Nhân ái

Thức giấc sau một đêm, nam sinh lớp 8 khóc nghẹn khi tứ chi bị liệt

Tai họa ập đến sau một đêm, nam sinh lớp 8, người dân tộc Nùng ở Tuyên Quang, có nguy cơ phải bỏ học do gia đình quá nghèo túng, không có tiền chữa bệnh…

Theo lời giới thiệu của giáo viên trường PTDT nội trú THCS Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi tìm về thôn Làng Rèn 2, xã Hòa An để thăm em Lục Văn Tuy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng từ bé Tuy đã chăm chỉ học và thi đậu vào trường PTDT nội trú THCS Chiêm Hóa trong sự vui mừng của người thân và bà con người dân tộc Nùng. Thế nhưng trớ trêu thay, khi đang mang bao khát vọng về một ngày mai vươn ra khỏi lũy tre làng để lập nghiệp thì tai họa ập xuống với cậu bé 14 tuổi.

Vào ngày 24/5/2020, khi thức giấc, Tuy bỗng thấy đôi chân mình nặng trĩu, không còn cảm giác. Em hoang mang, sợ hãi không biết chuyện gì đang xảy ra với mình.

Cô giáo tổng phụ trách của Tuy kể lại: "Khi tỉnh dậy, toàn bộ tay chân của em Tuy không cử động được nữa. Lúc thầy cô giáo đến em khóc như mưa hỏi tại sao mà chúng tôi không biết trả lời thế nào. Sau đó, chúng tôi đưa em vào bệnh viện huyện khám. Các bác sỹ cho biết bệnh tình của em có dấu hiệu nặng khi không thể đi tiểu được, ăn vào lại nôn ra nên phải chuyển gấp xuống Bệnh viện Bạch Mai để điều trị".

Thức giấc sau một đêm, em Lục Văn Tuy bất ngờ bị tê liệt toàn thân.

Thương con, anh Lục Văn Phấn (SN 1979) và chị Dương Thị Xuân (SN 1985) lại vội bán đi mấy bao lúa để dành trong nhà rồi cùng con khăn gói xuống Hà Nội. Tại đây, các bác sỹ cho biết em Tuy bị viêm tủy cổ dẫn đến liệt toàn thân từ cổ xuống và cần phải chạy chữa lâu dài. Thế nhưng điều trị được khoảng 1 tháng, thấy chi phí quá tốn kém, không còn khả năng chi trả, anh chị lại xin bệnh viện đưa con về nhà…

"Khi biết cháu bỗng dưng bị viêm tủy cổ, gia đình tôi hoang mang lắm, cả xã này chưa có trường hợp nào bị như vậy. Tôi rất mừng khi bác sỹ bảo bệnh của cháu có thể chữa được nhưng lại buồn hơn khi biết chi phí chữa trị lên đến hàng trăm triệu. Nhà tôi 2 vợ chồng làm nương rẫy nuôi Tuy và chị gái học lớp 12. Cả cái nhà này có bán đi cũng chỉ được vài chục triệu thì làm sao có thể lo cho cháu được đây…", chị Xuân nghẹn ngào.

Theo lời chị Xuân, số tiền 50 triệu đồng để chi trả cho đợt điều trị bệnh của Tuy ở Hà Nội gia đình đã vay mượn của rất nhiều người. Giờ nếu cần thêm một khoản tiền lớn để chạy chữa cho con thì anh chị cũng đành bất lực vì gia đình đã quá khốn khó.

"Nhiều khi tôi nghĩ sao ông trời lại bất công với con tôi thế, cháu luôn ngoan ngoãn, lễ phép và hiếu thảo với ông bà bố mẹ. Mỗi lần nhìn đám trẻ con đi học về, ánh mắt cháu dõi theo rồi lại nhìn xa xăm mà ruột gan tôi đau như cắt…", chị Xuân gạt hàng nước mắt nói tiếp.

Nam sinh lớp 8 có nguy cơ phải dừng giấc mơ đến trường do gia đình quá nghèo khó không có khả năng chạy chữa bệnh.

Dù cả ngày phải nằm 1 nơi, mọi ăn uống sinh hoạt phải nhờ cậy người thân nhưng Tuy luôn tỏ ra lạc quan. Em cười nói: "Em chỉ mong mau chóng khỏi bệnh, khỏe mạnh bình thường để được tiếp tục đến trường đi học học tập. Em sợ nhìn thấy bố mẹ và chị gái khóc nên lúc nào cũng phải mạnh mẽ".

Khi hỏi đến ước mơ của em, nụ cười đang nở trên môi cậu bé bỗng ngừng lại rồi lại nức nở: "Em thích làm công an lắm, em muốn bắt tội phạm để mang lại bình yên cho người dân, bản làng. Nếu được chữa khỏi bệnh em hứa sẽ học thật giỏi và làm thật nhiều điều có ích cho xã hội…".

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng thôn Làng Rèn 2, xã Hòa An cho biết: "Gia đình anh Lục Văn Phấn vừa mới được xét từ hộ nghèo xuống hộ cận nghèo thì cháu Tuy lại mắc bạo bệnh. Thấy anh ấy đêm hôm còn lọ mọ đi kiếm con tôm, con cá ngoài đồng về bán lấy tiền chữa bệnh cho con mà ai cũng xót xa. Thế nhưng, xóm làng tôi cũng chẳng khá khẩm gì, có góp cũng chỉ được vài bát gạo, rổ sắn. Chỉ mong sao có các nhà hảo tâm giúp đỡ để cháu Tuy có cơ hội chữa khỏi bệnh và tiếp tục được đến trường".

Mọi sự giúp đỡ cháu Lục Văn Tuy - Mã số 585 xin gửi về: Anh Lục Văn Phấn và chị Dương Thị Xuân (bố mẹ cháu Tuy) ở thôn Làng Rèn 2, xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Tác giả: Diệp Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP