Cuộc sống

Tết tha hương và muôn nẻo đường ký ức

Mỗi khi cả đất nước đang ngập tràn không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc, những trái tim Việt Nam xa quê hương lại bồi hồi, thổn thức không nguôi.

“Mẹ ơi, con mới xong việc…”

“Mẹ ơi con mới xong việc, đã lâu con chưa gọi về/ Nhà ta thế nào, cha có đỡ đau ốm hơn không?...”. Đó là những câu mở đầu bài hát “Nước ngoài” của ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh, cũng là những dòng khắc khoải trong tâm tư của La Hồng Quân (25 tuổi), một người con nước Việt xa quê hương xứ sở.

Hiện tại, đang học và làm về xây dựng ở Nhật Bản đã hơn một năm, La Hồng Quân chia sẻ: “Đây là cái Tết thứ hai mình không được quây quần đón giao thừa bên gia đình. Khi Tết về, cảm xúc của mình có một chút bồi hồi về kỷ niệm của những ngày Tết trước, có chút buồn, chút vui, chút nhớ nhà.

Mình thèm một chút đồ ăn đặc trưng ngày Tết và hiện tại mình cũng đang tò mò không biết năm nay đón cái Tết thứ hai không có mình, bạn bè người thân ở nhà sẽ thế nào, có nhớ mình không?”.

“Mặc dù lòng hướng về gia đình, nhưng ở bên này vẫn đang trong guồng quay công việc nên vẫn cần sự chăm chỉ, tập trung cao độ, vừa làm vừa nghĩ đến ăn Tết sẽ nguy hiểm, không cẩn thận có khi sẽ gặp tai nạn”, Quân phân trần.

Những ngày Tết, Hồng Quân cảm nhận nỗi nhớ trong lòng mình dâng lên da diết.

Chia sẻ về ký ức Tết xưa, Quân cho biết: “Hồi còn bé, điều khiến không chỉ mình, mà ai cũng thích Tết nhất, đó là “lì xì”, mà thực ra là “lì” cái mặt để họ “xì” phong bao đỏ ra. Bây giờ, điều khiến mình yêu thích Tết nhất chỉ đơn giản vì đó là “Tết”, vậy thôi. Tết trong ký ức thời thơ bé của mình tràn ngập những trò vui dân dã như đánh bài bôi nhọ nồi, đốt pháo, ngồi quán net cùng đám bạn trong đêm giao thừa.

Giai đoạn sau khi lớn hơn một chút, mình thích ở nhà nhâm nhi tách trà cùng bố mẹ xem Táo Quân đón giao thừa, sáng sớm đi lễ đình làng, xông đất họ hàng bà con trong xóm rồi tập trung nhà mấy người bạn để gặp gỡ đầu xuân”.

Hồng Quân tâm sự, thực ra lời bài hát “Nước ngoài” anh nghe rất thấm, bất giác khi nào có chút thời gian rảnh, ngồi nhớ về gia đình lại thấy hợp tâm trạng da diết. Đặc biệt, khi thời khắc chuyển giao đất trời đang điểm từng giây, lòng lại xốn xang lạ thường.

“Tết này, con không về được, mẹ ơi…”

Có lẽ, với mỗi du học sinh, thời điểm Tết cổ truyền đang rạo rực, tưng bừng ở quê hương, ai cũng có chung một tâm trạng, buồn da diết, vì “Tết này, con chẳng về được mẹ ơi”, giống với bài hát “Tết xa” của ca sĩ Bảo Uyên.

Cũng chuẩn bị đón Tết thứ hai tại nơi “đất khách”, Nguyễn Thị Ngọc Thúy (26 tuổi), sinh viên tại trường Technische Universität Chemnitz (trường đại học kĩ thuật Chemnitz - Đức) hiện tại đang trong thời gian thi hết học kỳ, lại càng có cảm giác trống vắng.

Ngọc Thúy tâm sự: “Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã là Tết truyền thống thứ hai mình không thể chia sẻ cùng gia đình. Cảm xúc đầu tiên và chủ đạo vào thời gian gần kề chính là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những đặc trưng ngày Tết quê nhà. Kèm theo đó là nỗi buồn man mác, không quá buồn, nhưng không thể tránh khỏi sự tủi thân. Tuy nhiên, chắc hẳn không chỉ mình mà tất cả các bạn du học sinh khác, khi đã chọn con đường này đều xác định chấp nhận và vượt qua”.

Nhắc về kỷ niệm Tết nhớ nhất, Ngọc Thúy chia sẻ: “Nhớ nhất đới với mình là Tết trước khi mình đi du học, gia đình họ hàng tập trung rất đông đủ, kể cả bạn bè cũng cố gắng sang nhà chơi và chúc Tết trước khi mình đi. Đó có thể đơn giản chỉ là những bữa cơm, những cuộc trò chuyện rất đỗi bình thường, nhưng với mình hết sức ý nghĩa, tự nhiên, ấm cúng và thân thương lạ thường.

Đã hai năm Ngọc Thúy không được về đón Tết bên gia đình.

Mỗi khi nhớ lại hình ảnh bố mình đưa mấy chị em đi xem pháo hoa đêm giao thừa, về nhà xông nhà và có mẹ đang sắp mâm cỗ chờ mấy bố con, cũng như nhận tiền mừng tuổi dù lớn đùng rồi cũng khiến mình bồi hồi xúc động vô cùng.

Mặc dù bình thường tỏ ra cứng cỏi, nhưng lúc đó mình cũng khóc thầm, không dám than thở sợ gia đình lo lắng”.

“Điều mình yêu thích nhất trong dịp Tết chính là được tận hưởng không khí nhộn nhịp rộn ràng ngày Tết. Người người nhà nhà tất bật háo hức, dành cho nhau nhiều lời chúc tốt đẹp, cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình”, Ngọc Thúy chia sẻ dấu ấn về Tết trong lòng mình.

Chỉ muốn trở về nhà ngay lập tức

Cù Phương Linh (22 tuổi), hiện đang là học thạc sĩ ở Anh cũng chia sẻ: “Những ngày Tết đến, trong lòng mình rộn lên nỗi nhớ nhà như những đợt sóng trong tâm hồn. Tết thích nhất là cùng mọi người quây quần sum họp bên nhau, tụ tập với đám bạn thân đi xem pháo hoa và đi ăn đồ nướng, và đặc biệt là được nhận “lì xì”.

Sống xa nhà nên nhiều lúc muốn tâm sự với người thân, bạn bè cũng khó vì múi giờ lệch đến tận 7 tiếng. Nhiều khi nhớ nhà, mình muốn gọi video call với mọi người mà lại nhớ ra bên đấy nửa đêm mất rồi.

Đồ ăn, văn hoá bên này cũng không dễ thích nghi nên thỉnh thoảng mình cũng bị áp lực, nhưng may mắn luôn có người yêu và bạn thân bên cạnh nên đỡ hơn nhiều so với các bạn du học sinh khác. Mặc dù cũng đã khá quen với cuộc sống mới, nhưng những ngày lễ như này, mình thật sự chỉ muốn trở về bên gia đình ngay lập tức”.

Phương Linh muốn nhắn gửi tới gia đình một vài điều nho nhỏ: “Con cảm ơn bố mẹ rất nhiều vì đã tạo điều kiện mọi mặt để con có thể đi du học như mình mong ước. Con hy vọng năm mới gia đình mình sẽ vượt qua được mọi khó khăn, vất vả trong năm vừa qua và thực hiện thành công những dự định sắp tới.

Phương Linh nhớ những ngày ngập tràn cảm xúc tại Việt Nam, chỉ muốn về ngay lập tức.

Cuối cùng, con muốn gửi lời chúc mừng năm mới đến cả nhà, mong rằng bố mẹ luôn mạnh khoẻ, công việc thuận lợi và hạnh phúc, mong gia đình nhỏ của anh trai với sự xuất hiện của thành viên mới sẽ gặp thật nhiều điều may mắn và vui vẻ trong năm tới. Chúc cho gia đình mình một năm mới an khang thịnh vượng, con yêu cả nhà mình nhiều nhiều lắm!”.

Tác giả: Thủy Tiên - Hoàng Bích

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: Tết , du học sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP