Trong nước

Thủ tướng: "Triển khai chính phủ điện tử bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất”

Phát biểu tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” là nội dung có liên quan mật thiết tới các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, là trọng tâm của chính phủ trong giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Hà Nội tổ chức Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ nhanh chóng và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Theo đó, phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng.

Trong đó, chính phủ số là giải pháp giúp nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các chính phủ minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn. Còn dữ liệu mở cho phép mọi người có thể truy cập và sử dụng dữ liệu, giúp thông tin nhanh chóng, chính xác, mở ra các cơ hội lớn.

Nhằm đón đầu và thực hiện triển khai các bước xây dựng chính phủ số tại Việt Nam, ngày 18/7/2018, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 diễn ra với chủ đề “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện của các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương cũng như các đơn vị CNTT đầu ngành trên toàn quốc.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số” là nội dung có liên quan mật thiết tới các nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, là trọng tâm của chính phủ trong giai đoạn 2018 - 2020.

“Xây dựng chính phủ điện tử là chủ đề chúng ta đã quan tâm từ lâu, và bây giờ phải bắt tay vào ngay để phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo, định hướng tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018 xoay quanh nội dung phát triển, xây dựng chính phủ điện tử, bắt nhịp xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Thủ tướng nhận định thế giới nói chung và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, đang chuyển đổi từ kỷ nguyên của điện tử hoá, tự động hoá, tin học hoá sang kỷ nguyên số hoá, thông minh hoá, và trí tuệ nhân tạo.

Với sự giúp sức của Khoa học - Công nghệ, những xu thế mới đang có tác động vô cùng sâu sắc đến nhiều loại thức kinh doanh, sản phẩm, thị trường, cho tới sự tương tác trực tiếp giữa thị trường với các doanh nghiệp, nhà nước, định hình nên công cuộc thời đại kinh tế mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng chính phủ điện tử ngay từ những năm 2000, gắn với quá trình thay đổi thể chế của bộ máy. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ phát triển còn quá chậm, không đồng đều, hệ quả là so với các quốc gia khác trong khu vực, chúng ta chỉ đứng khiêm tốn ở vị trí thứ 6.

Thủ tướng cho hay trong việc triển khai chính phủ điện tử vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như thể chế pháp lý chưa toàn diện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất yếu, hạ tầng cơ sở thông tin có độ an toàn thấp, các hệ thống thông tin dữ liệu chưa được kết nối thông suốt, triển khai các thủ tục hành chính còn thủ công, nặng tính giấy tờ.

Trước thực tại này, Thủ tướng đề nghị các cấp, các bộ ngành, cũng như toàn xã hội cần có những thay đổi trong nhận thức và hành động để đáp ứng được thay đổi của thời đại kinh tế số, với quyết tâm hành động nhanh, mạnh, kết quả lớn, nghĩ lớn - “Nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, hiệu quả nhất”, xác định rõ lộ trình, cụ thể, tránh tình trạng "làm lấy hình thức" mà không đảm bảo tính hiệu quả.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, các ngành, địa phương cần xác định rõ 5 nhiệm vụ tâm như sau: Một là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư cho CNTT, bảo vệ an toàn thông tin. Hai là cần chuẩn bị nguồn nhân lực 4.0 chất lượng cao, đảm bảo thu nhập, bảo hiểm, điều kiện làm việc,... để giới trẻ có thể trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế số. Ba là tập trung phát triển các giải pháp, nền tảng như cập nhật thông tin chính phủ điện tử, tập trung hoàn thiện cơ sở, ... xây dựng chính phủ điện tử phi giấy tờ. Bốn là dồn nguồn lực để phát triển, xác định mục tiêu trọng tâm đầu tư trong mục tiêu ngắn hạn và trung hạn. Năm là nâng cao hiệu quả truyền thông, nâng cao nhận thức để có được sự đồng thuận của các bên.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng hy vọng Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018 sẽ trở thành cơ hội để tất cả các bên cùng chia sẻ về tư duy, tầm nhìn về chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 - mà theo đánh giá là "cơ hội vàng" để Việt Nam bắt kịp, đi cùng, và vượt lên về phát triển công nghệ.

Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá CMCN 4.0 là "cơ hội vàng" để Việt Nam bắt kịp, đi cùng, và vượt lên về phát triển công nghệ.

"Nghiên cứu sơ bộ của công ty tư vấn VCC cho thấy CMCN lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8-18 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên con số này cũng chỉ là tính toán sơ bộ ban đầu, và nếu chúng ta làm tốt thì sẽ còn cao hơn rất nhiều lần", Bộ trưởng cho biết. "Trong đó thì đổi mới và phát triển hệ thống thể chế phù hợp mang yếu tố quan trọng và quyết định nhất."

Trên thế giới, Estonia, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Israel đang là những quốc gia dẫn đầu, nhanh chóng nắm bắt những lợi thế của chính phủ số. Trong đó thì Estonia được biết tới như "quốc gia số hóa" thành công nhất trên thế giới. Điều này giúp cho các cuộc họp diễn ra tại Estonia rất hiệu quả, và tiết kiệm thời gian.

Theo thống kê, trước đây một cuộc họp của chính phủ Estonia kéo dài tới 4-5 tiếng, nhưng hiện nay chỉ mấy trung bình 30 phút. Ngoài ra, việc áp dụng chính phủ điện tử kết hợp kinh tế số giúp cho 99% dịch vụ công tại đất nước này được hỗ trợ trực tuyến, còn GDP thì tăng 2% mỗi năm.

Tại Hàn Quốc, chỉ riêng việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp tiết kiệm tới 8 tỷ USD mỗi năm. Đồng thời đi đầu trong xu thế "3 không": Không giấy tờ, không bảo vệ - đi vào các cơ quan nhà nước đều bằng dấu vân tay, và không có khiếu nại.

Tại diễn đàn quan trọng trong góp phần chuyển đổi nền kinh tế số và chính phủ điện tử, các diễn giả đã góp phần đưa ra một bức tranh phát triển toàn cảnh về Chính phủ số tại Việt Nam, cũng như mở ra nhiều hướng đi mới trong việc ứng dụng CNTT-VT nhằm phát triển đời sống, kinh tế và xã hội.

Qua đó đồng quan điểm hướng tới một mục tiêu chung đó là khát vọng Việt Nam tiên phong thúc đẩy nền kinh tế số, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận thách thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tác giả: Nguyễn Nguyễn

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP