Ảnh minh hoạ. Ảnh: M.Hùng |
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên hiện có 43 trạm thu giá, trong đó có 38 trạm đang tổ chức thu (31 trạm trên QL1 và 7 trạm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên). Đến nay, có 18/36 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành, 6/36 trạm đang vận hành thử nghiệm, 12/36 trạm đang tiến hành các thủ tục để triển khai.
Trên các tuyến quốc lộ khác có 45 trạm thu giá, trong đó có 32 trạm đang thu, 13 trạm chưa thu, 8 trạm dự kiến không triển khai. Đối với hệ thống đường cao tốc có 12 hệ thống thu phí kín, trong đó 7 hệ tuyến cao tốc đã đưa vào vận hành khai thác, 5 tuyến đang triển khai thực hiện đầu tư…
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập dự án đầu tư hệ thống giám sát trực tuyến tại tất cả các trạm.
Theo lộ trình, đối với các dự án trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đến ngày 31/12/2018 các nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá đang vận hành để thực hiện thu giá theo hình thức tự động không dừng. Với các trạm xây dựng sau ngày 1/1/2019, nhà đầu tư phải bàn giao trạm thu giá ngay sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng. Đối với các dự án khác, cuối năm 2019, các nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá đang vận hành để thực hiện thu giá không dừng. Đối với các nhà đầu tư không thực hiện đúng lộ trình sẽ dừng hoạt động thu giá.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng, khó khăn nhất hiện nay trong việc thực hiện lộ trình này là không có lộ trình bắt buộc các phương tiện dán thẻ đầu cuối nên việc phát triển thẻ gặp nhiều khó khăn (chỉ phát triển được khoảng 40.000 thẻ/tháng).
Bên cạnh đó các trạm chưa triển khai đồng bộ, số lượng phương tiện dán thẻ chưa nhiều nên hiệu quả khai thác làn ETC chưa cao. Đến nay đã có 300 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối (trong đó có 100 điểm tại các Trung tâm đăng kiểm). Số lượng thẻ dán được đến ngày 10/5/2018 là 544.000; số thẻ nạp tiền để sử dụng là 164.800 thẻ (khoảng 30% số thẻ được dán).
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc thu giá dịch vụ điện tử tự động không dừng sẽ không làm tăng mức thu phí so với các hình thức thu hiện hành, bảo đảm quyền thụ hưởng của các nhà đầu tư, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng, bảo đảm việc tích hợp cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời để phục vụ quản lý nhà nước, minh bạch trong thu giá.
Ngoài ra, với mỗi xe đã được dán thẻ E-tag, khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào biển số giả hay hết hạn đăng kiểm... Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phát triển hệ thống để kết nối với Bộ Công an, nhằm phát hiện vi phạm an toàn giao thông của xe đi qua trạm. Hơn thế nữa, nếu lắp hệ thống thu giá tự động sẽ minh bạch và chống được gian lận của nhân viên thu phí.
Tác giả: Xuân Thảo
Nguồn tin: Báo Hải quan