Thông thường khi nhắc đến món tiết canh, chúng ta sẽ nhớ đến chén tiết còn nguyên màu đỏ, được trộn với thịt, sụn và một số bộ phận khác của con heo hoặc vịt, dê. Thế nhưng, ở Phú Quốc, người ta lại làm tiết canh từ cua. Theo người dân nơi đây, món ăn này xuất phát từ những ngư dân đánh bắt xa bờ lâu ngày, nước ngọt cạn kiệt nên phải uống chất dịch trong càng cua để đỡ cơn khát.
Người dân Phú Quốc ăn tiết canh từ cua chứ không phải vịt hay heo. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, không phải con cua nào làm tiết canh cũng ngon, để làm tiết canh cua thì phải chọn cua biển còn tươi, nhiều gạch. Để làm ra một bát tiết canh cua phải cần đến 3-4 con cua biển, đặc biệt phải lựa những con cua càng to, trọng lượng lớn từ 700g đến 1kg. Chính vì thế, đây còn được xem là món ăn “hạng sang”, tốn kém mà không phải thực khách nào cũng sẵn sàng chi trả.
Cua được chọn phải thật tươi và chắc thịt. (Ảnh minh họa) |
Chế biến tiết canh cua không hề đơn giản, trong đó khâu quan trọng nhất là cắt tiết cua. Khi cua còn sống đã được rửa thật sạch, người ta sẽ dùng dây buộc chặt càng lại thành một cụm, sau đó dùng kéo bén cắt thật ngọt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc càng còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn.
Cận cảnh quá trình cắt tiết cua. (Ảnh minh họa) |
Ban đầu, tiết chảy thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia. Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra rồi mới rắc ngò gai, lạc rang giã nhỏ.
Phần thịt cua được trộn đều, thấm đẫm gia vị. |
Phần nhân được làm từ thịt cua luộc chín, ướp gia vị vừa ăn. Lưu ý, cua chỉ luộc sơ trong nước pha thêm chút rượu để làm dậy mùi thơm. Sau đó trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.
Chỉ nhìn thôi cũng đủ làm thực khách chảy nước miếng. (Ảnh minh họa) |
Đừng quên thưởng thức món ăn độc đáo này khi đến Phú Quốc nhé. (Ảnh minh họa) |
Hương vị là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua mằn mặn, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua. Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác. Nhưng phần rau thì ngoài ngò gai, không thể thiếu rau diếp cá và có thể ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp vị và ngon.
Tác giả: RACHEL PHẠM
Nguồn tin: Báo VTC News