Tin trong tỉnh

Thái Hòa - Nghệ An: Cán bộ khai thác tài nguyên trái phép vi phạm pháp luật

Tài nguyên khoáng sản nói riêng và tài nguyên nói chung là tài sản của toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý. Nếu lợi dụng chức quyền, tiếp tay tàn phá tài nguyên vì tư lợi cá nhân hay "lợi ích nhóm" cũng là hành vi tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm khắc để làm gương và răn đe.

Chính quyền làm ngơ…?

Tài nguyên khoáng sản là tài sản của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý nhưng ở mỏ cát, sỏi tại thôn Tân Ấp, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, trong một thời gian dài không được quản lý và trở thành tài sản riêng cho bà Ngọc Bé, ông Hữu Dũng – cán bộ UBND thị xã Thái Hòa tự ý khai thác trái phép thu lợi cá nhân, bất chấp gây ảnh hưởng về lâu dài đến môi trường và đời sống người dân.

Sỏi tràn ra cả lòng sông, xe bất chấp nguy hiểm vẫn vào vận chuyển

Như thông tin báo đã đăng tải kỳ 1 ngày 27/5/2019 trong bài viết: “Cán bộ khai thác tài nguyên khoáng sản chửi bới, đe dọa PV là ai?”; Kỳ 2 ngày 28/5/2019 trong bài: “Ai “chống lưng” cho cán bộ UBND thị xã khai thác tài nguyên". Ở kỳ 3, chúng tôi và các bạn tiếp tục tìm hiểu những “sai phạm chồng sai phạm" của việc khai thác tài nguyên trái pháp luật và tàn phá kinh hoàng nguồn tài nguyên quốc gia này của vợ chồng cán bộ nhà nước làm việc tại thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.

Như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc: Mỏ cát, sỏi tại thôn Tân Ấp, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An được cấp giấy phép khai thác cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Anh Huy. Nhưng, hiện tại tra cứu Công ty này đã ngừng hoạt động mà không hiểu bằng cách nào, cặp vợ chồng cán bộ UBND thị xã Thái Hòa lại tự tung tự tác khai thác trái phép và hình như được chính quyền “bảo kê" hợp pháp?

Do được chính quyền địa phương “tạo điều kiện, im lặng, mặc kệ cho khai thác" nên nguồn tài nguyên ở Nghệ An đang trong tình trạng cạn kiệt. Bởi vậy, Nhà nước không kiểm soát được khối lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp, đồng nghĩa không nắm được thực trạng tài nguyên khoáng sản, nguồn lực phát triển đất nước...bởi...nguồn tài nguyên bị khai thác ấy đã và đang “nằm trong túi" những kẻ trục lợi.

Chảy máu tài nguyên…!

Câu chuyện khai thác trái phép tại mỏ cát, sỏi thôn Tân Ấp, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa đã kéo dài một thời gian rất dài, nguồn lợi “kiếm chác" từ việc tàn phá tài nguyên quốc gia là bao nhiêu? Nằm trong túi những ai? Nguồn thuế thu như thế nào? Câu hỏi lớn ấy làm đau đáu trong lòng rất nhiều người dân xã Nghĩa Hòa phản đối mà câu trả lời luôn chìm trong yên lặng.

Cát được khai thác và tập kết tràn lan

Theo tài liệu chúng tôi có được, khu đất mỏ giao của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Anh Huy là đất của UBND xã Nghĩa Hòa quản lý nhưng các hộ gia đình, cá nhân, đang sản xuất nông nghiệp. Theo phản ánh của người xã Nghĩa Hòa thì Công ty mới hỗ trợ một phần diện tích cho các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất nông nghiệp. Một số diện tích còn lại mà Công ty thuê đất vẫn chưa hoàn thành hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân.

Dù đã có quyết định cấp phép và quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Nghệ An nhưng đến Công ty vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Anh Huy chủ trì phối hợp với UBND xã Nghĩa Hòa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước khi giao đất. Yêu cầu Công ty không được khai thác khi chưa được giao đất, giao mỏ thực địa.

Vậy mà, kỳ lạ thay, thời điểm cuối tháng 5/2019, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong thì mỏ cát, sỏi tại thôn Tân Ấp, xã Nghĩa Hòa, thị xã Thái Hòa đã được cặp vợ chồng là cán bộ của thị xã Thái Hòa nhận là chủ mỏ khai thác công khai. Có chăng đây chính là vì “lợi ích nhóm" mà dư luận bức xúc suốt một thời gian dài qua?

Sỏi khai thác rất nhiều và tập kết cẩu thả

Chính từ thực tế này, nhiều hộ dân xã Nghĩa Hòa bức xúc: “Ăn dần, ăn mòn tài sản quốc gia mà cứ chìm trong yên lặng, sao chính quyền lại “bảo kê hợp pháp" cho họ? Cứ chiểu theo đúng Bộ luật Hình sự thì tiếp tay cho “rút ruột” khoáng sản cũng là hành vi tham ô, tham nhũng. Cần có biện pháp xử lý nghiêm minh để người sau không dám tái phạm và lấy lại lòng tin cho nhân dân”.

Cần xử lý nghiêm sai phạm

Theo Điều 2, Chương I của Nghị định 33/2017/ND - CP ngày 3/4/2017 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nuớc và khoáng sản:Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có thể tối đa với cá nhân là 1 tỷ đồng, tổ chức là 2 tỷ đồng. Ngoài ra, thêm hình thức xử phạt bổ sung tùy theo tính chất, mức độ vi phạm như: Tước quyền giấy phép thăm dò, khai thác từ 1 đến 24 tháng...

Người dân nghi ngờ có “thỏa thuận ngầm" giữa một đôi vợ chồng cán bộ với chính quyền địa phương nên họ mới dám tự ý khai thác trái phép tài nguyên trong một thời gian dài, lại còn chửi bới, lăng mạ, đe dọa phóng viên khi chứng kiến việc khai thác trái phép...

Ai đang chống lưng cho ông Dũng và bà Bé khai thác tài nguyên và hung hăng cản trở báo chí tác nghiệp đúng quy định của pháp luật

Thiết nghĩ các ngành chức năng ở tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân nếu có sai phạm để kịp thời ngăn chặn “nạn chảy máu tài nguyên” gây bức xúc cho dư luận.

Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc này.

Tác giả: Đặng An và nhóm PV

Nguồn tin: khoe365.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP