Kinh tế

Thổ cẩm Kỳ Sơn (Nghệ An) xuất khẩu đến 10 nước

Các sản phẩm thổ cẩm Kỳ Sơn đã ký được 2 đơn hàng mỗi năm (mỗi đơn hàng trị giá 300-500 triệu đồng) xuất khẩu đến 10 nước trên thế giới. Sự kiện này đem đến kỳ vọng cho đồng bào dân tộc vùng biên ở Nghệ An với cơ hội tăng thu nhập và việc làm ổn định.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Thái được duy trì ở nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An, trong đó, huyện Kỳ Sơn là một trong những trọng điểm. Ảnh tư liệu

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ (gọi tắt là Craft link) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Kỳ Sơn xây dựng mô hình dệt thổ cẩm cho 60 chị em ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn và bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn).

Thông qua mô hình 60 hội viện phụ nữ của 2 bản sẽ được tập huấn nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm thông qua các mẫu thiết kế ứng dụng dựa trên những hoa văn truyền thống của dân tộc, tạo ra những sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng.

Cùng đó huấn luyện nâng cao kỹ năng quản lý nhóm; Thiết kế phát triển và hoàn thiện sản phẩm; Quản lý chất lượng sản phẩm; Đóng gói sản phẩm và quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Hoa văn đặc sắc trên thổ cẩm người Thái ở Kỳ Sơn được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Hồ Phương

Ngoài ra, các hội viên còn được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện hỗ trợ 10 máy khâu công nghiệp, 20 khung cửi dệt và Trung tâm Craft link cung cấp toàn bộ nguyên, vật liệu sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm do chị em làm ra.

Theo đó, mỗi năm, các hội viên sẽ nhận được 2 đơn hàng, mỗi đơn hàng trị giá từ 300 - 500 triệu đồng, xuất khẩu sang các nước như: Pháp, Đức , Áo, Anh, Mỹ và Úc ... đem lại thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/1 hội viên/tháng.

Tác giả: Lữ Phú

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP