CLB Long An bỏ Giải hạng nhất 2024-2025 vì không có tiền - Ảnh: VPF |
Như vậy đã là may, bởi trước đó CLB Khánh Hòa và CLB Đồng Nai tưởng cũng bỏ giải vì lý do tương tự. Tuy nhiên với sự vào cuộc từ chính quyền địa phương và lãnh đạo VFF, hai đội này đã được "cứu" vào phút cuối.
Dù vậy, bóng đá Việt Nam cũng không khỏi báo động khi 4 mùa giải liên tiếp ở Giải hạng nhất đều có đội bỏ giải. CLB An Giang bỏ giải mùa 2022. CLB Sài Gòn và Cần Thơ rút lui ở mùa 2023. CLB Bình Thuận bỏ giải mùa 2023-2024. Và giờ là CLB Long An và CLB Định Hướng Phú Nhuận bỏ giải ở mùa 2024-2025.
Chân đế ngày càng teo tóp
Bóng đá chuyên nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ cần có một chân đế vững chắc với số lượng đội tham dự ở giải cấp thấp luôn nhiều hơn giải cấp cao. Đó là điều mà bóng đá thế giới đã làm.
Nhưng bóng đá Việt Nam lại đi ngược lại xu hướng đó suốt một thời gian dài. Thậm chí là ngày càng nhiều đội bỏ giải, khiến Giải hạng nhất ít đội hơn giải đấu cao nhất là V-League.
Từ chỗ 12 đội tham dự ở Giải hạng nhất lần đầu tiên tổ chức ở mùa 2000-2001, giải có lúc lên 14 đội nhưng cũng có lúc giảm xuống còn có 8 đội trong ba mùa liên tiếp 2013, 2014 và 2015. Tệ hơn là Giải hạng nhất 2017 chỉ còn có 7 đội tham dự, ít bằng một nửa số lượng đội ở V-League 2017.
Những năm sau đó, dù rất nỗ lực nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng không thể kéo số lượng đội tham dự Giải hạng nhất lên con số 14 như mong muốn.
Kinh tế khó khăn, những ông bầu hết tiền, khiến nhiều CLB phải giải thể hoặc rời cuộc chơi. Đáng báo động hơn khi 4 mùa giải qua, năm nào Giải hạng nhất cũng chứng kiến 1 đến 2 đội bỏ giải.
Mùa 2024-2025 suýt nữa thì chỉ còn 8 đội, nếu như lãnh đạo VFF không tác động với lãnh đạo địa phương để hai CLB Đồng Nai và Khánh Hòa dự giải.
10 đội tham dự Giải hạng nhất 2024-2025 đã là một cố gắng. Nhưng chân đế của bóng đá Việt Nam "lung lay" hơn bao giờ hết khi số lượng đội tham dự vẫn ít hơn hẳn 4 đội so với V-League 2024-2025.
Mà chưa chắc, Giải hạng nhất 2024-2025 liệu còn có đội nào bỏ nữa hay không khi bước vào thi đấu.
CLB Đồng Nai và Khánh Hòa cam kết tham dự giải, nhưng cũng không có gì đảm bảo hai đội có thể đi đến hết mùa giải với tình hình tài chính ảm đạm. Đó là chưa kể CLB Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khó khăn không ít.
Cần sự thay đổi
Hơn 20 năm chuyển đổi mô hình bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam đến giờ vẫn đi theo lối mòn cũ. Nếu như trước đây các đội được Nhà nước nuôi sống bằng ngân sách, thì sau khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, các ông bầu là người bỏ tiền chính để nuôi đội.
Quan trọng là các CLB đều không thể lấy lấy bóng đá nuôi bóng đá. Điều này dẫn đến hệ lụy ông bầu thích thì chơi và khi chán (không thể giành danh hiệu hoặc cảm thấy bị ép) thì bỏ.
V-League đã vậy, các đội bóng ở Giải hạng nhất quốc gia lại càng gặp khó. Đội bóng vẫn chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước dù mang tiếng là doanh nghiệp.
Như CLB Đồng Nai, dù giành quyền lên hạng nhất hơn một năm qua, vẫn chưa thành lập công ty nhưng bỏ qua. Đồng Nai cũng là một trong ba đội từng bỏ Giải hạng nhất 2017 vì thiếu kinh phí, khiến giải chỉ còn có 7 đội.
Giải thể sau giải năm 2016, bóng đá Đồng Nai đã mất 7 năm để cố gắng trở lại với giải chuyên nghiệp và giờ lại đối mặt với câu chuyện bỏ giải vì thiếu kinh phí.
Sau những gồng gánh, tượng đài một thời của bóng đá Việt Nam - CLB Đồng Tâm Long An (giờ là Long An) - cũng phải nói lời chia tay với bóng đá chuyên nghiệp. Không có kinh phí, đội bóng được trả về cho tỉnh, khép lại một chương huy hoàng nhưng cũng kết thúc đầy buồn bã.
"Các đội ở Đồng bằng sông Cửu Long đã buông lâu rồi, CLB Long An đeo đến giờ này đã là dữ lắm" - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Thành Thanh chia sẻ với quyết định của lãnh đạo đội bóng.
Không có tiền để duy trì đội bóng, bỏ giải là điều bắt buộc. Nhưng làm thế nào để bóng đá Việt Nam có thể phát triển bền vững, đào tạo ra được nguồn cầu thủ chất lượng dồi dào cho đội tuyển quốc gia?
Thực tế hiện nay ở đội tuyển Việt Nam đã phản ánh rõ, sau lứa cầu thủ tài năng Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải... là cả một khoảng trống mênh mông.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nhìn nhận: "Bóng đá Việt Nam đang đi ngược trào lưu, không làm ra tiền nhưng tiêu tiền quá nhiều.
Khi kinh tế suy thoái, hạn chế liền bộc lộ. Ông bầu bóng đá dần rút lui hoặc "ngồi im" như bầu Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Đã đến lúc những người lãnh đạo thể thao, bóng đá phải ngồi lại".
"Tuy nhiên, sứ mệnh bây giờ vượt ngoài tầm của VFF. Cơ quan nhà nước cần ngồi lại tìm giải pháp, tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp làm thể thao chuyên nghiệp, không riêng gì bóng đá", ông Xương nói thêm.
Tác giả: NGUYÊN KHÔI - QUANG THỊNH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ