Sáng 9/8, tại Thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng gặp mặt các chức sắc, chức việc, nhà tu hành tiêu biểu có đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đối với tôn giáo và những chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thủ tướng đánh giá cao các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thời gian qua đã chung tay tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Trong đó có nhiều tấm gương điển hình là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, mà tiêu biểu nhất là các đại biểu có mặt tại cuộc gặp mặt này.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong hội trường này có nhiều tấm gương của nhiều tổ chức tôn giáo, cá nhân, nhiều chức sắc, chức việc, lập nhiều thành tích đặc biệt, giúp người nghèo chữa bệnh, hỗ trợ công đức, bỏ ra nhiều công sức, trí tuệ, của cải vật chất để hỗ trợ cho những tầng lớp yếu thế trong xã hội, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Dù mỗi tôn giáo ở nước ta có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau, nhưng Thủ tướng cho rằng, mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta.
Thủ tướng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân, đặc biệt là đoàn kết các tôn giáo với nhau là vấn đề sống còn, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của dân tộc ta. Chính vì vậy mà ngay sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 3/9/1945), Người khẳng định: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng; chia rẽ tức là yếu hèn”.
Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành thực hiện thống nhất quan điểm về công tác tôn giáo, phát huy nguồn lực của tôn giáo trong đời sống xã hội.
Nêu lên những thành tựu của đất nước thời gian qua, Thủ tướng nhấn mạnh có sự đóng góp quan trọng của trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn 1/4 dân số cả nước.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt là biểu dương những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy các nguôn lực tôn giáo, góp phân nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng và mong muốn được lắng nghe ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc các tôn giáo; những đề xuất, kế sách với Đảng, Nhà nước, nhất là trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo, cùng xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương lắng nghe ý kiến chân thành của các tổ chức tôn giáo, tiếng nói từ trái tim, trách nhiệm với cộng đồng theo đạo hoặc không theo đạo của nước ta.
Toàn cảnh buổi gặp mặt. |
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ tại buổi gặp mặt, thời gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội và đất nước. Cùng với đó là tiếp tục hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Giá trị nhân văn tôn giáo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc và sẽ tiếp tục góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tính đến tháng 8 này, nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, gần 146.000 chức việc, hơn 29.000 cơ sở thờ tự tôn giáo.
Với vai trò là thành tố cấu thành của văn hóa, những giới điều trong giáo lý các tôn giáo đã mang lại giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của con người. Nhiều khu dân cư có đông đồng bào theo tôn giáo, trở thành điểm sáng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội./.
Tác giả: Vũ Dũng
Nguồn tin: Báo VOV