Dịch vụ thiếu, tạo lập tự phát
22 giờ, một đôi bạn trẻ rà phanh xe máy, giảm tốc độ, tìm chỗ uống nước ở khu vực bờ sông Hàn. Lập tức đã có một thanh niên đứng chắn trước xe, nói: “Nước dừa anh chị ơi! Để xe xuống, em dắt cho!”. Đó là những khung cảnh thường thấy ở đường Bạch Đằng, con đường chạy dọc sông Hàn thuộc loại đẹp nhất Đà Nẵng. Đây cũng là con đường hiếm hoi, có thể thấy chút không khí “kinh tế đêm” ở thành phố du lịch này.
TP Đà Nẵng lung linh đèn điện nhưng chưa thể phát triển kinh tế ban đêm |
Khu vực đường Bạch Đằng có chút sôi động về đêm với các pub, quán cà phê và một số quán ăn ở các đường lân cận, nhưng không đúng là một khu kinh tế đêm. Các dịch vụ ở đây thường đến khoảng 23 giờ là đóng cửa, trừ một số pub đón khách đến uống rượu, bia, nghe nhạc. Nhưng không phải khách du lịch nào cũng có nhu cầu đến bar, pub, đôi khi họ cần một khu tập trung dịch vụ mua sắm, các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7, các cửa hàng ẩm thực đêm, các chương trình văn hóa nghệ thuật... Những thứ đó, ở Đà Nẵng không có hoặc đang phát triển một cách tự phát.
Muốn ăn đêm ở Đà Nẵng, du khách sẽ tới đâu? Dọc các đường Trần Quốc Toản, Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, Đống Đa... có một vài quán ăn đêm tự phát của hộ gia đình. 0 giờ, quán bánh canh bà Bé vẫn tấp nập khách ra vào. Quán bánh canh này tồn tại ở góc chợ Cồn qua 3 đời, bà Bé, con gái bà và cháu bà. Giờ đây, người bán là bà Hiền (55 tuổi, con gái của bà Bé) và một vài người cháu. Nhưng quán bánh canh này không phải lúc nào cũng bán muộn, có những hôm 22 giờ đã nghỉ vì “bán hết 5 nồi”. Quán bánh canh nằm trên một góc vỉa hè nhỏ với chừng chục bộ bàn ghế nhựa, không bao giờ thưa khách.
Có những hàng quán bán muộn hơn, như quán ăn Quảng Đông của ông Võ Bá Cường ở đường Ông Ích Khiêm. Quán ông Cường bán từ 6 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau, chia làm 2 ca ngày và đêm. Là một người bán đêm 11 năm nay, nhưng khi được hỏi “nếu chính quyền quy hoạch một khu tập trung các quán ăn đêm, ông có di chuyển quán vào đó không?”. Ông Cường trả lời gần như lập tức: “Không, tôi vẫn sẽ ở đây. Những hàng quán có thương hiệu, đóng đinh vào trí nhớ của khách một địa điểm nhất định qua nhiều năm, không dại gì bỏ một lượng khách hàng quen để đi tìm kiếm một lượng khách hàng mới mà chưa biết có đông hay không”.
Loay hoay giữa phát triển và quản lý
Có nhiều cách định nghĩa nhưng có thể hiểu “kinh tế ban đêm” là các hoạt động kinh tế, vui chơi, giải trí từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Kinh tế ban đêm đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tỉ trọng doanh thu du lịch ở các thành phố lớn trên thế giới. Ở châu Á, Singapore, Bangkok, Hongkong, Pattaya… là những thành phố “không ngủ” nổi tiếng từ rất lâu. Những năm gần đây, các nhà lập pháp tại Nhật và Trung Quốc cũng đã bắt đầu chú ý đến kinh tế ban đêm. Chính phủ hai nước này nước đã có hàng loạt những chính sách để khuyến khích kinh tế ban đêm. Còn ở Việt Nam, vấn đề này chỉ thực sự được chú ý từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc nhằm đưa ra những chính sách phát triển phù hợp ở Việt Nam.
Quán bánh canh bà Bé bán qua ba đời tại chợ Cồn |
Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, du khách đến thành phố du lịch hầu như lịch trình chỉ trong một vòng xoay ban ngày đi Bà Nà, rồi đi dạo phố, chiều tắm biển, tối ăn hải sản và sau đó là đi Hội An, Huế, hoàn toàn trong đầu không có khái niệm buổi tối sẽ làm gì ngoài ăn hải sản.
Chợ đêm Sơn Trà ở khu vực cầu Rồng, chợ đêm Helio là những nơi hiếm hoi chỉ hoạt động ban đêm, không hoạt động ban ngày ở Đà Nẵng. Nhưng đến 23 giờ, hàng quán đã dọn hết và nó giống bất cứ một khu chợ đêm nào trên đất nước này, không có bản sắc riêng. Dù Đà Nẵng là một thành phố có nền văn hóa đa dạng và độc đáo nhưng rất thiếu các sản phẩm đặc thù, thiếu những khu quy hoạch riêng biệt kinh doanh ban đêm, thiếu các chương trình văn hóa, nghệ thuật và chưa xây dựng được thói quen mua sắm, giải trí về đêm. Hầu hết các địa điểm vui chơi, giải trí ở Đà Nẵng sau 0 giờ là tự phát, manh mún, chỉ dành cho giới trẻ, không phải dành cho khách du lịch.
Từ năm 2003, Đà Nẵng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2018, lượng khách đến Đà Nẵng đạt hơn 7,66 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt trên 24.000 tỉ đồng, tăng gấp 37 lần về số khách và 73 lần về tổng doanh thu so với năm 1997. Thế nhưng, tỉ trọng doanh thu lớn thuộc về những dịch vụ vào ban ngày, trong khi tiềm năng về kinh tế ban đêm của Đà Nẵng còn rất lớn.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, du lịch đêm của Đà Nẵng chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, du khách là chủ thể nhưng lại chưa có được nhiều trải nghiệm vì dịch vụ chưa thực sự phong phú, thiếu kết nối giữa các điểm đến. Có nhiều lý do: Người dân Đà Nẵng chưa quen thức khuya như Hà Nội hay TP HCM nên hàng quán đóng cửa sớm; nhà hàng, quán bar không được mở cửa quá 0 giờ. Việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm là câu chuyện của nhiều ngành, không riêng việc tổ chức điểm đến, dịch vụ mà còn phải hài hòa với bảo đảm an ninh, trật tự…
Cùng quan điểm, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Đà Nẵng, cho rằng, thành phố phải quy hoạch khu vực phát triển kinh tế ban đêm, có quy chế hoạt động riêng mới dễ dàng quản lý. Chỉ khi tập trung tại một khu vực cụ thể thì việc xử lý những cơ sở vi phạm mới không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Nhiều cơ sở viện cớ kinh doanh dịch vụ về đêm để phục vụ du lịch. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Kinh doanh cũng phải đúng quy định, không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thành phố”, Đại tá Trần Thanh Nhơn nhấn mạnh.
Trong du lịch có một lý thuyết: Số thu từ ban ngày chỉ chiếm 30% tổng thu từ một du khách, còn thu từ ban đêm chiếm tới 70%. Nhu cầu về các dịch vụ ban đêm của du khách là có thật. Và, trong khi còn loay hoay giữa phát triển và quản lý, Đà Nẵng đang lãng phí “mỏ vàng” vì… đi ngủ sớm.
Năm 2018, tổng thu từ du lịch của Đà Nẵng ước đạt trên 24.000 tỉ đồng, tăng gấp 73 lần so với năm 1997. Thế nhưng, tỉ trọng doanh thu lớn thuộc về những dịch vụ vào ban ngày, trong khi tiềm năng về kinh tế ban đêm của Đà Nẵng còn rất lớn. Đà Nẵng đang lãng phí “mỏ vàng”. |
Tác giả: Thanh Hiếu
Nguồn tin: petrotimes.vn