Tin trong tỉnh

Tiệm vàng in sổ tiết kiệm như ngân hàng: Treo băng rôn báo bị nợ xấu 39 tỉ

Trước việc nhiều người dân kéo tới đòi trả tiền gửi sổ tiết kiệm, chủ tiệm vàng ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đã in băng rôn công khai người dân còn nợ tiệm 39 tỉ đồng.

Người dân xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành gửi đơn tố cáo cùng cuốn sổ tiết kiệm mà tiệm vàng Tám Nhâm phát hành - Ảnh: DOÃN HÒA

Tiệm vàng nợ dân và dân nợ tiệm vàng

Chiều 12-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND huyện Yên Thành cho biết phía huyện đã giao cho chính quyền địa phương, lực lượng công an xác minh đơn tố cáo của người dân và ổn định tình hình an ninh trật tự trước khu vực nhà chủ tiệm vàng Tám Nhâm, đóng ở xã Công Thành.

Những ngày qua, nhiều người dân tiếp tục mang theo băng rôn, cờ tới tiệm vàng Tám Nhâm để đề nghị chủ tiệm vàng này trả lại tiền gốc, tiền lãi mà họ đã gửi tiết kiệm trong nhiều năm qua.

Một số người dân đi lại, tập trung đông người dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông trên quốc lộ 7.

Trong khi đó, phía chủ tiệm vàng Tám Nhâm cũng căng băng rôn trước cửa hàng với nội dung: "Số tiền dân còn nợ Tám Nhâm là 39 tỉ. Số tiền dân gửi chỉ còn lại 8 tỉ 7 trăm ngàn. Theo đơn đã gửi các cơ quan có thẩm quyền".

Cụ thể, theo thông tin ông Nguyễn Vĩnh Tám - chủ tiệm vàng Tám Nhâm - cung cấp, hiện nay có nhiều người dân đang nợ gia đình ông khoảng 39 tỉ đồng.

Đồng thời, gia đình ông cũng còn nợ người dân hơn 8 tỉ đồng, là tiền gửi tiết kiệm của người dân vào tiệm vàng.

"Gia đình tôi muốn công khai số tiền người dân nợ chúng tôi lẫn cả việc chúng tôi còn nợ dân để người dân chia sẻ. Chúng tôi đang quay lại làm ăn buôn bán để khắc phục, trả nợ cho người dân chứ không có chuyện bỏ trốn", ông Tám nói.

Tiệm vàng Tám Nhâm căng băng rôn công khai số tiền dân nợ và số tiền dân gửi mà tiệm vàng còn nợ - Ảnh: DOÃN HÒA

Ngược lại, phía người dân không đồng tình với quan điểm của ông Tám. Ông L.C.N. - ngụ xã Đại Thành, huyện Yên Thành cho rằng đây là tiền người dân gửi cho tiệm vàng Tám Nhâm để lấy lãi chứ không phải đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp.

"Việc vợ chồng ông Tám nói họ cũng là nạn nhân của người khác nên muốn người dân chúng tôi chia sẻ rủi ro với ông ấy là không thỏa đáng. Hai vụ việc không liên quan đến nhau", ông N. phân tích.

Theo nhiều người dân đi đòi nợ, qua thông tin từ Chi cục thi hành án dân sự huyện Yên Thành cung cấp thì hai vợ chồng ông Tám vẫn còn đứng tên nhiều lô đất. Vì vậy, những người này đề nghị ông Tám bán để lấy tiền trả hết cho những người đã tin tưởng gửi tiết kiệm vào đây.

Ngân hàng khuyến cáo gì?

Nội dung bên trong cuốn sổ tiết kiệm ghi các thông tin như sổ tiết kiệm của ngân hàng - Ảnh: DOÃN HÒA

Phản hồi thông tin tới Tuổi Trẻ Online, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An nêu rõ tại khoản 13, điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng: "Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận".

Theo Khoản 2 Điều 8 Luật này cũng quy định: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Do vậy, việc doanh nghiệp huy động vốn bằng hình thức tiền gửi tiết kiệm như ngân hàng là không đúng quy định của pháp luật.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân nếu có tiền nhàn rỗi, chọn hình thức gửi tiển tiết kiệm thì gửi tiền tại các ngân hàng luôn được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vào tháng 8-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành có thông báo trả lời đơn tố giác của người dân về việc tiệm vàng P.Nh. - đóng ở xã Bảo Thành bằng hình thức huy động vốn của 164 công dân thông qua việc phát hành sổ tiết kiệm là "không cấu thành tội phạm".

Vì vậy, Công an huyện Yên Thành không khởi tố vụ án hình sự.

Tương tự như tiệm vàng Tám Nhâm, vào thời điểm năm 2016 tiệm vàng P.Nh. cũng in "sổ tiết kiệm" rồi huy động vốn của hàng trăm hộ dân. Cuốn sổ này có vẻ bề ngoài rất giống với sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Trong sổ có cả con dấu của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc P.Nh. Bên trong cuốn sổ ghi tên, địa chỉ người gửi, số tiền gửi và lãi suất theo năm.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, bức xúc vì chủ tiệm vàng không trả tiền gửi tiết kiệm, những ngày qua nhiều người dân mang theo băng rôn tới trước gia đình chủ tiệm vàng Tám Nhâm đóng ở quốc lộ 7, xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An để đòi tiền gửi tiết kiệm.

Từ năm 2016, người dân gửi tiền và được tiệm vàng in trả một cuốn sổ tiết kiệm với lãi suất 9-9,6%/năm, cao hơn tiền gửi ngân hàng khoảng 3%/năm.

Tác giả: DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP