Xã hội

Tết buồn của người vợ mất chồng con do Covid-19: 'Tiền lo 2 đám ma vẫn còn nợ 55 triệu'

Vừa chăm chút lại bàn thờ hai cha con, bà Lê Kim Mai trải lòng: "Năm nay không có tinh thần đón Tết".

Bà Lê Kim Mai khóc khi nhớ về chồng con. Ảnh: Người lao động

Các hẻm dọc cầu Calmette (Q.4, TP.HCM) trong cao điểm của đợt bùng dịch thứ 4 vô cùng tang thương vì các hẻm san sát nhau gần như đều bị phong toả kéo dài, hàng loạt người tử vong vì Covid-19, cá biệt có hẻm 19 người mất vì Covid-19.

Đối với người dân nơi đây, họ không gọi là hẻm mà gọi là lô vì các nhà đều có diện tích như nhau, 3x7m san sát nên dịch cũng lây lan nhanh quá sức tưởng tượng.

Bà Quách Tú Anh, Chủ tịch UBND P.9, Q.4 cho Thanh Niên biết trong đợt dịch thứ tư, toàn phường có 122 người mất vì Covid-19, trong đó có 84 người thực tế sống tại địa phương.

Trong số các con hẻm dọc cầu Calmette có nhiều người mất vì Covid-19 phải kể đến hẻm 98 đường Đoàn Văn Bơ (P.9, Q.4). Trong không khí đón Tết Nguyên đán đang tấp nập ở mọi nơi thì không khí trong con hẻm này lại trầm lắng hơn rất nhiều. Vì với họ, được đón Tết cùng gia đình là may mắn.

Hoàn cảnh nhất trong số các hộ ở hẻm 98 phải kể đến trường hợp của bà Lê Kim Mai (62 tuổi). Ngày dịch bệnh Covid-19 lây lan trong con hẻm nhỏ, vợ chồng bà Mai cùng đi cách ly nhưng chỉ có bà trở về. Đau đớn hơn, người con trai đang cách ly tại nhà cũng mất 2 ngày sau khi ba mất.

“Lúc ở nhà, ổng nghe tiếng xe cấp cứu hú còi, tiếng rầm rập của nhân viên y tế mặc bảo hộ đến lấy mẫu xét nghiệm mà sợ. Đi cách ly chung được một hôm thì tôi chuyển đi nơi khác, hôm sau chồng mất mà mọi người giấu tôi hết. Con trai cách ly tại nhà nghe tin cha mất thì bỏ ăn, bỏ uống cũng mất 2 ngày sau đó. Tới khi tôi về cả nhà mới cho biết, suy sụp hoàn toàn”, bà Mai đau khổ kể với PV Thanh Niên.

Nhớ lại những ngày tháng dịch bệnh đau khổ đó, bà Mai vẫn không thể kiềm chế được nước mắt. Chỉ khi bà đã khỏi Covid-19 chuẩn bị ra viện thì mới hay tin chồng đã mất từ ngày 25/7/2021. Nỗi đau đớn tột độ càng nhân lên khi đến ngày 27/7/2021, con trai của ông bà cũng mất vì Covid-19 tại nhà.

Tới giờ, quán cơm trong hẻm thường bán cho nhân viên ngân hàng của vợ chồng bà Mai vốn tấp nập khách vẫn chưa mở cửa trở lại. Khách tới hỏi thăm mấy lần, đều ngỡ ngàng khi nghe tin ông chủ quán không còn.

Sau biến cố lớn, giờ đây bà Mai chỉ còn sống cô đơn trên căn gác trong ngôi nhà ba mẹ để lại cho mấy anh chị em trong hẻm 98 vì 2 người con còn lại đã lập gia đình sống riêng. Chăm chút lại bàn thờ chồng và con trai nhân dịp Tết đến, bà Mai rơi nước mắt nói với PV báo Người lao động: "Năm nay không có tinh thần đón Tết".


Nói thêm với báo trên, bà Mai tâm sự: "Tối đến nhớ chồng, nhớ con mà tôi khóc một mình. Vừa rồi lên phường nhận tiền hỗ trợ hộ khó khăn mà đau khổ. Tiền lo 2 đám tang tôi vẫn còn nợ 55 triệu đồng. Gần đây, tôi phụ con gái bán chè, ngày nào bán lời nhiều thì con cho 100.000 đồng, ít thì được 50.000 đồng. Do sức khỏe còn yếu, vốn cũng chẳng có nên chưa tính được gì. Qua Tết tôi sẽ kiếm việc làm mới".

Nói về lý do Q.4 có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao và tỷ lệ tử vong cao, ông Lê Văn Chiến (Chủ tịch UBND Q.4) cho báo Thanh Niên hay:

Thứ nhất, quận có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số cao nhất TP, nhất là hệ thống hạ tầng, giao thông, đường sá tại quận phần lớn là hẻm nhỏ, hẻm sâu.

Thứ hai, phần đông người dân trên địa bàn quận là lao động nghèo, sống trong không gian chật chội, nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế

Tuy nhiên, hiện nay, sau đợt dịch lớn vừa qua, người dân trong các hẻm đã tự giác phòng dịch để bảo vệ mình và người xung quanh.

Tác giả: Chi Chi

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP