Kinh tế

Tiêu hủy số lượng lợn nhiễm dịch tả châu Phi nhiều nhất từ trước đến nay ở Nghệ An

Chi cục Chăn nuôi và Thú y vừa phối hợp với chính quyền huyện Đô Lương tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất tỉnh từ khi có dịch đến nay, với 256 con lợn, tổng trọng lượng trên 13 tấn.

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngày 1/8, đơn vị phối hợp với chính quyền xã Hòa Sơn và huyện Đô Lương tiêu hủy toàn bộ số lợn ở trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Cảnh Năm tại xóm Cồn Mội.

Sau khi tiêu hủy hết lợn, gia đình ông Nguyễn Cảnh Năm thuê nhân công phát quang khu vực trại lợn, đồng thời rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước đó, ngày 31/7, Cơ quan Thú y vùng III có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn ốm của gia trại ông Năm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Vì số lượng lợn lên đến 256 con, trọng lượng trên 13 tấn, nên cơ quan chuyên môn phải thuê máy đào 3 hố để tiêu hủy.

Ông Nguyễn Cảnh Năm, chủ trại lợn cho biết, gia đình ông nuôi lợn từ 10 năm nay. Nguyên nhân trại lợn của ông bị nhiễm dịch có thể do trước đó có thương lái đến mua lợn thịt về giết mổ, vi rút dịch có thể lây lan từ phương tiện vận chuyển, hoặc dày dép, quần áo của những người đi mua lợn.

Sau khi cơ quan chuyên môn tiêu hủy hết số lợn trong trại, gia đình ông Năm thuê 4 nhân công phát quang bụi rậm, cắt hết cỏ hai bên đường, đồng thời mua 1 tấn vôi bột để rắc toàn bộ khu vực trại và chuồng nuôi lợn. Xã Hòa Sơn đã cấp cho gia đình 5 lít hóa chất để phun tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực trại lợn trong suốt 1 tháng.

Chính quyền xã Hòa Sơn (Đô Lương) đã lập 2 chốt kiểm soát dịch tại xóm Cồn Mội, nơi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, địa phương lập 2 chốt kiểm soát dịch tại ổ dịch, cắt cử lực lượng chốt chặn 24/24 giờ. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cấp cho xã 24 lít hóa chất, địa phương tiến hành phun tiêu độc khử trùng đồng loạt trong khu vực xóm Cồn Mội từ ngày 1/8. Xã cũng trích ngân sách mua 1 tấn vôi bột để phục vụ phòng, chống dịch.

Ông Thái Đình Hường - Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm: Từ khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn Nghệ An đến nay, đã có một số trại lợn ở xã Diễn Yên (Diễn Châu), Nam Nghĩa (Nam Đàn)... bị nhiễm dịch, nhưng trại lợn ở xã Hòa Sơn (Đô Lương) có số lượng lợn bị tiêu hủy nhiều nhất tỉnh./.

Tác giả: Xuân Hoàng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP