Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều nay 8-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Tham dự có lãnh đạo một số địa phương tại các điểm cầu trực tuyến.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thảo luận một số biện pháp mạnh mẽ hơn, nhất là đối với TP.HCM khi mà hôm nay công bố một số ca mắc mới trong cộng đồng tại thành phố đông dân cư này.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế báo cáo các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp thì càng phải bình tĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xử lý kiên quyết.
Bộ Y tế lập bộ phận thường trực chống dịch tại TP.HCM
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết sáng nay Bộ đã có buổi họp trực tuyến với TP.HCM và Bộ đã đưa ra nhiều kiến nghị với TP.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch tại TP.HCM khá phức tạp, do vậy Bộ Y tế đã thành lập bộ phận thường trực phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ tại TP.HCM.
Chiều nay 8-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sẽ vào TP.HCM để phối hợp cùng TP kiểm tra, đánh giá tình hình và bàn các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, Bộ Y tế huy huy động tối đa lực lượng hỗ trợ TP.HCM trong phòng, chống dịch.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cho TP.HCM giãn cách xã hội ở một số khu vực theo chỉ thị 16, và áp dụng các biện pháp trong Chỉ thị 15 tại một số khu vực có nguy cơ thấp.
"Giãn cách xã hội hết sức cần thiết, khi giãn cách thì các hoạt động tập trung đông người không được phát sinh. Bộ Y tế xác định công tác phòng chống dịch là xuyên tết, không có tết", ông Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cập nhật tình hình dịch bệnh trong cả nước - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
TP.HCM xét nghiệm hàng ngày nhân viên sân bay, xem xét giãn cách nơi có dịch
Báo cáo tại cuộc họp, phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết qua phân tích đặc điểm dịch tễ, nhiều trường hợp nhân viên sân bay âm tính nhưng người nhà lại dương tính. Theo ông Đức, ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã tồn tại từ trước đó, chưa xác định được nguồn lây, thời điểm khởi đầu và có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Phó chủ tịch TP.HCM cũng cho biết TP.HCM đồng tình với phương án chính quyền địa phương và lực lượng y tế nơi có ổ dịch cần xem xét áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Đối với các hoạt động chào đón Tết Tân Sửu, địa phương tổ chức cần đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Lãnh đạo chính quyền TP.HCM khẳng định những sự kiện không đảm bảo biện pháp phòng dịch thì cần dừng lại.
"Các sự kiện của thành phố đã lên kế hoạch thời gian tới sẽ giảm quy mô xuống mức tối thiểu. Các hoạt động nghi lễ, tôn giáo, tập trung đông người chưa cần thiết sẽ tạm dừng", ông Đức nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thông tin việc truy vết F1, F2 của 29 ca nhiễm virus SAR-CoV-2 được thực hiện quyết liệt, triệt để. Trong ngày 8-2, TP sẽ hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ ca tiếp xúc với 29 trường hợp này.
TP cũng thực hiện xét nghiệm hàng ngày đối với nhân viên sân bay trước khi vào ca làm việc. Nhân viên tiếp xúc hành khách, hàng hóa tại sân bay cũng được xét nghiệm tầm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
'Chủng virus tại TP.HCM không phải chủng lây nhanh'
Trao đổi tại buổi làm việc, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong đợt dịch lây nhiễm thứ 3, các cơ quan liên quan đã làm rất quyết liệt, kịp thời và rất sáng tạo và có nhiều cách làm rất hay.
"Tóm lại ổ dịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Chí Linh (Hải Dương) cơ bản kiểm soát được. Đà Nẵng trước đây mất 39 ngày mới hết, 23 ngày mới kiểm soát được. Lần này ở hai tỉnh này chỉ 3 ngày đuổi kịp, 8 ngày cơ bản kiểm soát được", ông Đam nói.
Nói về tình hình dịch TP.HCM, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Hôm qua giờ chúng tôi hồi hộp. Đây là ổ dịch mới không liên quan đến Vân Đồn, Chí Linh".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo ông Đam, hiện nay có nhiều dự đoán về nguyên nhân phát sinh ca nhiễm tại TP.HCM. Có dự đoán lây từ sân bay Tân Sơn Nhất, có dự đoán do người vượt biên trái phép từ nước ngoài vào…
Tuy nhiên, theo ông Đam: "Bây giờ tất cả nguy cơ như nhau. Chúng ta chỉ có thể kết luận cái khó hiện nay tại TP.HCM là theo xét nghiệm hiện tại cho thấy có trường hợp đã mắc bệnh trong thời gian kha khá".
Mặc dù vậy, phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng "cái may" của TP.HCM là chủng lây bệnh hiện nay không thuộc chủng virus lây nhanh. Mặt khác, từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, TP.HCM đã làm rất mạnh việc yêu cầu đeo khẩu trang.
Nói về những việc cần làm ngay, ông Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM huy động tối đa năng lực lấy mẫu xét nghiệm bằng các nguồn khác nhau. Trong thời gian ngắn nhất, lãnh đạo thành phố và Bộ Y tế cần phác họa được bức tranh tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Trong thời gian đó, TP cần cân nhắc kỹ việc tổ chức giãn cách theo chỉ thị 16 toàn địa bàn. Thời điểm gần tết này, chúng ta cần những quy định rất linh hoạt nhưng vẫn cần cảnh giác các hoạt động vui chơi đông người.
Thủ tướng: TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số nơi; tăng cường xét nghiệm
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, một số địa phương, nhất các TP, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra, trong đó TP.HCM có nhiều điểm lây nhiễm không chỉ vận động thực hiện nghiêm 5K mà còn yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.
Thủ tướng cho biết, các tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… tiếp tục thực hiện các biện pháp đã thực hiện. Riêng TP.HCM và Hà Nội đều phải có giải pháp sáng tạo, quyết liệt như giãn cách xã hội một số khu vực cần thiết.
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc cho TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách xã hội một số khu vực. “Chủ tịch TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và một số TP được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn việc lây lan trong cộng đồng cụ thể, phù hợp, nhất là dịp tết”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng biểu dương các địa phương đã có những giải pháp mạnh mẽ, tổng lực, quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về phòng, chống dịch, nhờ vậy các điểm dịch (mới phát sinh đợt 3 - PV) cơ bản đã kiểm soát, dù có lây lan ra một số thành phố.
Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao việc truy xét thần tốc, xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, một ổ dịch mới xuất hiện ở nhiều quận của TP.HCM là mối lo ngại tiếp theo cũng như những nơi khác chưa dập dịch xong.
Theo Thủ tướng, hiện tượng lây nhiễm tại TP.HCM đang diễn ra, chắc chắc sẽ lây, nhất là trong những ngày tới đây. Tình hình hết sức xấu. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống y tế, hệ thống chính trị với sự lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt.
Đặc biệt Thủ tướng kêu gọi người dân hưởng ướng thực hiện chủ trương 5K của ngành y tế. Trước hết, phải thực hiện biện pháp đeo khẩu trang với mọi người dân, địa phương, nhất là các thành phố lớn, đông người qua lại. Các tỉnh khác vận động dân tiếp tục đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Những lễ hội, tiệc ăn mừng, đám tang, lễ hội tôn giáo cần hạn chế người tham gia.
Thủ tướng cũng hoan nghênh TP.HCM, Hà Nội dừng việc bắn pháp hoa và các địa phương như Hải Dương, Hải Phòng đã vận động công nhân viên, người lao động, chủ nhà máy tổ chức xuất, sinh hoạt tại chỗ, hạn chế lây nhiễm, hạn chế tối đa việc đi lại trong dịp tết.
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế và địa phương tăng cường xét nghiệm trên diện rộng những khu vực dễ lây nhiễm như bệnh viện, khu sân bay… có lây nhiễm để truy vết, phát hiện nhanh. Đồng thời, tất cả các địa phương, đặc biệt ngành y tế tham mưu đề xuất sử dụng các nguồn lực, kể cả vật tư, thực phẩm, bệnh viện dã chiến… để thực hiện nhanh việc phòng, chống.
Đã từng bước kiểm soát được dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ 25-1 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp mắc trong cộng đồng tại 12 tỉnh, thành phố. Ngày 8-2, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới, tại Hà Nội (2), Quảng Ninh (3) đều có liên quan đến ổ dịch tại Công ty POYUN (Chí Linh, Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) và 29 trường hợp mắc tại TP.HCM liên quan ổ dịch phát hiện tại khu bốc dỡ hàng hóa, sân bay Tân Sơn Nhất. Đối với ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ 7.300 nhân viên sân bay và đã phát hiện bệnh nhân 1979 đầu tiên và 4 trường hợp dương tính (bệnh nhân 2002-2005) được ghi nhận sáng 8-2. Tiếp tục điều tra mở rộng các trường hợp tiếp xúc gần và xác định nguồn lây nhiễm, đã ghi nhận thêm 24 trường hợp dương tính mới, nhiều khả năng đã lây lan trong cộng đồng từ trước. Tính đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại 2 địa bàn bùng phát dịch là Quảng Ninh, Hải Dương và hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong 4 ngày gần đây đã ghi nhận số ca mắc mới có xu hướng giảm, hầu hết các trường hợp mắc là các trường hợp đã được cách ly tập trung. Ngoài 2 tỉnh (Hải Dương, Quảng Ninh), hằng ngày vẫn ghi nhận ca mắc mới là các trường hợp đã được cách ly tập trung, các tỉnh Hòa Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh trong 1 tuần qua không ghi nhận ca mắc mới; Điện Biên, Hà Giang hiện chưa ghi nhận thêm ca mắc mới từ 5-2 đến nay. Hà Nội, Bình Dương, Gia Lai đang thực hiện truy vết, khoanh vùng triệt để và vẫn ghi nhận các ca mắc mới rải rác. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất chưa rõ nguồn lây. Chinhphu.vn |
Tác giả: TIẾN LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ