Nhiều ý kiến cho rằng việc xả lũ cấp tập của các nhà máy thủy điện đã góp phần gây nên ngập lụt cục bộ. Ảnh: Việt Khánh. |
Quá sức tưởng tượng
Mặc dầu đã được cảnh báo từ trước về mức độ tàn phá của bão số 9, thế nhưng người dân trên địa bàn Nghệ An không thể mường tượng nổi diễn biến thực tế lại khủng khiếp đến vậy.
8 người chết, 1 người mất tích, trên 19.800 nhà bị ngập, gần 4.000 hộ phải di dời… con số trên chỉ là thống kê thiệt hại bước đầu của cơn bão số 9 tại Nghệ An. |
Thời tiết chính thức chuyển xấu từ tối ngày 28/10, lúc này mưa xảy ra trên diện rộng, tần suất tăng đột biến, gần như đạt đỉnh vào sáng ngày hôm sau. Nhịp độ kế đó không đổi, thậm chí lưu lượng mưa có lúc gia tăng mạnh hơn, sự việc kéo dài suốt nhiều ngày lập tức để lại hậu quả nặng nề.
Không hẹn mà gặp, xuyên suốt khu vực vùng núi cao kéo xuống tận các huyện đồng bằng hay vùng thấp trũng, hàng loạt nỗi lo vô hình lập tức hiện rõ.
Hậu mưa bão, tình trạng sạt lở khiến tất thảy đều thấp thỏm âu lo. Trên thực tế, các trục đường quốc lộ (15A, 16, 46B) xuất hiện hàng loạt vị trí hư hỏng gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Tại hệ thống đường tỉnh 543B, 534, 539B, 534C cũng ghi nhận nhiều điểm bị sạt lở ta luy dương, âm rất nguy hiểm.
Nhiều điểm bị sạt lở nguy hiểm. |
Đặc biệt, tại xóm 4, xóm 5 của xã Hưng Yên Nam xuất hiện một vết nứt lớn, dài hoàn toàn có nguy cơ dẫn đến sạt lở núi. Để tránh hậu quả nhãn tiền, ngay tức thì 20 hộ dân sinh sống dưới chân núi được di dời cấp tập đến điểm an toàn…
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Văn phòng thực trực (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An) đã phát công văn cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Ở một diễn biến khác, sau gần 4 ngày mưa bão triền miên, ám ảnh lớn nhất của người dân lúc này là tình trạng ngập úng cục bộ. Trực tiếp đối diện với gian nan, nhiều người quả quyết: 10 năm rồi mới có 1 trận mưa bão lớn đến vậy.
Sức tàn phá của cơn bão số 9 thực sự khủng khiếp, từng “quả bom nước” cuồn cuộn từ thượng nguồn thi nhau dồn về gần như nhấn chìm tất thảy.
Riêng những huyện địa hình thấp trũng như Thanh Chương, Đô Lương hay Hưng Nguyên, bốn bề bị bủa vây giữa dòng nước đục, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn, nhiều phận người phải sống cảnh màn trời chiếu đất, sinh hoạt thường nhật khốn khó vô cùng tận.
Ngập lụt cục bộ khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp muôn vàn khốn khó. Ảnh: Trường Dương. |
Chưa kịp hoàn hồn, trên mặt bà Đậu Thị Vân, trú xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên lộ rõ vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày mất ăn mất ngủ. Giọng buồn bã, bà Vân cho hay: “Lũ kéo về quá nhanh khiến gia đình không biết đường nào mà lần. Biển nước mênh mông thế kia sức người chống chọi thế nào được, việc chạy lũ là điều cấp thiết, xong đâu đấy hai mẹ con mới hì hục kéo trâu, lùa lợn lên đê. Nhanh chân nhanh tay đến mấy cũng chẳng lại với trời, đến khổ".
Chiều 1/11, trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Phạm Hùng, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên xác nhận: 10 năm rồi thiên tai mới nặng đến thế.
Từ ngày 29/10 đến nay trên địa bàn huyện xảy ra mưa to trên diện rộng, kết hợp với việc xả lũ của các nhà máy thủy điện đã gây ngập úng cho 4.500 hộ dân. Ảnh hưởng nhất là dân cư sống ngoài đê của 6 xã dọc sông Lam và các xã vùng ngoài như Hưng Trung, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam.
Xả lũ đúng quy trình?
Cơn bão số 9 đã càn quét khắp vùng Bắc Trung Bộ chứ không riêng gì Nghệ An, dù vậy nhiều ý kiến cho rằng, nếu các nhà máy thủy điện áp dụng quy trình xả phù hợp hơn, hậu quả sẽ giảm thiểu đi nhiều.
Lũ tràn về khiến tất thảy đảo lộn. Ảnh: VK. |
Ghi nhận toàn tỉnh Nghệ An có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó có 8 hồ chứa (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng) vận hành theo quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả.
Mỗi hồ chứa chỉ có dung tích nhất định, do đó nếu lượng nước đổ về vượt quá mức cho phép chắc chắn phải xả bớt xuống hạ du.
Để duy trì một lượng nước nhất định đảm bảo cho quá trình vận hành, cũng như phục vụ nhu cầu mùa khô nên lượng nước xả thường ít hơn lượng nước về.
Theo các chuyên gia, các hồ chứa thủy điện có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu thực hiện sát sao quy trình vận hành liên hồ khoa học, nghiêm túc thì việc giảm lũ chắn chăn sẽ hiệu quả hơn.
Lý thuyết là vậy, nhưng khi dựa trên cơ sở thực tế thật khiên cưỡng nếu khẳng định các nhà máy thủy điện tại Nghệ An đã xả lũ đúng quy chuẩn.
Năm 2018 việc xả lũ của các nhà máy thủy điện đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Việt Khánh. |
Qua tìm hiểu, cả 4 nhà máy thủy điện (Khe Bố, Chi Khê, Bản Ang, Nâm Mô) đều đồng loạt “ra quân” vào ngày 29/10.
Riêng thủy điện Khe Bố phát thông báo “điều tiết nước” số 250/TB-KHPP, thời gian dự kiến xả là 4h ngày 30/10. Do lưu lượng nước về hồ lớn lại đưa ra thông báo mới, điều chỉnh giờ xả lũ vào lúc 0h30 ngày 30/10, tức sớm hơn 3 tiếng đồng hồ so với kế hoạch ban đầu.
Trong bối cảnh mưa gió bão bùng, người dân phải căng mình chống báo, việc thủy điện Khe Bố phát thông báo vào… đêm khuya chẳng khác nào đánh đố người dân, coi thường tính mạng con người, nhất là ông bà già, trẻ nhỏ...
Không riêng gì Khe Bố có “sở thích” xả lũ vào khung giờ oái oăm, phía Nậm Mô cũng tiến hành xả lúc 19h, Bản Ang là 20h30.
Cuối năm 2018 trên địa bàn Nghệ An xảy ra đợt thiên tai lớn khiến nhiều huyện vùng cao như Tương Dương, Con Cuông… bị ảnh hưởng nặng nề. Một phần nguyên nhân bắt nguồn từ quá trình xả lũ của các nhà máy thủy điện, sau khi Đoàn Kiểm tra liên ngành tiến hành xác minh, đánh giá mức độ tác động, 16 dự án thủy nhỏ đã bị đưa ra khỏi quy hoạch chung. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam