Tin trong tỉnh

Thảm kịch sập cống Hiệp Hòa và nỗi day dứt non nửa thế kỷ

Sập cống thủy lợi Hiệp Hòa mãi là ký ức bi thương của người Nghệ Tĩnh, những chàng trai cô gái đoản mệnh năm xưa xứng đáng được vinh danh…

Kí ức đau thương sập cống Hiệp Hòa là nỗi ám ảnh gần nửa thế kỷ đã qua. Ảnh: Ngọc Linh.

Ngày 3/1/1978 định mệnh

Một ngày mưa rả rích cuối tháng bảy, chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Nhật Sơn ở xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An, là nhân chứng sống sót trong vụ sập công trình thủy lợi Hiệp Hòa vào trưa ngày 3/1/1978 làm 230 người chết và bị thương.

Non nửa thế kỷ đã qua kéo theo nhiều đổi thay của nhịp đập thời cuộc, duy nỗi niềm trăn trở và vết thương lòng của những người ở lại thì vẫn còn đó. Ông Sơn năm nay đã bước sang tuổi 65 năm, thấy khách đến chơi nhà ông xởi lời rót nước mời chào, thái độ niềm nở, rất đỗi thân thiện.

Khi được hỏi về câu chuyện bi thương 46 năm về trước, ông Sơn bỗng khựng lại, đôi mắt hiện rõ nỗi u sầu. Hướng ánh nhìn vào khoảng không xa xăm, chậm rãi đặt chén trà nóng xuống bàn, trầm ngâm một lúc ông bồi hồi chia sẻ về kí ức ngày cũ:

98 người đã tử nạn tại nơi này. Ảnh: Ngọc Linh.

“Do ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh, tình hình kinh tế xã hội cả nước lúc bấy giờ gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, nguồn lực cạn kiệt nên việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng rất hạn chế. Trong bối cảnh ngặt nghèo, khẩu hiệu “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” càng lan tỏa mạnh mẽ. Hưởng ứng lời kêu gọi, tầng tầng lớp lớp thanh niên hứng khởi lên đường đi kiến tạo những công trình mới.

Tổng đội Thanh Chương được thành lập với khoảng 2.200 đoàn viên thanh niên, đơn vị Cát Văn chúng tôi luôn là lá cờ đầu với trên 100 thành viên, chia làm 2 tổ và được điều động về làm cống Hiệp Hòa. Công trình này nằm trên hệ thống Bara Đô Lương có công năng điều phối nước cho các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu. Hệ thống có ba ống cống chính dài khoảng 50m được xây dựng từ thời Pháp thuộc, do thời gian và chiến tranh tàn phá nên lưu lượng nước chảy qua chỉ đáp ứng được 1/4. Đơn vị tôi nhận nhiệm vụ quan trọng nhất là đào theo vách ống cống thứ 3 để đặt thêm một đường ống mới”.

Sự việc diễn ra ngót nửa thế kỷ rồi nhưng với ông Sơn mới như ngày hôm qua thôi. Ông vẫn nhớ như in những diễn biến của ngày 3/1/1978 định mệnh, nguyên sáng hôm ấy cả biển người hì hục dưới lòng kênh không ngơi nghỉ, đến giờ thay ca từng tốp nhẫn nại leo thang theo đường công vụ lên trên để nghỉ ngơi, cơm nước.

"Nhân chứng sống" Nguyễn Nhật Sơn luôn đau đáu, trăn trở về quyền lợi chính đáng của đồng đội mình. Ảnh: Ngọc Linh.

Đang di chuyển thì bất chợt một tiếng nổ đinh tai nhức óc vang lên như sấm rền, lúc này cả đoàn người hoảng loạn như ong vỡ tổ, tiếng la hét tiếp diễn không ngớt. Sự thể càng xấu đi khi đường ống đầu tiên vỡ toang hoác, phía trên đất cát trút xuống như thác lũ. Tình thế hiểm nghèo buộc ai nấy phải tìm hướng thoát thân, số đông bám theo đường công vụ nhưng tiết diện hẹp nên tình hình càng cam go. Không chịu nổi áp suất dồn xuống liên hồi, ống thứ hai, thứ ba cũng vỡ nốt. Sau đó không lâu, một phần mái đồi cũng trôi theo.

“Bản thân tôi bị lấp chừng 1/3 thân người, nhờ có sức khỏe nên vùng vẫy thoát thân và may mắn sống sót. Lúc bấy giờ cảnh tượng nhao nhác như ong vỡ tổ, tiếng khóc thét vang vọng cả một vùng trời, không khí tang thương bao trùm nguyên công trường. Ngay khi cập nhật thông tin, lực lượng thay cả ở nhà chạy ùa ra, người dùng cuốc san gạt, kẻ dùng tay cật lực cào bới hòng tìm kiếm những người bị vùi lấp.

Nhiều người ngã xuống ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Ảnh: Ngọc Linh.

Lượng đất đá dồn xuống quá lớn đã vùi sâu nhiều anh em xấu số, có những trường hợp phải vài ngày sau mới tìm thấy thi thể. Đau thương lắm, thảm kịch ập đến đã cướp đi sinh mệnh của 98 con em đang căng tràn nhựa sống, riêng xã Cát Văn có đến 37 người”, nói đến đây ông Sơn không kìm được nước mắt.

Chuyện tâm linh có thật!

Qua 3 ngày nỗ lực kiếm tìm nhưng thi thể của Nguyễn Hoàng Trung, ở xóm 9B xã Cát Văn vẫn chẳng thấy đâu, là bạn “chí cốt” ông Sơn như ngồi trên đống lửa. Hiện trường lúc đó ngổn ngang như bãi chiến trường, thương bạn chịu cảnh lạnh lẽo dưới tầng lớp đất sâu, ông Sơn mua một nải chuối, vài gói kẹo lạc và chai rượu nhỏ, bày biện hết trên một cái nắp nồi quân dụng cỡ lớn để làm lễ. Xong xuôi đâu đó, ông thắp hương, khấn vái rồi hô to:

Có những hình ảnh đến bây giờ vẫn ám ảnh người ở lại. Ảnh: Ngọc Linh.

“Linh hồn thằng Trung có thiêng thì cho mọi người tìm thấy mi, chứ không ai ở với mi mãi được mô”. Không lâu sau, bất thình lình một tảng đá lớn như con trâu mộng trên đồi trượt xuống lòng kênh, khoảnh đất quanh đó cũng chuyển động và tách hẳn ra làm đôi, lúc này lộ ra thi thể của người vắn số. Không chút chậm trễ mọi người nhào đến xới đất hòng kéo thi thể lạnh ngắt lên bờ. Hình ảnh ấy đến bây giờ vẫn ám ảnh ông Sơn mãi không nguôi.

Xoa dịu nỗi đau

“Vì nước quên thân”, 98 con người đã nằm xuống ở cống Hiệp Hòa xứng đáng được vinh danh, dù vậy công lao của họ chưa được ghi nhận tương xứng, họ không được công nhận liệt sĩ, cũng chẳng có nổi một tấm bia tập thể.

Những người như chị Nguyễn Thị Thanh xứng đáng được vinh danh. Ảnh: Ngọc Linh.

Trăn trở, day dứt vì quyền lợi chính đáng của đồng đội mình, bản thân ông Nguyễn Nhật Sơn cùng chiến hữu lâu năm là ông Nguyễn Bá Bình, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần viết đơn thư gửi đến các cấp, ngành của tỉnh Nghệ An đề đạt nguyện vọng xây dựng một nơi thờ tự và ghi danh công lao của những thanh niên tình nguyện năm xưa. Nội dung đặc biệt cấp thiết nhưng vì nhiều nguyên do nên trì hoãn mãi không thôi.

Mãi đến gần đây, tại phiên họp thường kỳ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hòa Hiệp tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương mới chính thức được thông qua. Dù muộn còn hơn không, giờ đây những người ở lại đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

“Tôi là người may mắn sống sót trong vụ sập cống Hiệp Hòa. Sau nhiều năm ngóng trông, giờ hay tin tỉnh Nghệ An có chủ trương xây dựng Bia vinh danh, chúng tôi mừng lắm. Mong sao các cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện, qua đó giúp cho thân nhân, gia đình và con em thế hệ sau có một nơi trang nghiêm để thăm viếng, tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì quê hương Xô Viết”, ông Sơn bùi ngùi.

Cụ Nguyễn Thị Tý khóc thương con mình. Ảnh: Ngọc Linh.

Cụ Nguyễn Thị Tý, SN 1937 ở xóm 7, xã Cát Văn có con gái là chị Nguyễn Thị Thanh nằm trong danh sách tử nạn năm xưa. Khi biết chủ trương xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, nước mắt cụ chảy giàn giụa: “Gia đình tôi mong mỏi, khắc khoải gần 50 năm rồi. Giờ đây tỉnh nhà đã nhớ đến, chúng tôi rất xúc động và biết đơn. Bia tưởng niệm xây dựng nên để cho con cháu hiểu thêm sự hi sinh của các bác, các chú, các anh đã ngã xuống như thế nào. Tôi đây tuổi già chả mong gì hơn nữa, bây giờ nỗi đau cũng được xoa dịu phần nào rồi”.

Xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa, Đô Lương để tưởng nhớ công ơn của những người đã tử nạn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Dự án có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh (nguồn tăng thu, tiết kiệm chi) và ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu hằng năm. Công trình thực hiện tối đa không quá 2 năm kể từ ngày khởi công.

Tác giả: Ngọc Linh - Việt Khánh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP