Năm ngoái, Việt Nam đã dành được một huy chương đồng và 5 thí sinh giành được chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
Đó là thành tích đáng nể với một quốc gia vốn bị đánh giá là có “lao động có tay nghề thấp”. Nhưng những gì diễn ra sau thành tích huy chương ấy khiến lãnh đạo một Tập đoàn FDI lớn thấy “ngạc nhiên”.
Nhắc lại thành tích ấy trong một cuộc chia sẻ với PV, vị lãnh đạo nọ nói: "Khi những thí sinh đó về nước, tôi đã nghĩ họ sẽ được tiếp đón như anh hùng. Nhưng thực tế diễn ra lặng lẽ hơn nhiều".
Lao động Việt Nam trong khu vực FDI cần nâng cao chất lượng. |
“Chắc do tâm lý Á Đông vẫn chưa dành sự coi trọng đúng mức cho những lao động chân tay”, vị này cố tìm ra một lý do dễ được chấp nhận hơn.
“Thừa thầy thiếu thợ” là một thực tế ở Việt Nam, diễn ra ở cả khu vực DN nội địa lẫn DN FDI. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, nhưng có những trang thiết bị máy móc vẫn phải cần đến chuyên gia nước ngoài vận hành.
Tại Hội thảo về lao động Việt Nam trong khu vực FDI, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/6, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManPower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, nhận xét: Việt Nam thiếu lao động chuyên môn cao. Lực lượng lao động tay nghề cao của Việt Nam chỉ chiếm 11%, trong khi tay nghề trung bình và lao động không có chuyên môn chiếm áp đảo.
Là tỉnh có tới hơn 500 nghìn lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI, song đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ ra chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu lao động kỹ thuật của DN.
Ông Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá: Hiện tại chất lượng lao động của Việt Nam bị đánh giá thấp khi cả lao động qua đào tạo và chưa qua đào tạo đều khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
“Nếu Việt Nam thực sự muốn tạo bước chuyển lớn và thu hút những doanh nghiệp FDI có trình độ cao tới đầu tư, yêu cầu về chất lượng lao động là bắt buộc nếu chúng ta không muốn bị thế giới bỏ lại quá xa”, ông Hùng lưu ý.
Ngỡ ngàng tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi
Lao động Việt Nam chất lượng chưa tương xứng, nhưng việc sử dụng lao động trong các DN FDI cũng có mặt trái.
Một trong những vấn đề của tình hình sử dụng lao động trong DN FDI là việc “sa thải sớm lao động” trên 35 tuổi.
Việt Nam có lực lượng lao động đông, chi phí thấp. |
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu kiêm Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng: Tình trạng này diễn ra ở khá nhiều DN FDI, với lý do là một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35. Ngoài ra, với chính sách lương hiện hành, người có thâm niên cao DN sẽ phải trả lương cao và đương nhiên có mức đóng bảo hiểm xã hội cao, điều này gây bất lợi cho DN.
“DN tìm nhiều cách, nhiều lý do để sa thải lao động, có thể là tạo áp lực công việc để người lao động không dễ hoàn thành, có doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động mà không có lý do cụ thể.
Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, lớn nhất là về an sinh xã hội trong tương lai, tìm kiếm bố trí việc làm mới cho người lao động,...
Dẫn kết quả điều tra nhóm lao động bị sa thải, ông Hiểu cho biết có 24,2% nhiều nguy cơ bệnh tật; 38,1% gánh nặng cho gia đình, địa phương; 27% chưa chắc đã có cơ hội để phát huy; 15,2% không có sức khỏe, mất khả năng lao động; 19% bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc việc làm xấu,...
Vì thế, ông Hiểu đề nghị có các chính sách cụ thể để bảo vệ nhóm lao động yếu thế, hạn chế tình trạng sa thải người lao động trên 35 tuổi. Đó là Nhà nước nghiên cứu, ban hành các quy định pháp luật để thắt chặt hạn chế tình trạng DN sa thải người lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là các quy định về chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhóm này.
“Nhà nước quy định và mở rộng quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động bị ra thải. Ràng buộc DN phải đóng đủ bảo hiểm xã hội 20-30 năm cho người lao động. Nếu muốn sa thải, hãy đền bù một lần cho người lao động bị sa thải để họ tự tham gia bảo hiểm. Bởi, khi người lao động bị đẩy ra thị trường lao động tự do, họ sẽ bị ảnh hưởng vì việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định, các rủi ro như ốm đau, tai nạn luôn rình rập.
Tác giả: Hà Duy
Nguồn tin: Báo VietNamNet