Phóng viên: Nếu tính trên số môn học thì chương trình phổ thông mới ít hơn chương trình hiện hành. Nhưng theo nhiều chuyên gia, lượng kiến thức không hề nhẹ hơn?
|
- Tiến sĩ THÁI VĂN TÀI: So với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục mới ít môn học hơn do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Tuy nhiên, trong chương trình có thêm 2 môn học mới là ngoại ngữ 1, tin học và công nghệ.
Có thể các phụ huynh lo lắng nhưng theo tôi, chương trình giáo dục mới là chương trình học 2 buổi/ngày, do đó số tiết học trong một năm đều tăng lên. Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm…
Định hướng chung của việc đổi mới chương trình lần này là hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Các em được tạo cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.
Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình mở, trong khi các trường lại đang quen với nếp dạy cũ, làm sao để khắc phục được điều này?
- Chương trình phổ thông mới trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường. Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục; không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho giáo viên và tác giả sách giáo khoa phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Khi triển khai chương trình mới, các địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn. Điều này đòi hỏi mỗi nhà trường phải đổi mới nhiều trong hoạt động quản lý chuyên môn, phát triển chương trình giáo dục đến từng cấp, từng khối, từng lớp, thậm chí từng nhóm đối tượng học sinh, từng học sinh.
Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỉ lệ phòng học/lớp còn thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Tôi thừa nhận việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đúng là một trong những thách thức đối với một số địa phương có tỉ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỉ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê, trên 70% học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày theo chương trình hiện hành. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là do khó khăn về quỹ đất, về kinh phí và điều kiện sống của người dân.
Nhằm thực hiện quy định của chương trình mới, bảo đảm con em địa phương không thiệt thòi so với những nơi khác, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm theo lộ trình thực hiện dứt điểm việc dạy 2 buổi/ngày. Cụ thể, năm học 2020-2021 ở lớp 1, năm học 2020-2021 ở lớp 2, năm học 2020-2021 ở lớp 3, năm học 2020-2021 ở lớp 4 và năm học 2020-2021ở lớp 5.
Những cơ sở giáo dục bố trí dạy học được 6 buổi/tuần thì đều có thể thực hiện được đầy đủ chương trình. Các cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày thì thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động