Sáng 16/7, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, buổi làm việc này là để Tiểu ban lắng nghe ý kiến thực tiễn từ quá trình phát triển của các địa phương trong 5 và 10 năm qua, đồng thời nêu các cơ hội, thách thức, mô hình phát triển tốt, những cách làm hay mang tính địa phương, vùng và quốc gia. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng các văn kiện quan trọng của Tiểu ban là Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
Nhấn mạnh thành quả quan trọng sau 30 năm đổi mới, Thủ tướng đề nghị các địa phương cần đặt vấn đề kế thừa thành quả này. Các phương hướng phát triển nêu ra phải phù hợp với xu thế phát triển thế giới, nhất là cần gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với đặc điểm địa lý đất nước trải dài, các yếu tố vùng, miền, khí hậu, văn hóa... đặc trưng, Thủ tướng cho rằng, các định hướng, giải pháp phát triển vùng cần xét đến các yếu tố này.
Trong phát biểu, Thủ tướng cũng đã nêu thông tin mới về xếp hạng các chỉ số trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (SDG). Theo đó năm 2019, Việt Nam đứng thứ 54/162 quốc gia. Với xếp hạng này, Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan. Trong đó, các chỉ số thành phần mà Việt Nam xếp hạng cao là xóa đói giảm nghèo (95 điểm); giáo dục (91 điểm); tiếp cận năng lượng (82 điểm)...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu các chỉ số Việt Nam xếp hạng thấp là cơ sở hạ tầng (26 điểm); phát triển bền vững đại dương (45 điểm); quản lý hệ sinh thái tài nguyên rừng (48 điểm).
Với những thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng có sự đóng góp quan trọng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khi vùng đang chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu; sản xuất tôm chiếm 80% cả nước; xuất khẩu trái cây đạt trên 1 tỷ USD; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực và tăng dần tỷ trọng nông sản chế biến với nhiều nhà máy hiện đại.
Vùng cũng đã mở rộng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, phát triển các trung tâm điện khí cung cấp cho vùng và cả nước. Nhiều mô hình tốt trong quá trình tái cơ cấu ở các địa phương đã xuất hiện và một số mô hình là kinh nghiệm tốt cho cả nước.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và TPHCM |
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu ra những thách thức đối với sự phát triển của vùng cần được xác định trong văn kiện và chỉ đạo, đó là tác động lớn của biến đổi khí hậu. Với đặc điểm vùng sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên tăng trưởng thấp hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt là phát triển hạ tầng còn rất khó khăn khi tổng mức đầu tư chung đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long thấp trong 5 gần đây.
Công nghiệp, dịch vụ còn nhiều vấn đề, nhất là phát triển doanh nghiệp. Bởi 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với gần 20 triệu dân, nhưng chỉ có trên 50.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm 7% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Bên cạnh đó, vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế ở một số nơi còn là vùng “trũng”.
Nhấn mạnh đây là buổi làm việc quan trọng, có sự tham dự đông đủ của thành viên Tiểu ban Kinh tế Xã hội, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh nêu những vấn đề nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nhất là các bài học kinh nghiệm trong 5 năm, 10 năm qua. Đặc biệt là cách vận dụng sáng tạo mô hình mới thành công hiệu quả cũng như những vướng mắc, nút thắt cần giải quyết. Đề xuất phương hướng, nhiệm vụ không chỉ đến năm 2025-2030 mà phải là tầm nhìn đến năm 2045. Mối liên kết giữa các địa phương trong vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đối với Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng yêu cầu báo cáo vấn đề phát triển đô thị, liên kết vùng với vai trò là trung tâm kinh tế xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trên cơ sở ý kiến các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành lắng nghe, giải đáp và làm rõ định hướng phát triển của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045./.
Tác giả: Vũ Dũng
Nguồn tin: Báo VOV