Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, huyện Đô Lương tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào lớp 10. |
Trong đó, số lượng học sinh lớp 10 công lập là 30.139 em với 715 lớp; khối ngoài công lập có 3.975 học sinh với 89 lớp, tăng 24 lớp so với năm học trước. Nguồn tuyển sinh tăng gấp nhiều lần so với hiện nay là tín hiệu vui cho các trường ngoài công lập trong công tác tuyển sinh.
Thời gian qua, sự sụt giảm về quy mô học sinh trung học cơ sở và sự cạnh tranh từ các trường trung học phổ thông công lập, trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên cùng địa bàn là hai yếu tố chính khiến trường ngoài công lập gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Trong bối cảnh ấy, các trường ngoài công lập phải tự vận động để đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút học sinh về với trường.
Để thu hút học sinh, tại Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế, huyện Nam Đàn, trong mùa tuyển sinh năm nay nhà trường quyết định sẽ trao 30 suất học bổng thay vì 10 suất như những năm trước để khuyến khích những học sinh có điểm học bạ cao (để xét tuyển) hoặc những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường.
Cô giáo Hà Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế nói thêm: Ngoài chính sách ưu tiên, nhà trường sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đẩy mạnh liên doanh liên kết với các đơn vị để đào tạo tiếng cho học sinh đi nước ngoài. Nhà trường đã lắp đặt máy điều hòa toàn bộ các phòng học để học sinh học tập thuận lợi.
Trong số các trường ngoài công lập, Trường Ngô Trí Hòa, huyện Diễn Châu có số lượng học sinh khá đông với hơn 700 học sinh và 17 lớp. Tuy nhiên, con số này so với thời kỳ cao điểm 40 lớp thì còn khá khiêm tốn. Hiện, trên địa bàn huyện Diễn Châu có đến 4 trường ngoài công lập và 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên nên để duy trì kết qủa tuyển sinh này nhà trường buộc phải làm tốt công tác tuyển sinh như trường phải bảo đảm chất lượng và nề nếp học tập, tăng cường giám sát học sinh ở trường và ở nhà.
Thầy giáo Lê Văn Cúc – Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm: Hiện tất cả các lớp học của trường đều lắp camera để giám sát học sinh. Khi học sinh nghỉ học không phép thì giáo viên chủ nhiệm phải gọi trực tiếp cho phụ huynh để nắm bắt tình hình. Ngoài ra, trường cũng làm tốt công tác hướng nghiệp, liên kết với các đơn vị có uy tín để tư vấn cho học sinh đi du học.
Ngoài sự chủ động của các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có một số giải pháp như: Đối với các trường ngoài công lập, Sở sẽ chỉ đạo sát sao hơn việc phân luồng, hướng nghiệp và giảm chỉ tiêu phân luồng ở các trường Trung học cơ sở để tạo nguồn cho các trường tuyển sinh.
Những năm gần đây, Nghệ An có khoảng 20 – 25% học sinh sau Trung học cơ sở phân luồng vào các Trung tâm Giáo dục thường xuyên hoặc các trường ngoài công lập, học nghề. Tỷ lệ này ở các huyện miền núi thường cao hơn. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho rằng: Chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở là đúng đắn, nhằm hướng các nhóm đối tượng học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện bản thân. Với những em có nhu cầu học nghề, sẽ được đào tạo sớm, đáp ứng được yêu cầu lao động ngày càng cao của xã hội. Tuy nhiên, việc phân luồng phải thực chất, thận trọng, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của học sinh, phụ huynh.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho phép các trường học ngoài công lập được tuyển sinh học sinh hết lớp 9, không cần thi tuyển vào lớp 10. Với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, từ năm học 2020 – 2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng sẽ linh hoạt trong việc duyệt kế hoạch tuyển sinh để các trường “đón đầu” mở rộng đối tượng học sinh đang học các trường nghề theo diện liên kết, khuyến khích các trường vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề.
Tác giả: Bích Huệ
Nguồn tin: Báo Tin tức