Thế giới

Tên lửa Trung Quốc gây lo ngại

Những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc và Nga trong công nghệ vũ khí trên không được đánh giá là đang tạo ra một thách thức chiến lược mới đối với Mỹ và các đồng minh.

Theo giới quan sát, những tiến bộ công nghệ nhanh chóng trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống tên lửa không đối không, đang thay đổi cuộc chơi đối với các lực lượng không quân phương Tây và thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Nó cũng làm thay đổi bức tranh đối với các nước láng giềng của Trung Quốc như Ấn Độ.

Nga đi đầu trong việc hiện đại hóa không quân và đã trở nên sẵn sàng sử dụng lực lượng này hơn. Nhưng trong tương lai lâu dài, nền kinh tế 13 nghìn tỷ USD cùng với sự giàu có đang tăng lên của Trung Quốc khiến nước này dễ tạo ra thách thức chiến lược lớn hơn đối với Mỹ và các đồng minh.

Năm 2017, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc tăng 5,6%, trong khi của Nga giảm 20%, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI). Cụ thể, Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quốc phòng, còn Nga chi 66,3 tỷ USD, SIPRI cho biết.

Hiện nay, lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng là thống trị các ngành công nghiệp tiên tiến như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và bảo vệ lợi ích của nước này ở các khu vực tranh chấp trên biển Đông, biển Hoa Đông…

Nga và Trung Quốc nỗ lực bắt kịp Mỹ sau cú sốc Không quân Mỹ dễ dàng hạ các đối thủ trong những năm 1990, ông Vasily Kashin, chuyên gia về hàng không quân sự tại ĐH Nghiên cứu quốc gia ở Mátxcơva, cho biết. Đối với Trung Quốc, khoảnh khắc đó bắt đầu từ chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi một chiến dịch không kích của Mỹ nhanh chóng đập tan quân đội Iraq - hồi đó còn được trang bị tốt hơn quân đội Trung Quốc.

Đối với Nga, thời điểm thức tỉnh là vào năm 1999, khi một chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu buộc Serbia phải rút lính và xe tăng ra khỏi Kosovo, ông Kashin nói. Đài Loan cũng là một yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh. Mỹ huy động 2 nhóm tàu sân bay hỗ trợ hòn đảo này trong vụ khủng hoảng eo biển năm 1996 giữa Đài Loan với Trung Quốc đại lục và đã cung cấp lượng vũ khí trị giá 18 tỷ USD cho hòn đảo này kể từ năm 2008.

Một trong những bước tiến lớn nhất của Trung Quốc là tên lửa không đối không, loại vũ khí mà với chỉ 1-2 triệu USD có thể phá hủy một máy bay chiến đấu trị giá 150 triệu USD. Đó là một cách hiệu quả về chi phí để cải thiện vị thế trên sân chơi với Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao gấp 3 lần của Nga hay của Ấn Độ, nhưng vẫn thấp hơn mức 610 tỷ USD của Mỹ, theo số liệu của SIPRI.

Tháng 3 năm nay, Không quân Mỹ ký hợp đồng nửa tỷ đô la Mỹ để cung cấp cho các đồng minh gần gũi loại tên lửa không đối không tầm xa Raytheon mới nhất, có khả năng tấn công máy bay kẻ thù từ khoảng cách 160km. Tên lửa Meteor của châu Âu có thể nguy hiểm hơn. Nhưng tên lửa PL-15 của Trung Quốc còn có thể bắn trúng mục tiêu ở xa hơn nữa. PL-15 cũng được hỗ trợ bởi radar quét mảng điện tử, khiến các loại máy bay chiến đấu nhanh nhất cũng khó tránh.

Theo nhiều chuyên gia, Nga vẫn chưa thành công trong việc trang bị công nghệ này cho tên lửa của họ. Khi PL-15 được thử nghiệm công khai lần đầu, Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến đấu của Không quân Mỹ hồi đó là ông Herbert Carlisle còn lo ngại đến mức kêu gọi Quốc hội Mỹ duyệt chi thêm tiền để đuổi kịp, theo Bloomberg.

Một vũ khí không đối không khác của Trung Quốc đang được phát triển là PL-XX, có khả năng tấn công các hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không chuyển động chậm - được coi là đầu não trên không của không quân Mỹ, từ khoảng cách 480km. Ở khoảng cách gần hơn, loại tên lửa PL-10 phiên bản mới nhất của Trung Quốc có thể sánh ngang loại tên lửa tự tìm diệt mục tiêu tốt nhất; giới chuyên gia đánh giá, đây là năng lực răn đe đáng kể của Trung Quốc.

Ông Michael Griffin, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật, nói rằng, ông đặc biệt lo ngại trước sự tiến bộ của Trung Quốc và Nga trong phát triển tên lửa siêu thanh diệt tàu sân bay mà Mỹ vẫn chưa có năng lực phát hiện kịp thời để bắn hạ.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình nội địa Chengdu J-20. So sánh năng lực chiến đấu trên mô hình cho thấy, tính đến năm ngoái, lần đầu tiên Trung Quốc đã sánh ngang với Mỹ về ưu thế trên không trong bất kỳ cuộc xung đột nào gần Trung Quốc, bao gồm cả khu vực Đài Loan.

Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là còn phải cố gắng nhiều mới sánh được Mỹ về năng lực chiến đấu bằng vũ khí thông thường, chưa nói đến vũ khí hạt nhân, ở tầm toàn cầu. Công nghệ động cơ máy bay của Trung Quốc vẫn yếu và phải dựa vào Nga, trong khi các loại vũ khí mới của họ phần lớn chưa được thử nghiệm trên chiến trường. Các phi công của Trung Quốc cũng bị đánh giá là chưa sánh được với phi công phương Tây về kỹ thuật tác chiến và huấn luyện.

Tác giả: Bình Giang

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP