Trước vòng tứ kết Asian Cup 2019, mọi so sánh về cặp đấu Việt Nam - Nhật Bản, trên lý thuyết, đều nghiêng về Nhật Bản. Nhưng vì sao chúng ta vẫn hy vọng và tiếp tục với giấc mơ đẹp: "Những chiến binh sao vàng" sẽ vượt qua "Những võ sĩ Samurai xanh"?
Vì có ai dám nghĩ đội tuyển Việt Nam trải qua cuộc hành trình đi đến chức vô địch AFF Cup còn dài hơn cả đội chinh phục danh hiệu vô địch thế giới mà vẫn còn dư sức lực, thừa khát vọng rực lửa ở sân chơi lớn hơn, đẳng cấp cao hơn là Asian Cup?
Vì có ai nghĩ cũng như là dự đoán tuyển Việt Nam chơi sòng phẳng với 2 đội bóng lớn của châu Á là Iraq, Iran? Một cuộc chơi mà Việt Nam chấp nhận hao tổn sức lực để đánh đổi lại là sự tự tin không e sợ trước bất kỳ đối thủ nào trước khi biến giấc mơ chinh phục những đỉnh cao mới ở châu Á thành hiện thực.
Vì có ai tin đội Việt Nam bị đánh giá thấp hơn về chuyên môn lẫn thể lực trước Jordan thế mà cả châu Á phải ngỡ ngàng khi các tuyển thủ áo đỏ sung sức hơn và tiếp cận trận đấu với tâm thế của đội bóng mạnh, thậm chí khi bị dẫn bàn vẫn đẩy tốc độ trận đấu lên cao khiến Jordan phải sợ hãi rồi gục ngã?
Có lẽ trước giải mấy ai tin lòng quả cảm cùng lối chơi của các tuyển thủ Việt Nam sẽ thuyết phục được cả châu lục, còn giờ đây, thầy trò HLV Park Hang-seo đã khẳng định sự có mặt ở tứ kết - 1 trong 8 đội mạnh nhất châu Á - là hoàn toàn xứng đáng!
Quang Hải trong trận Việt Nam thắng Nhật 1-0 ở lượt cuối vòng bảng Á vận hội 2018 tại Indonesia Ảnh: ANH ĐỨC |
Trạng thái đã chuyển đổi tích cực cho đội Việt Nam và đó là nền tảng để chúng ta hy vọng dù Nhật Bản là đội bóng rất mạnh. Điểm lại 11 cầu thủ Nhật Bản ra sân trong đội hình xuất phát khi gặp Ả Rập Saudi ở vòng 1/8, không có ai thi đấu ở giải nội địa, thay vào đó họ thi đấu ở khắp các giải vô địch quốc gia châu Âu gồm: Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Áo, Đức, Anh (2 cầu thủ) và Bỉ (2).
Với lực lượng rất mạnh như thế, cho dù HLV Hajime Moriyasu không có sự phục vụ của tiền đạo Yoshinori Muto (Newcastle United, Anh) do nhận 2 thẻ vàng cũng như khả năng kịp bình phục cho trận tứ kết của chân sút chủ lực Yuya Osako (Weder Bremen) còn bỏ ngỏ thì Nhật vẫn còn nhiều lựa chọn trên hàng công.
Ngoài ra, Nhật Bản còn có vũ khí không chiến rất nguy hiểm trong những tình huống cố định đến từ cặp trung vệ Takehiro Tomiyasu (1,88 m) - Maya Yoshida (1,89 m - Southampton). Chính Tomiyasu đã ghi bàn thắng duy nhất cho Nhật Bản loại Ả Rập Saudi bằng cú đánh đầu từ pha sút phạt góc. Sức mạnh thật sự của Nhật Bản là ở tuyến tiền vệ, họ chủ động được nhịp độ trận đấu, tùy từng đối thủ mà tấn công hay phòng ngự - phản công.
HLV Hajime Moriyasu và HLV Park Hang-seo đã gặp nhau một lần và nhà cầm quân người Hàn Quốc tạm dẫn trước 1-0 khi Việt Nam thắng Nhật Bản 1-0 ở trận cuối vòng bảng ASIAD 2018, không ảnh hưởng đến suất vào vòng 1/8 của 2 đội. Thế nhưng, khi đó Việt Nam là đội Olympic (U23 + 3), còn Nhật Bản là đội U22.
Nói như HLV Park, lần gặp lại tối 24-1 không giống như ở ASIAD. HLV Moriyasu tuyên bố đội Nhật sẽ tấn công nhiều hơn để có nhiều cơ hội ghi bàn và đá bại Việt Nam. Còn HLV Park Hang-seo vẫn luôn tự tin và mong đợi cuộc thử thách này.
Dẫu biết so sánh cuộc đối đầu của 2 đội tại ASIAD với Asian Cup là rất khập khiễng nhưng chính chiến thắng ở Á vận hội tại Indonesia hồi tháng 8-2018 đã giúp cho các cầu thủ Việt Nam thoát khỏi bóng ma sợ hãi, xua tan tâm lý thua từ trước khi ra sân. Thay vào đó, nó mang lại sự tự tin cực lớn: Đã thắng được Nhật Bản thì Việt Nam có thể thắng họ tiếp và thắng được bất kỳ đội bóng nào ở châu Á!
Quyết tâm lần này có thể rất khó trở thành hiện thực nhưng vào thời điểm hiện tại, khi tuyển Việt Nam đã đạt đẳng cấp châu Á, chúng ta tiếp tục tin thầy trò ông Park Hang-seo đủ sức tạo nên một bất ngờ nữa vì điều đó chẳng có gì là viển vông. Bóng đá, cũng như cuộc đời, vốn khó lường…
Tác giả: Hoàng Tú
Nguồn tin: Báo Người lao động