Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định (Sở GD-ĐT Tây Ninh).
Có thâm niên 30 năm khảo thí, ông Tài đã quen với nhịp độ làm việc của các kì thi. Sau Tết Âm lịch hàng năm, công việc lớn nhất của phòng khảo thí là chuẩn bị các kì thi. "Bây giờ chỉ là còn chạy nước rút".
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng khảo thí và kiểm định, Sở GD-ĐT Tây Ninh cho biết, đây là cuộc họp có quy mô lớn lần thứ 6 để bàn về kì thi THPT quốc gia. |
Những ngày này, đi đâu ông Tài cũng kè điện thoại di động, máy tính xách tay. Ông bảo, những công việc yêu cầu về bảo mật thì bắt buộc phải làm tại văn phòng sở. Còn lại, thì làm bất kì lúc nào, ở mọi lúc mọi nơi cho kịp tiến độ. Tại các địa phương, ngoài kì thi THPT quốc gia, tháng 6 cũng là tháng cao điểm tuyển sinh đầu cấp với lớp 10, lớp 6, lớp 1. Ba kì thi diễn ra trong khoảng thời gian gần nhau khiến những người làm khảo thí liên tục căng mắt. "Vất vả là vậy, nhưng ai cũng cố gắng để nhằm hạn chế những sai sót lớn nhất trong kì thi".
Còn nhớ, trong kì thi THPT quốc gia đầu tiên, Tây Ninh là địa phương có số thí sinh bị kỉ luật nhiều đến nỗi "được xếp hạng" vi phạm đứng đầu cả nước. Lúc đó, Sở xếp thí sinh tự do và học sinh THPT phổ thông thi chung với nhau. Nhưng thí sinh tự do "dạn" hơn nên vào phòng thi đều mang theo tài liệu, điện thoại. "Như vậy là không công bằng cho những học sinh khác. Chúng tôi quyết tâm kỷ luật thật nghiêm".
Nhân viên phòng khảo thí kiểm tra lại số liệu trước khi in ấn |
Rút kinh nghiệm lần đầu, những năm sau, Sở tách thí sinh thi riêng, phòng ngừa lây lan về tiêu cực. Thí sinh tự do được bố trí ở điểm thi độc lập, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
"Chúng tôi từng phải đấu tranh để thoát khỏi tư tưởng "thi cử có gì khó, tại sao người ta đỗ đạt 100% mà mình không 100%". Hiện nay, chúng tôi chỉ quan niệm làm sao để kểt quả thi thực chất nhất.Tây Ninh không bao giờ đứng đầu về tỷ lệ tốt nghiệp so với cả nước nhưng con số đạt được rất đáng tự hào. Tốt nghiệp phổ thông có thể thấp nhưng tuyển vào đại học luôn ở tốp cao. Các em cầm tấm bằng tốt nghiệp có thể ngẩng cao đầu cùng địa phương khác" - ông nói.
Những "nhân viên không lương" của phòng khảo thí
Đó là anh Vũ Thái, chị Kiều Diễm và chị Hữu Ngà. Họ là 3 nhân viên thời vụ không lương của phòng khảo thí. Anh Vũ Thái, chị Diễm, chị Ngà đều là giáo viên Trường THPT phổ thông dạy tin học trong huyện. Họ quen nhau trong một khoá học chứng chỉ nghiệp vụ tin học. Cách đây 7 năm, đến tháng 3 hàng năm họ lại được sở "rút" về làm thời vụ ở phòng khảo thí.
10h sáng, phòng khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Tây Ninh ngổn ngang các loại hồ sơ, giấy tờ. Xếp gọn gàng các tập hồ sơ, anh Vũ Thái, chị Kiều Diễm, chị Hữu Ngà cẩn thận đối chiếu hồ sơ từng phòng thi. Sau cuộc họp lấy chữ ký mẫu, hơn 9.000 thẻ dự thi của thí sinh được chuyển về các điểm thi.
Chị Diễm đang xếp hồ sơ theo từng điểm thi, sau cuộc họp hôm nay hơn 9000 thẻ dự thi sẽ được chuyển xuống các điểm thi |
Công việc của họ là thống kê thí sinh đăng ký dự thi, tham mưu lên phương án với các điểm thi, tập hợp số liệu, tiếp nhận danh sách, tập huấn kỹ thuật viên các trường nhập liệu thí sinh, hỗ trợ nhập liệu, tổng hợp dữ liệu gửi ra Bộ GD-ĐT, chuẩn bị các giấy tờ liên quan tới kì thi, in thẻ dự thi, dán ảnh, bảng tên hội đồng, giấy tờ, số liệu các cuôc họp liên quan tới thi cử...
"Công việc không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ kĩ lưỡng. Chỉ cần sai một số liệu hoặc nhập nhầm một số nào thì tất cả sẽ sai hết. Để hạn chế sai sót, chúng tôi phân công nếu người này làm thì người kia sẽ kiểm chứng để đối chiếu cho nhau. Mấy ngày nay in nhiều quá nên một máy bị hỏng. Ngay lập tức, sở phải ngay lập tức mua thêm một chiếc. Giờ hỏng hóc nữa chắc chết mất"- anh Thái nói vui.
Những hình ảnh bận rộn ở phòng khảo thí Sở GD-ĐT Tây Ninh ngày 19/6:
|
|
|
|
|
|
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet