Thế giới

Tập trận khủng, ‘đòn đánh’ của Putin nhắm vào đâu?

Một cuộc tập trận quy mô khủng như Phương Đông 2018 là một “đòn đánh” từ nhiều góc độ đa dạng.

“Phương Đông 2018” (Vostok-2018) không hổ danh là cuộc tập trận lớn nhất của Liên bang Nga từ thời Liên Xô sụp đổ: 300 nghìn người, 36 nghìn xe cộ quân sự và 1.000 máy bay. Ngoài lực lượng chính là các lực lượng vũ trang Nga, cuộc tập trận còn có sự tham gia của 3.600 lính Trung Quốc kèm theo 24 máy bay trực thăng quân sự và 6 phản lực chiến đấu; và một số đơn vị Mông Cổ.

Gần 40 năm trước, năm 1981, Zapad-81 (Phương Tây), cuộc tập trận lớn nhất được Xô-viết tổ chức với 150.000 người và hàng chục nghìn khí tài tham gia. Cuộc tập trận này diễn ra vào thời điểm quan hệ Đông – Tây căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, có địa bàn và các đối tác được lựa chọn nói lên rất rõ về đối thủ được xác định không phải ai khác, ngoài phương Tây. Vì vậy nó diễn ra trên phần lãnh thổ phía tây của Liên bang Xô-viết và một phần của Ba Lan (gần Gdansk).

Ở thời của chiến tranh lạnh, một cuộc tập trận được coi là một đòn đánh, chứ không chỉ là tuyên ngôn hay cảnh báo. Nó không chỉ phô diễn tầm vóc khổng lồ của một bộ máy quân sự, mà còn là sự trình diễn mang tính răn đe thông qua các hoạt động thực địa của tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân, vốn được coi là thanh kiếm thường trực sẵn sàng đâm thẳng vào “trái tim Phương Tây” ở Châu Âu.

Cuộc tập trận “Phương Đông 2018” lần này được tổ chức là ở vùng Viễn Đông. Chỉ riêng cái tên của nó “Vostok-2018” (Phương Đông) đã nói lên nhiều điều, chưa chắc chỉ là một sự chơi chữ đơn thuần trong tương quan với lịch sử về quy mô và tính cân bằng về không gian nếu so với “Phương Tây-81.”

Thời nay là thời của những xung đột quân sự hạn chế mang tính cục bộ. Các cuộc chiến ủy nhiệm nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới, “cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới” đã diễn ra không chỉ trên lĩnh vực chạy đua về vũ khí mà còn thể hiện qua các đòn trừng phạt kinh tế, khai mào các cuộc chiến thương mại và những đòn tình báo tác động lên chính trường đối thủ.

Xe bọc thép chở quân cũng tham gia tập trận lịch sử này. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/ AP

“Đòn đánh” nhiều đích

Một cuộc tập trận quy mô lớn được tổ chức vẫn là một “đòn đánh” nhưng lần này có thể xem xét nó dưới nhiều góc độ đa dạng hơn.

Về chiến lược địa quân sự, “Phương Đông 2018” cho thấy sự xác định địa bàn chính cho cuộc xung đột giả định trong tương lai của giới quân sự Liên bang Nga là vùng Bắc Thái Bình Dương, Đông Bắc Á, eo biển Bering và có thể lan đến vùng bờ biển phía Tây Hoa Kỳ.

Nhãn quan này không khó hiểu, khi quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên vẫn chưa thực sự được tháo ngòi nổ và các vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chưa được giải quyết dứt điểm. Quan hệ hai miền Nam Bắc Triều Tiên căng chùng theo thời gian, nhưng chưa có kết quả có thể nhìn thấy được, chưa thể có giải pháp một sớm một chiều. Đây có thể nói là yếu tố mạnh mẽ nhất gây ra tâm lý căng thẳng trong giới cầm quyền các nước Đông Bắc Á.

Còn một quan hệ song – đa phương nữa tiềm tàng gây xung đột trong khu vực, là quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, trong tương quan mối quan hệ với Hoa Kỳ. Một mặt là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ và mặt khác là sự khăng khít đồng minh Mỹ – Đài. Càng ngày, các phản ứng và hành động của Đài Loan càng cho thấy họ không phải chỉ là một quân cờ giữa hai tay chơi Mỹ - Trung.

“Phương Đông 2018” đã lên tiếng, dù xung đột có xảy ra như thế nào và giữa những ai trong khu vực, thì cần nhìn nhận Nga sẽ là một lực lượng chính để giữ cân bằng và ổn định trong khu vực. “Đòn đánh” như vậy sẽ hướng tới những đối thủ được xác định, chính là Hoa Kỳ và các đồng minh “được tính là Phương Tây” như một số quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, “đòn đánh” không chỉ nhằm vào những đối thủ chính được xác định trên đây, mà nó còn nhằm vào cả… đồng minh nữa. Kể từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014, quan hệ Nga - Phương Tây được “bồi đắp” bằng những đòn trừng phạt không chỉ khiến quan hệ hai phía ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn làm thiệt hại kinh tế của cả hai bên, trong đó Nga bị thiệt hại nhiều hơn cả.

Trong tình thế đó, Nga buộc phải tìm cho mình những hướng mới và những đối tác chiến lược mới. Một trong số đó là Trung Quốc, một đối tác mới mà cũng không mới.

Sự ấm lên trong quan hệ kinh tế hai nước, kéo theo những làn sóng đầu tư – nhập cư của người Trung Quốc sang Nga, gây nên những lo ngại về an ninh kinh tế, quốc phòng với đất nước, đặc biệt là với vùng Viễn Đông dễ tổn thương. Vùng Viễn Đông của Nga đất rộng, người thưa, cực kỳ giàu có về tài nguyên muôn đời là miếng mồi thèm muốn của người Trung Quốc. Mặt khác chắc chắn những vấn đề về biên giới và lãnh thổ giữa hai nước tồn tại từ những năm 1960, đến nay chưa thể đi hẳn vào dĩ vãng.

Trong tình thế đó, “Phương Đông 2018” còn là câu trả lời cho nghi vấn khả năng bảo vệ vùng phía đông đất nước trước làn sóng “xâm lược mềm” đang diễn ra. “Phương Đông 2018” của Putin dường như là câu nhắc nhở: “Đầu tư vào Viễn Đông được chào đón, nhưng chúng tôi đủ sức mạnh để đòi lại tất cả bất cứ lúc nào.” Làm ăn với Nga là tốt, nhưng cũng phải biết điều!

Ngoài “đòn đánh” trên hướng chính Viễn Đông, vừa mới đây Nga còn tiến hành một cuộc tập trận khác ở Đông Địa Trung Hải, trên chính chiến trường thực tế: Syria. Cuộc tập trận này có lực lượng tham gia của 25 tàu chiến và khoảng 30 chiến đấu cơ. Cả hai cuộc tập trận diễn ra sau cuộc tập trận của NATO với sự tham gia của 2.200 lính Ukraine, Hoa Kỳ và vài nước NATO khác.

Từ góc độ quân sự, “Phương Đông 2018” sẽ là câu trả lời cho những nghi ngờ lâu nay về tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga, khả năng triển khai một lực lượng lớn từ trung tâm đất nước đến những chiến trường xa, trong bối cảnh nước này vẫn chưa duy trì được lực lượng thường trực ở các căn cứ hải ngoại với số lượng xứng tầm cường quốc quân sự.

Như trên đây chúng ta đã xem xét sự trình diễn của tên lửa tầm trung như một đòn răn đe đối thủ ở “Phương Tây-81” thì lần này chắc cũng không phải ngoại lệ. Sự có mặt của các đơn vị tên lửa chiến lược cả tấn công lẫn phòng thủ, lực lượng không gian… vẫn đóng vai trò răn đe như cũ. Nhưng vẫn đang có những câu hỏi nghi ngờ về khả năng chiến đấu trong thực tế của những vũ khí mới như xe tăng Armata T-14 hay máy bay chiến đấu đa năng Su-35… thì “Phương Đông 2018” được cho là sẽ có sự tham gia của những khí tài mới nhất này sẽ là cơ hội để chúng thử nghiệm trong thực tế chiến đấu.

Mặt khác, những vũ khí chiến thuật cho chiến tranh quy ước như xe tăng, máy bay… chính là câu chuyện kinh tế, là cơ hội bán hàng cho công nghiệp quốc phòng.

Một câu hỏi nữa là tại sao “Phương Đông 2018” với lực lượng khổng lồ đến vậy, gần gấp đôi so với “Phương Đông 2014”, khi mà người ta vẫn cho rằng sức mạnh của lực lượng quân sự quốc gia không còn nằm ở quân số nữa, không phải đánh nhau bằng sức người nữa, mà bằng công nghệ? Có thể ước đoán “Phương Đông 2018” huy động đến 1/3 quân số của Quân đội và Hải quân Liên bang Nga, quá khổng lồ so với một cuộc tập trận. Chúng ta không nên quên còn tác động đối nội của nó, đem lại sự vững tâm trong nhân dân trước những đe dọa từ bên ngoài, từ những kẻ thù giả định.

Tác giả: Phúc Lai

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP