Tin trong tỉnh

Tiếng sấm báo tin mùa xuân nơi vùng cao xứ Nghệ

Với phần lớn người Việt, giao thừa bắt đầu từ 0 giờ ngày Mùng 1 Tết Nguyên đán. Đó là thời điểm chính thức bước sang năm mới theo phong tục người phương Đông ngàn đời nay. Còn tại vùng biên xứ Nghệ, đồng bào người Ơ Đu đón năm mới từ khi tiếng sấm đầu tiên của năm báo hiệu mùa xuân về.

Một góc bản Văng Môn nơi đồng bào người Ơ Đu sinh sống.

Tục thờ “thần sấm” đón xuân

Người Ơ Đu tại rẻo cao huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có những câu chuyện thú vị về phong tục đón Tết. Bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương là nơi có cộng đồng người dân tộc Ơ Đu sinh sống.

Chúng tôi đến bản đúng thời điểm tại đây đang tổ chức lễ hội lễ cúng thần sấm đón Tết Chăm Phtrong. Hai bên đường, trai gái xúng xính áo váy đi từng tốp, người dân già trẻ gái trai đều hớn hở, ai nấy vui vẻ cười đùa. Nhà nhà mở nhạc xập xình, một tốp người thì quây quần bên chum rượu cần, cùng hát đối và chúc nhau những sừng rượu cần được ủ từ lâu nồng ấm và ngọt cay.

Trang phục của đồng bào Ơ Đu trong lễ cúng thần sấm.

Bản Văng Môn nằm ở giữa thung lũng, những ngôi nhà được dựng ở lưng chừng núi, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng có lẽ là nơi đông nhất. Thầy mo (thầy cúng của bản) vừa làm lễ cúng thần sấm để bắt đầu cho một năm mới.

Người dân cho biết, đây là lễ hội Tết mừng tiếng sấm đầu tiên (Tết Chăm Phtrong) gắn với tục thờ “thần sấm”. Lễ hội được tổ chức từ tháng 2 dương lịch đến tháng 3 dương lịch hàng năm, tuỳ thuộc vào thời tiết của mỗi năm có thể sớm hay muộn. Thờ thần sấm, một biểu trưng cho nông nghiệp, là nét văn hóa đặc trưng của người Đông Nam Á, trong đó có người Việt cổ. Người Ơ Đu cũng vậy, họ xem “thần sấm” là một vị thần tối cao biểu tượng cho sự linh thiêng.

Theo các cụ cao niên trong bản, không ai còn nhớ Lễ hội đón tiếng sấm đầu tiên của người Ơ Đu có từ lúc nào. Từ lúc họ sinh ra đã thấy cha ông mình tổ chức và cho đến nay con cháu họ vẫn đang lưu truyền. Theo đó, thời khắc có tiếng sấm đầu tiên của năm từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch là báo hiệu mùa xuân bắt đầu.

Già làng Lo Văn Cường chia sẻ, trước đây khi đường xá còn khó khăn, nơi đây còn chưa biết đến lịch là gì, thời điểm chuyển từ năm cũ sang năm mới của người Ơ Đu căn cứ vào tiếng sấm. Những năm gần đây khi điều kiện khấm khá hơn trước thì vẫn đón Tết cổ truyền nhưng với người Ơ Đu có đến hai cái Tết, một cái chung và một cái của riêng mình.

Cũng theo già làng Lo Văn Cường, cả năm người Ơ Đu mong mỏi đến thời khắc quan trọng này vì quanh năm làm nương, làm rẫy, chỉ có dịp như này người người nhà nhà mới tập trung về để đoàn tụ và gặp mặt nhau. Những lễ vật cúng đều được người dân chuẩn bị từ đầu năm như rượu cần ủ cả năm, gà nuôi trong vườn, cá dưới suối… Giờ đây, khi nghe tiếng sấm đầu tiên, cả bản tập trung ra nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau làm lễ.

Thầy cúng dâng lễ và làm lễ cúng thần sấm.

Lễ cúng thần sấm ngoài trời.

Lễ hội cũng được tổ chức thành hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ, sau khi người dân tập trung ra nhà văn hóa cộng đồng, chuẩn bị lễ vật để cúng thì già làng sẽ là người chủ lễ thay mặt bà con đọc lời khấn cầu thần sấm đem đến nguồn nước cho bà con, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cầu mong một năm mới mọi người có sức khỏe, gặp nhiều may mắn…

Kết thúc phần lễ, phần hội người dân trong bản tập trung ăn uống, múa hát, uống rượu cần, chúc nhau những điều may mắn. Tiếp đến là những tiếng cồng chiêng, tiếng sấm từ những ống tre gõ vào đất, rồi các trò chơi dân gian sôi động như, bắn nỏ, ném còn, đánh khăng…

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết, từ ngày được về sinh sống tại bản Văng Môn, đời sống bà con người Ơ Đu đã ngày càng ổn định hơn. Hiện bản đang phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao, nhiều con em người Ơ Đu đi học các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước…

Bảo tồn, phát huy một di sản văn hóa

Người Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu). Người Ơ Đu theo tiếng Thái nghĩa là “thương lắm”, còn có tên gọi khác là người Tày Hạt. Người Ơ Đu trước đây khá đông đúc, cư trú suốt một vùng rộng lớn dọc theo hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, Nghệ An và Lào.

Đồng bào người Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng. Tuy nhiên, qua những biến cố trong lịch sử, số lượng người Ơ Đu giảm dần. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Ơ Đu ở Việt Nam có dân số 376 người. Theo thống kê mới nhất hiện tại, người Ơ Đu chủ yếu sống ở huyện Tương Dương, trong đó có ở xã Nga My có 334 người, thị trấn, các xã khác 49 người.

Người dân chuẩn bị các lễ vật bày trong mâm cúng mừng Tết Chăm Phtrong.

Trước đây, người Ơ Đu chủ yếu sống rải rác trong khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ năm 2006 các hộ người dân tộc Ơ Đu được di chuyển về nơi ở mới ổn tại bản Văng Môn, xã Nga My. Hiện tại ở bản Văng Môn có 99 hộ với trên 350 người dân Ơ Đu sinh sống. Ngày nay, những dấu vết lịch sử về cát cứ địa lý của người Ơ Đu xưa vẫn còn, đó là di tích thành lũy bằng tre ở xã Hữu Khuông (Tương Dương).

Cũng như các dân tộc khác trên địa bàn, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Ơ Đu khá đa dạng và phong phú với nhiều nghi lễ độc đáo như lễ cúng năm, lễ đón tiếng Sấm, lễ truyền sắc… Do nhiều biến cố của lịch sử mà các nghi lễ đã bị mai một và mất đi. Họ chỉ còn duy trì được Nghi lễ đón tiếng Sấm đầu năm được xem là nghi lễ cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay của dân tộc Ơ Đu.

Nghi lễ được coi trọng, duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác đã hàng trăm năm nay, tuy nhiên do biến thiên của lịch sử, chiến tranh loạn lạc, sự di cư nên việc bảo tồn nghi lễ không còn được nguyên vẹn. Sau một thời gian dài bị ngắt quãng, đến năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phục dựng văn hóa dân gian và nghi lễ dân gian dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có nội dung phục dựng Nghi lễ đón tiếng Sấm đầu năm.

Kết thúc phần lễ, người Ơ Đu nâng các mâm vía lên cao với ý nghĩa dâng cúng mâm lễ để mời thần linh và tổ tiên.

Khi nghe tiếng Sấm đầu tiên vang rền, người thầy Mo của dân bản Ơ Đu sẽ đánh những hồi chiêng báo cho đồng bào biết. Tiếng chiêng chỉ vang lên một lần trong năm, là lúc có tiếng sấm đầu năm. Thầy Mo sẽ gõ 3 tiếng chiêng rồi treo lên vị trí trang trọng, gần bàn thờ tổ tiên. Khi những hồi chiêng được gióng lên, mọi người trong làng cùng thầy mo mang theo các vật dụng thường dùng trong sinh hoạt hàng ngày như chõ xôi, chiếc giỏ đi bắt cá, nồi cơm... ra suối để rửa sạch và rửa mặt, gội đầu trên dòng suối có ý nghĩa gột rửa những điều xui xẻo của năm cũ, vệ sinh sạch sẽ các thứ để chào đón năm mới tốt lành.

Các vật phẩm tế lễ luôn có lợn, gà và rượu cần 2 vò, bánh chưng, cơm lam, nếp cẩm, cá mọc, cá lạp, nhoọc chuột… là những món ăn truyền thống của đồng bào Ơ Đu. Ngày nay, Nghi lễ đón tiếng Sấm đầu năm đã được phục hồi, được duy trì thực hành trong cộng đồng Ơ Đu, nhưng quy mô hạn chế, thời gian chỉ diễn ra trong 1- 2 ngày, các nghi lễ vẫn được thực hiện theo phong tục truyền thống.

Ông Hồ Mạnh Hà – Phó Trưởng Phòng Quản lý di sản - Sở Văn hoá thể thao Nghệ An cho biết, lễ hội cúng thần sấm, mừng Tết Chăm Phtrong là một trong những phong tục đặc sắc của người Ơ Đu tại Nghệ An. Sở đang làm các thủ tục trình Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Đối với dân tộc Ơ Đu, “sấm” như là một vị thần tối cao biểu tượng cho sự linh thiêng. Tiếng sấm vang lên báo hiệu cho mùa gieo trồng bắt đầu, tiếng sấm còn là mốc thời gian để đồng bào thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ và công việc chung của cộng đồng. Bản thân người Ơ Đu từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi cũng phải chờ tiếng sấm, vì theo họ chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được siêu thoát. Do đó, mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với người Ơ Đu, có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP