư 3.363 tỷ đồng.
Trước đó, trên website của Tập đoàn Tân Á Đại Thành thì họ đã sở hữu 2 dự án bất động sản với quy mô lớn là Meyhomes Capital Phú Quốc và Meysenses Lucia Bay Bai Lu.
|
Meyhomes Capital Phú Quốc là khu phức hợp nghỉ dưỡng và đầu tư có quy mô 56,09 ha, mật độ xây dựng chỉ 35%, gồm có 5 phân khu nghỉ dưỡng cao cấp, sở hữu cảnh quan ven biển hài hòa.
Dự án là khu đô thị đầu tiên của Phú Quốc áp dụng tiêu chuẩn “Xanh – Thông minh – Sinh thái” với 1305 căn liền kề, shophouse, 130 căn biệt thự cao cấp cùng hệ thống tiện ích nội khu đa dạng như: trung tâm mua sắm, công viên dạo bộ, spa, gym, bể bơi, club house, khu vui chơi – giải trí, khu vui chơi trẻ em, công viên nghệ thuật theo chủ đề ArtWork, rạp chiếu phim…
Meysenses Lucia Bay Bai Lu – Nghệ An là "siêu" quần thể nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe 4 mùa tại Bắc Trung Bộ có quy mô 52,5 ha, xây dựng theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
Năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (MEYLAND), với số vốn điều lệ 1.000 tỷ, bao gồm 8 công ty thành viên. Tân Á Đại Thành Meyland định hướng phát triển trở thành Top 5 thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Bất động sản tại Việt Nam.
Ngày 24/9 vừa qua, BĐS Tân Á Đại Thành đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).
Theo đó, MBBank sẽ đứng ra hỗ trợ tài chính cho các khách hàng của dự án Meyhomes Capital Phú Quốc trong việc: mua/chuyển nhượng/góp vốn/thuê căn hộ, nhà, đất tại các dự án do BĐS Tân Á Đại Thành đầu tư phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Chủ tịch Tập đoàn Tân Á Đại Thành |
Hiện tại, Tân Á Đại Thành đang sở hữu quỹ đất hơn 1.000 ha với 27 dự án tại Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác, cùng với định hướng đầu tư phát triển 3 dòng sản phẩm chính là BĐS đô thị và nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng và BĐS công nghiệp.
Do đang trong quá trình đầu tư và phát triển dự án, mảng bất động sản của Tân Á Đại Thành vẫn chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ thuần 1,4 tỷ đồng năm 2019. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của công ty này đạt 915,18 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 498,57 tỷ đồng.
Có vẻ, trước khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, Tân Á Đại Thành đã có những bước chuẩn bị chu đáo – ít nhất là về mặt quỹ đất, hiện tại được xem là tài nguyên quý giá nhất của các doanh nghiệp trong mảng này. Bởi đất ngày càng hẹp, tìm được dự án sạch và đẹp rất khó; còn nếu đã có quỹ đất tốt, thì việc huy động vốn không còn khó như trước đây. Có quỹ đất tốt chính là đang sở hữu ‘vàng mười’!
Tập đoàn Tân Á Đại Thành - doanh nghiệp phụ trợ ngành nước đứng đầu Việt Nam
Theo lời giới thiệu trên website, Tân Á Đại Thành được thành lập từ năm 1993 và được điều hành bởi đại gia đình có 3 thế hệ là doanh nhân. Hiện họ là doanh nghiệp sản xuất và cung cấp bộ giải pháp tổng thể về nguồn nước hàng đầu Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Mai Phương đang giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn, còn con trai Nguyễn Duy Chính giữ chức vụ Tổng Giám đốc.
Tiền thân của Tập đoàn này là cơ sở Đại Thành hoạt động từ những năm 1990. Đến tháng 9/1999 công ty TNHH SX TM Nam Đại Thành được thành lập có trụ sở chính tại số 119 - 121 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.
Năm 2007 là năm đánh dấu sự kiện quan trọng của Tập đoàn này khi thực hiện sáp nhập với Công ty Tân Á Đông ở phía Nam và Công ty Tân Á tại Hà Nội thành Tập đoàn Tân Á Đại Thành có vốn điều lệ 760 tỷ đồng. Lúc này, Công ty có 5 nhà máy hoạt động tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Nông và Hưng Yên.
Dẫu vậy, ít ai biết thương hiệu Tân Á Đại Thành thực chất là thuộc hai công ty khác nhau mặc dù lãnh đạo của hai công ty này là người cùng một gia đình. Trong khi Công ty Tân Á được bán hàng thị trường phía Bắc tính từ Phú Yên trở ra thì Công ty Đại Thành bán hàng thị trường phía Nam từ Phú Yên trở vào và các tỉnh Tây Nguyên.
Sản phẩm nổi tiếng nhất của Tập đoàn Tân Á Đại Thành. |
Đến giữa năm 2018, ông Nguyễn Duy Chính - Tổng Giám đốc Tân Á Đại Thành tiết lộ rằng: năm 2019, Công ty Tân Á và Công ty Đại Thành sẽ tiến hành hợp nhất thành một và đặt ra mục tiêu đến năm 2020 doanh thu của thương hiệu này sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, thị phần bồn nước inox trên thị trường trong nước sẽ đạt trên 80%, thị phần bình nước nóng đạt 70%.
Năm 2019, sau khi trở thành doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực phụ trợ của mình, Tập đoàn này bắt đầu thay đổi chiến lược bằng cách phát triển đa ngành; ngoài tái cấu trúc lại Tập đoàn, họ còn quyết định lấn sân sang mảng bất động sản.
Cụ thể: Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã tái cấu trúc sáp nhập, cùng với đó nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương cũng góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, CTCP Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành (chủ sở hữu Tân Á Hưng Yên)…
Trong đó, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019, với vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Minh Ngọc (nắm giữ 30% VĐL), bà Nguyễn Thị Mai Phương (nắm giữ 50% VĐL) và ông Nguyễn Anh Tuấn (nắm giữ 20% VĐL).
Nguyễn Duy Chính - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành |
Đến cuối tháng 1/2020, công ty này nâng vốn điều lệ lên 1.657,2 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985) đảm nhiệm.
Ngoài ra, vị Chủ tịch 57 tuổi Nguyễn Thị Mai Phương còn trực tiếp đứng tên tại loạt doanh nghiệp trong hệ thống như CTCP Đầu tư Xây dựng Du lịch và Kinh doanh BĐS Hưng Phát Phú Quốc; CTCP bất động sản Tân Á Đại Thành; Công ty TNHH Hoàng Yến; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 1; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 2; CTCP Bất động sản và Du lịch Thành Vinh 3; Công ty TNHH Bất động sản Tân Thuận Yến…
Hiện tại, Tân Á Đại Thành đang sở hữu hệ thống 19 Công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào, 300 chi nhánh trực thuộc, hơn 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc cùng hệ sinh thái 9 dòng sản phẩm. Trong đó, bồn inox - bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời đang chiếm thị phần số 1 Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của một vài công ty con quan trọng
|
Tân Á Hưng Yên là đơn vị sở hữu Nhà máy Tân Á Đại Thành Hưng Yên - nhà máy lớn nhất của tập đoàn với quy mô 10 ha, được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Cập nhật tới ngày 13/7/2020, Tân Á Hưng Yên mới nâng vốn điều lệ lên mức 300 tỷ đồng. Công ty này là một trong những thành viên quan trọng, tạo ra nguồn doanh thu lớn cho Tân Á Đại Thành mỗi năm.
Cụ thể, trong 4 năm trở lại đây, Tân Á Hưng Yên đều có doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên lần lượt đạt 1.604 tỷ đồng và 2.184 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Tân Á Hưng Yên đạt 2.975 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Tân Á Hưng Yên đạt 1.337 tỷ đồng, tăng khoảng 45 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm nhẹ từ 210,7 tỷ đồng xuống mức 204,9 tỷ đồng.
|
Ngoài ra, Tập đoàn Tân Á Đại Thành còn cho ra đời sản phẩm ống nhựa thương hiệu Stroman với công ty thành viên là CTCP Nhựa Stroman (Nhựa Stroman).
Công ty này được thành lập vào tháng 3/2017 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 300 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Tân Á Đại Thành góp 80%. Đây là chủ đầu tư nhà máy Stroman tại Hưng Yên và Long An với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 140 triệu USD) và được xếp trong số những nhà máy sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Từ khi thành lập đến nay, Nhựa Stroman có kết quả kinh doanh chưa thực sự tốt khi mới chỉ báo lãi vào năm 2019. Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần của Nhựa Stroman đạt 101,38 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước; lãi thuần ở mức 0,2 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ thuần 0,58 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Stroman đạt 379 tỷ đồng, giảm 5,6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên mức 197,2 tỷ đồng.
Tác giả: Sa Mộc
Nguồn tin: nhaquanly.vn