Đề thi “hên xui”, không đánh giá đúng năng lực
Trong những ngày bức tâm thư của nữ sinh Nguyễn Thị Hoàng Lan (đã đổi tên) gửi Bộ GD&ĐT đăng trên một diễn đàn về học tập đã nhận được sự đồng tình từ cộng đồng mạng.
1 thí sinh khóc sau khi ra khỏi phòng thi. |
Hoàng Lan là một trong những thí sinh của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, em đăng ký thi các môn: Toán, Văn, Anh và Tổ hợp xã hội để xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng. Trong thư học sinh này viết: “...Chúng cháu biết kết quả là phụ thuộc vào kiến thức, vào khả năng của mỗi người nên chúng cháu đã cố gắng hết sức để ôn luyện và chuẩn bị tốt nhất có thể cho kỳ thi bước ngoặt của cuộc đời. Thế nhưng chúng cháu biết làm sao được khi đề thi vừa dài và vừa khó quá sự hình dung của mọi người, kể cả giáo viên như thế ạ?...”.
“Kỳ thi này sẽ không đánh giá đúng năng lực của các em nên sẽ xảy ra bất cập là: có những em giỏi thì trượt, còn những em kém hơn nếu may mắn vẫn có thể đỗ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến những quyết sách của giáo dục để tránh gây bức xúc cho xã hội trong mỗi mùa tuyển sinh!” -TS Lê Thống Nhất. |
Không chỉ học sinh mà ngay nhiều chuyên gia và giáo viên cho rằng đề thi THPT Quốc gia 2018 khó đánh giá thí sinh và định hướng dạy học. TS. Toán học Lê Thống Nhất, một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm xây dựng đề thi, thẳng thắn cho rằng: “Đề thi năm 2018 sẽ tạo sự bất công khi có yếu tố may rủi, không phản ánh đúng năng lực của học sinh. Tôi không hề phản đối hình thức thi trắc nghiệm, nhưng nếu năng lực ra đề trắc nghiệm kém lại gánh thêm mục đích “2 trong 1” thì càng không ổn. Không chỉ thí sinh mà ngay cả giáo viên, các giáo sư cũng bó tay với thời gian làm bài ngắn như vậy. Dù các em có luyện thế nào cũng không thể “vắt chân lên cổ” để giải được đề thi như vậy! Với tính ăn may của đề thì điểm chỉ là trò chơi xổ số và phụ huynh chỉ cần lên chùa thắp hương cầu may!”.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường Đại học FPT đặt câu hỏi: Ban ra đề khi làm đề xong có tổ chức giải thử đề thi để biết đề thi có phù hợp hay không, có quá khó, quá dài hay không? Không rõ trong quy trình làm đề của Bộ có thực hiện khâu quan trọng này không?
“Đề thi này không đảm bảo thi tốt nghiệp vì quá khó, còn với đại học càng không ổn bởi ở những câu khó để phân hóa lại mang nhiều yếu tố may rủi” - ông Tùng khẳng định.
Còn theo TS. Trần Nam Dũng, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề thi Toán THPT Quốc gia 2018 không định hướng được cách dạy và học môn này. Ngược lại, đề sa đà vào chiêu thức, mẹo vặt, tạo cơ hội cho thí sinh học tủ, luyện thi.
Quá nhiều bất cập trong khâu ra đề
Theo dõi sự tiến hóa của đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán từ các đề minh họa 1, 2, 3 năm 2017, đến đề chính thức 2017, đề minh họa 2018 và cuối cùng là đề chính thức 2018, TS. Trần Nam Dũng, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ông thất vọng vì người làm đề không có triết lý, chiến lược xây dựng đề. Trong khi Bộ khẳng định đề thi được chuẩn hóa và được biên soạn theo quy trình khoa học thì thầy Dũng cho rằng từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi, thi thử nghiệm đến chọn và phản biện đề không được tổ chức tốt.
Theo TS. Lê Thống Nhất, để giải quyết bất cập trên phải có Hội đồng ra đề đủ năng lực ra đề thi trắc nghiệm, chứ không phải chỉ biết “trắc nghiệm hoá” đề tự luận. Để hạn chế “mưa” điểm 10 mà người ra đề phải chọn những câu quá khó của hình thức thi tự luận đưa vào thi trắc nghiệm là một sai lầm.
Đặc biệt, trong quy trình ra đề, Ban ra đề có thực nghiệm quá trình làm bài để đo khối lượng nội dung đề thi có hợp với thời gian thi và phù hợp với thí sinh không?
“Kiểu ra đề đánh đố của Bộ sẽ biến kỳ thi này thành cuộc đua khốc liệt. Thế nhưng trong cuộc đua đó, thầy không biết dạy kiểu gì, trò cũng không biết học kiểu gì?. Tất cả mọi thứ đều trong dạng mơ hồ, giáo viên hoang mang, học sinh hoảng loạn với tình trạng thi cử hiện nay” - TS. Nhất cảnh báo.
Điểm chuẩn giảm mạnh
Đề thi khó, nên theo đại diện các trường đại học, điểm chuẩn các ngành trường tốp trên có khả năng sẽ giảm từ 1 - 3 điểm so với năm ngoái. Đặc biệt điểm chuẩn các ngành tốp “hot” thuộc các khối A, A1, B, D1 sẽ giảm...
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng cho rằng, điểm thi và điểm chuẩn các ngành có xét tổ hợp liên quan đến môn Toán, bài thi khoa học tự nhiên sẽ giảm.
TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, có khả năng cũng dự kiến sẽ có ít điểm tối đa, môn Toán sẽ khó có điểm 8 trở lên nên điểm chuẩn có khả năng giảm đối với những trường tốp trên.
Ngày 10/7 các địa phương sẽ phải hoàn tất việc chấm thi để gửi lên Bộ GD&ĐT tổng hợp dữ liệu công bố tới thí sinh vào ngày 11/7. Hiện việc chấm thi môn Ngữ văn đã xuất hiện nhiều điểm liệt với những lỗi không ngờ tới./.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Điện tử VOV