Kinh tế

Thanh Hóa, Vinh, Huế: Ba đô thị động lực khu vực Bắc Trung Bộ được quy hoạch ra sao đến năm 2025?

Thành phố Thanh Hóa, Vinh, Huế là 3 đô thị lớn nhất tại khu vực Bắc Trung Bộ. Đây đều là các đô thị loại trực thuộc tỉnh được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế của khu vực. Sắp tới, các đô thị này sẽ được mở rộng và thí điểm nhiều cơ chế đặc thù...

Ảnh minh họa

Trong đó, thành phố Huế là đô thị du lịch trọng điểm Quốc gia, với dân số hơn 650.000 người. Đây là thành phố có diện tích và quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

Thành phố Vinh có quy mô dân số khoảng 350.000 người, là đô thị trung tâm của khu vực, có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông – Tây. Vinh là thành phố đứng đầu khu vực về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Thành phố Thanh Hóa với dân số xấp xỉ 500.000 người, là đô thị có quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Thanh Hóa cũng là thành phố có GRDP bình quân đầu người cao nhất trong khu vực.

HUẾ SẼ TRỞ THÀNH HẠT NHÂN CỦA THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Để chuẩn bị đề án trình các cấp trong lộ trình xây dựng mô hình tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có báo cáo phương án dự kiến về việc thành lập các đơn vị hành chính theo mô hình đô thị trực thuộc trung ương. Theo đó, Huế hiện nay sẽ tách thành 2 quận phía bắc và phía nam. Đây là 2 quận nội thành hạt nhân của thành phố Thừa Thiên – Huế trực thuộc trung ương.

Ngày 19/10/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 1261/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đ Phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố.

Một góc đại nội Huế

Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 4.947 km2 (Diện tích cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập đồ án theo quyết định của cấp có thẩm quyền).

Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Về định hướng phát triển không gian, xác định các mối liên kết tương hỗ về không gian giữa đô thị Thừa Thiên Huế với các đô thị lớn trong vùng.

Đề xuất phạm vi khu vực được xác định là đô thị trung tâm, hướng phát triển mở rộng đô thị Huế hiện tại, các khu vực đô thị hóa liền kề tại Hương Thủy, Hương Trà, các khu vực đô thị vệ tinh về phía Bắc tại Phong Điền, Quảng Điền, về phía Nam tại Phú Lộc (bao gồm cả khu vực Chân Mây - Lăng Cô), về phía Tây tại Nam Đông, A Lưới để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

VINH SẼ TĂNG DIỆN TÍCH GẤP ĐÔI, TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ BIỂN

Thành phố Vinh hiện nay khi chưa mở rộng có diện tích tự nhiên 105km2, dân số 348.846 người với 25 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 16 phường và 9 xã. Tỷ lệ đô thị đạt 64% tiêu chí.

Sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính, cùng với diện tích và dân số hiện hữu, thành phố Vinh sẽ có thêm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Cửa Lò với tổng diện tích 29,12km2 và dân số 57.445 người của 7 phường: Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Tân, Nghi Thu, Nghi Thủy, Thu Thủy; cùng diện tích 47,14km2 và dân số 55.310 người thuộc 6 xã của huyện Nghi Lộc gồm: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Thạch và Khánh Hợp.

Một góc Phượng hoàng trung đô Vinh

Sau khi hoàn thành mở rộng, thành phố Vinh có diện tích tự nhiên hơn 181km2, dân số khoảng hơn 461.600 người với 38 đơn vị hành chính xã, phường.

Năm 2021, quy mô giá trị sản xuất của thành phố Vinh đạt 55.511 tỷ đồng; GRDP bình quân đạt 107,8 triệu đồng/người/năm và cao hơn 2,37 lần so với bình quân toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,53%.

Thành phố đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trong năm 2016; năm 2021 đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC). Thành phố Vinh là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu”.

Sau sát nhập, Vinh sẽ trở thành đô thị biển lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

THÀNH PHỐ THANH HÓA SẼ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ TRỰC THUỘC TỈNH CÓ QUY MÔ TOP 5 CẢ NƯỚC

Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển TP. Thanh Hóa xứng tầm đô thị loại I; với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước.

Việc nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa là phù hợp với văn hóa, lịch sử địa phương; là xu thế tất yếu, đáp ứng yêu cầu quản lý đối với quá trình đô thị hóa; góp phần tinh gọn đầu mối tổ chức đơn vị hành chính.

Hoàng hạc hướng thiên thanh, biểu tượng của thành phố Thanh Hóa

Sau khi nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố, 02 thị xã và 22 huyện (giảm 01 huyện); 559 đơn vị hành chính cấp xã.

Thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22 km2, quy mô dân số 593.715 người, 48 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm: 37 phường, 11 xã. Trong đó, sẽ thành lập 7 phường thuộc TP. Thanh Hóa, gồm: Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,96 km2 diện tích tự nhiên, 10.478 người của thị trấn Rừng Thông.

Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên, 8.237 người của xã Hoằng Quang. Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,67 km2 diện tích tự nhiên, 7.122 người của xã Hoằng Đại. Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên, 7.504 người của xã Đông Tiến.

Thành lập phường Đông Khê trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,51 km2 diện tích tự nhiên, 8.684 người của xã Đông Khê. Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,38 km2 diện tích tự nhiên, 7.030 người của xã Đông Thịnh. Thành lập phường Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,58 km2 diện tích tự nhiên, 7.081 người của xã Đông Văn.

Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu chung là xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa toàn diện, nhanh và bền vững; trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2030 là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.

Tác giả: Thiên Anh

Nguồn tin: vneconomy.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP