Giáo dục

Thanh tra thi cảnh báo: Có thí sinh dùng tai nghe như hạt đậu để gian lận thi cử

“Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng”, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cảnh báo tại Hội nghị chuẩn bị công tác thi THPT quốc gia 2018.

Làm đúng vai trò sẽ không có chuyện lọt đề

Theo ông Bằng, để chuẩn bị kì thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 1486/BGDĐT-TTr, ngày 16 tháng 4 năm 2018, hướng dẫn các địa phương về công tác thanh tra. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn với 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để thống nhất cách tổ chức kì thi. Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay, công tác thanh tra được phân tuyến rất rõ sao không chồng chéo giữa thanh tra Bộ, Sở gây hiệu quả thấp.

Về công tác thanh tra, ông Bằng cho hay, bên cạnh lực lượng thanh tra theo khu vực, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ đạo tại mỗi điểm thi có hai thanh tra cắm chốt. Một trong hai thanh tra đó phải một người của Sở GD&ĐT và một người của trường đại học. Do đó, năm nay lực lượng thanh tra toàn bộ có khoảng trên 4 nghìn người.

“4.000 cán bộ thanh tra thi năm nay đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao. Lực lượng này chúng tôi đã chỉ đạo và qua kiểm tra ở các Sở thấy rất nghiêm túc”, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT khẳng định.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng (Ảnh: Đ. Chung)

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc sau sự vụ giáo viên làm lộ, lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội làm ảnh hưởng lớn đến kỳ thi vừa qua, Bộ GD&ĐT có phương án gì để không xảy ra việc này?

Ông Bằng cho biết, mỗi phòng thi có 2 giám thị coi thi, nếu làm đúng vai, đúng vị trí thì không lo lắng. Cứ 7 phòng thi sẽ có một giám sát thi, nếu phòng thi xa cách nhau lực lượng này sẽ được tăng lên.

Ngoài ra, còn có lực lượng thanh tra của bộ, sở cắm chốt, thanh tra toàn diện kỳ thi bao gồm từ chủ tịch hội đồng trở xuống. Các lực lượng làm nhiệm vụ của mình cũng là giám sát lẫn nhau nhưng trên hết là bộ đã yêu cầu các địa phương tập huấn quy chế thi thật kỹ để đảm bảo không xảy ra sai sót.

"Bộ sẽ tổ chức các đoàn thanh tra theo khu vực, đồng thời cũng tổ chức đường dây nóng thu thập thông tin, phối hợp các đoàn thanh tra. Về chấm thi, Bộ cũng cử về mỗi hội đồng chấm thi 2 cán bộ thanh tra để giám sát liên tục từ khi làm phách đến khi chấm thi. Như vậy, có thể yên tâm công tác chấm thi sẽ được triển khai an toàn trên toàn quốc", ông Bằng nói.

Kiến nghị các​ Sở GD&ĐT có công an cùng tập huấn

Trao đổi với PV Dân trí về phương án phối hợp của Bộ GD&ĐT với Bộ Công an trong việc chống gian lận thi cử trong kì thi tới? Ông Nguyễn Huy Bằng cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nghiệp vụ coi thi cho lực lượng giám thị. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ trông thi, hướng dẫn thí sinh thực hiện đúng quy chế, giám thị cũng được chia sẻ những kinh nghiệm để phát hiện việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao trong gian lận thi cử.

“Việc gian lận diễn ra ở nhiều nơi, không cứ ở Việt Nam. Để giảm việc này, Bộ GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, để thí sinh và cả giám thị làm thi đều phải nghiêm túc.

Thí sinh có thể vi phạm quy chế như mang tài liệu vào phòng thi, chép bài của thí sinh khác, hay tinh vi hơn là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài và tuồn đáp án vào trong phòng thi.

Năm 2017, chúng tôi phát hiện thí sinh sử dụng tai nghe nhỏ xíu như hạt đậu để gian lận hay những thiết bị mắt thường nhìn như máy tính thông thường nhưng thật ra là dụng cụ có truyền phát sóng" ông Bằng cho hay.

Tai nghe siêu nhỏ có kích thước 3 mm, nhỏ hơn hạt đậu, rất khó phát hiện. (Ảnh: Mỹ Hà)

Chánh thanh tra Bộ cũng cho rằng, việc phát hiện thí sinh gian lận không khó nếu tất cả giám thị đều làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình.

Những thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường, Bộ đã tập huấn cho giám thị rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ của giám thị. Giám thị nghiêm túc thì kỳ thi mới diễn ra nghiêm túc.

Cũng theo Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Bộ luôn có phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để chỉ đạo và xử lý sự cố sao cho nhanh nhất. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị tất cả các Sở nên có công an cùng được tập huấn về việc triển khai quy chế thi.

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP