Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, khi làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương, Lam lợi dụng lòng tin lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống bảng kê chi tiền. Tin tưởng nữ cán bộ ngân hàng "nhiệt tình", nhiều khách hàng đã tới nhà riêng của người này để ký hồ sơ mà không tới ngân hàng. Sau đó, sổ tiết kiệm được Lam giao tận tay họ... Lam đã rút tiền gửi của 6 khách VIP với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Qua điều tra, sự việc xảy ra do sự quản lý lỏng lẻo của giám đốc phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Eximbank chi nhánh Vinh. Những lãnh đạo này đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng Eximbank về rút tiền gốc và tiền lãi tiết kiệm.
Chiều 28/6, HĐXX đã hội ý và tạm dừng phiên tòa với lý do có "một số tình tiết chưa được làm rõ và chưa có trong hồ sơ".
Sáng nay (5/7), vụ án Nguyễn Thị Lam (31 tuổi), cựu nhân viên ngân hàng Eximbank Đô Lương lừa đảo chiếm đoạt tài sản cùng 15 bị cáo nguyên là giám đốc phòng giao dịch và cán bộ ngân hàng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục diễn ra.
Nguyễn Thị Lam cùng các bị cáo khác tại phiên tòa ngày 5/7. |
Phiên tòa sáng nay, sau phần xét hỏi, Viện Kiểm sát đã đề nghị HĐXX đưa ra mức án đối với bị cáo Nguyễn Thị Lam là tù chung thân và Đặng Đình Hồng, nguyên giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương mức án 36 tháng tù; các bị cáo còn lại cho hưởng án treo.
Theo đại diện Viện kiểm sát, trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Thị Lam đã yêu cầu đi khám và giám định tâm thần. Tuy nhiên, qua kết quả, cho thấy, bị cáo Lam chỉ bị rối loạn tâm sinh lý.
Cũng tại phiên tòa hôm nay, HĐXX đề cập đến vấn đề hành vi và khả năng thu hồi số tiền chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Thị Lam trong việc chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Về vấn đề này, tại phiên tòa hôm nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Lam đề nghị HĐXX xem xét lại tổng số tiền mà bị cáo Nguyễn Thị Lam lừa đảo chiếm đoạt trước ngày khởi tố vụ án. Theo đó, luật sư bào chữa của bị cáo Lam cho rằng, số tiền đó là hơn 36 tỷ đồng chứ không phải 50 tỷ đồng như cáo trạng đã nêu.
Cùng với đó, luật sư bào chữa cho Lam cũng đề nghị làm rõ số tiền mà Lam đã cho anh Nguyễn Trung Hiếu, trú tại TP Vinh (Nghệ An) vay 12 tỷ đồng thể hiện qua tin nhắn. Trước đó, tại tòa, anh Hiếu không thừa nhận số tiền vay này của bị cáo Lam cũng như tin nhắn cho Lam.
Xét về hành vi của bị cáo Lam, theo luật sư bào chữa cho bị cáo Lam cho rằng, đó là hành vi lừa dối khách hàng đơn giản chứ không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Lam dễ dàng rút tiền từ hệ thống ngân hàng Eximbank đó là do sự buông lỏng quản lý của lãnh đạo và sự “tin tưởng” của các nhân viên giao dịch trong hệ thống ngân hàng.
Chiều nay, toà tiếp tục làm việc.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: Báo An Ninh Tiền Tệ