Anh Ngô Trí Hương và anh Lê Huy Tuấn nộp tiền cho ông Tâm, nhưng đi không được, đòi nợ không xong |
Hứa rồi… mất hút!
Trong đơn gửi Báo Thanh Niên, chị Hoàng Thị A. (ngụ xã Lạc Sơn, H.Đô Lương, Nghệ An) cho biết đầu tháng 5.2018, qua giới thiệu, chị và 3 người khác ngụ cùng huyện ra Hà Nội gặp ông Mai Xuân Tâm, đại diện cho Công ty CP XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ VN (VINAGIMEX) ở Q.Hoàng Mai để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Ông Tâm sau đó liên tục giục 4 người nộp tiền qua tài khoản của ông để làm thủ tục. Chị A. và 3 người này đã 2 lần chuyển khoản, mỗi người 110 triệu đồng. Khoảng 1 tuần sau, ông Tâm hẹn 4 người ra Hà Nội đóng thêm tiền để làm visa chuẩn bị đi, nhưng sau 3 lần hẹn, 4 người đều phải về tay không. Ông Tâm giải thích do bị lẫn lộn giấy tờ nên chưa làm được. Đến lần hẹn thứ 3 vẫn không thành, nghi ngờ ông Tâm nên 4 người ra gặp ông Tâm đề nghị chấm dứt hợp đồng và ông Tâm đồng ý.
Ngày 26.7, ông Tâm viết giấy hẹn ngày 1.8 sẽ trả lại tiền. Đến hẹn, 4 người ra đòi tiền thì chị A. và chị Trần Thị P. chỉ nhận được giấy hẹn lại của ông Tâm đến 15.8 sẽ trả. Ngày 15.8, chị A. và chị P. ra nhận tiền nhưng không gặp ông Tâm, vợ ông là bà Yên (Giám đốc Công ty VINAGIMEX) chỉ trả cho chị A. 1.200 USD mà chị A. nộp trực tiếp cho bà Yên.
“Bà Yên nói số tiền 110 triệu đồng chúng tôi đã chuyển khoản cho ông Tâm bà không biết, ông Tâm không nộp về công ty. Chúng tôi ăn chực nằm chờ ở đó hơn nửa tháng nhưng không gặp được ông Tâm. Sau đó, bà Yên nói ông Tâm đã bị công an bắt rồi. Đây là tiền chúng tôi vay mượn, phải trả lãi cao hằng tháng, giờ không biết lấy gì trả”, chị A. nói.
Giấy chuyển tiền cho ông Mai Xuân Tâm và giấy hẹn trả lại tiền của ông Tâm |
Ngoài những trường hợp này, anh Ngô Trí Hương (ngụ xã Nghi Công Nam, H.Nghi Lộc) và anh Lê Huy Tuấn (ngụ xã Nghi Mỹ, H.Nghi Lộc, Nghệ An), 2 trong số 8 người đi đơn hàng sản xuất dây cước ở Đài Loan do ông Tâm nhận làm thủ tục cũng bị “dính đòn”. Cả 2 anh cũng vay mượn nộp qua tài khoản ông Tâm 2 lần số tiền tương đương 2.000 USD. Ngày 12.8, 2 anh ra trụ sở VINAGIMEX làm thủ tục như đã hẹn thì không thấy ông Tâm, gọi điện thoại không liên lạc được. Tại đây, có thêm 6 người khác ở Nghệ An, Hà Tĩnh... đã nộp từ 1.000 - 3.000 USD cho ông Tâm nhưng cũng đều không gặp được. “Vợ ông Tâm nói ông đã bị bắt và đề nghị chúng tôi viết giấy cam kết bà Yên không liên quan đến việc nhận tiền nhưng chúng tôi không viết và đến Công an Q.Hoàng Mai làm đơn tố cáo”, anh Tuấn kể.
Mạo danh để lừa
PV Thanh Niên đã tìm đến trụ sở Công ty VINAGIMEX tại 19D7 khu đô thị mới Đại Kim (Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Tuy nhiên, công ty này cửa đóng then cài. Người dân xung quanh cho biết có rất nhiều người ở các địa phương đến đây đòi tiền nhưng không được. Ông Tâm đã bị công an tạm giữ, còn bà Yên thỉnh thoảng mới xuất hiện.
Chúng tôi liên hệ nhưng bà Yên từ chối gặp mặt và trả lời qua điện thoại: “Số tiền người lao động (NLĐ) nộp đi Đài Loan tôi không được hưởng. NLĐ nộp tiền cho anh Tâm nên tôi không nắm rõ là bao nhiêu. Chồng tôi giờ đang bị Công an Q.Hoàng Mai điều tra. Công ty hiện đang rất khó khăn, chẳng còn gì hết, tôi chỉ là nhân viên đối ngoại, có muốn giúp cũng không giúp được”.
Từ những thông tin Thanh Niên cung cấp, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã kiểm tra thông tin và khẳng định Công ty VINAGIMEX có địa chỉ nêu trên mạo danh công ty khác để chiếm dụng tiền của NLĐ. Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, cho hay: “Cục chỉ cấp phép cho Công ty VINAGIMEX có địa chỉ tại 149 Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội và lãnh đạo công ty không có ai tên là Mai Xuân Tâm như thông tin báo nêu”.
PV cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Đoàn Quang, Giám đốc Công ty VINAGIMEX, và ông khẳng định: “Công ty có địa chỉ ở Q.Hoàng Mai là công ty giả danh, mượn uy tín của chúng tôi để chiếm dụng tiền của NLĐ. Trước đây cũng đã có trường hợp tương tự và đã bị công an bắt giữ. Chúng tôi đã khuyến cáo NLĐ trên trang web của mình. Tuy nhiên, những NLĐ ở xa không nắm được thông tin nên đã bị “cò mồi” lợi dụng”.
Đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo: “NLĐ nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi có ý định đi xuất khẩu lao động. Danh sách các công ty được cấp phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đều được Cục đăng tải trên trang web http://www.dolab.gov.vn. Ngoài ra, NLĐ cần cảnh giác trước những lời mời, hứa hẹn, giúp đỡ; đồng thời có thể liên hệ với Sở LĐ-TB-XH các địa phương để kiểm chứng thông tin. Khi phát hiện những trường hợp lừa đảo cần làm đơn tố giác tới cơ quan chức năng để kịp thời xử lý”. |
Tác giả: Khánh Hoan - Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Thanh niên