Tin trong tỉnh

Tổ công tác chỉ đạo phát triển nông nghiệp làm việc tại huyện Yên Thành

Chiều 22/3, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Tổ công tác số 04) theo Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 21/01/2023 đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Thành về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Dự buổi làm việc có các thành viên Tổ công tác số 04.

Quang cảnh buổi làm việc

Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 của khu vực nông, lâm, thủy sản toàn huyện đạt 4.121,3 tỷ đồng

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Yên Thành cho biết, giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 của khu vực nông, lâm, thủy sản toàn huyện đạt 4.121,3 tỷ đồng, tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá, đạt 4,15% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt 159.600 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 38.321 tấn, tăng 11,18% so với 2021; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt trên 5.463,1 tấn...

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Văn Dương báo cáo kết quả của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Huyện đã tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống, nhất là giống lúa, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện, tiềm năng của từng địa phương; phát triển mạnh các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa chất lượng cao trên 5.000 ha và 700 lúa giống…; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng được triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt hiệu quả rõ rệt, dịch bệnh cơ bản được khống chế, kịp thời. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh.

Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình tốt trong thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, sản xuất liên kết thu mua lúa hàng hóa trong năm 2022 đạt khoảng 4.000 ha, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Toàn huyện đã triển khai xây dựng 46 mô hình sản xuất lúa với tổng diện tích gần 2.830 ha. Ngoài ra còn có các mô hình như ngô chuyển gen, khoai tây, rau trồng trong nhà lưới, nhà màng... Bên cạnh đó, mở rộng liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò... Nhưng huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; chuyển đổi nhanh từ nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn; cải tiến chất lượng con giống, cơ cấu lại đàn, kỹ thuật nuôi… Chăn nuôi cơ bản vẫn duy trì được số lượng tổng đàn và tăng trưởng sản lượng sản phẩm: Đàn trâu bò trên 34.215 con, tăng 1,11% so cùng kỳ, đàn lợn 82.220 con, tăng 6,69%; đàn gia cầm trên 4 triệu con, tăng 4,24%. Tổng diện tích nuôi trông thủy sản đạt 1.658 ha; sản lượng thủy sản đạt trên 5.463 tấn.

Sản xuất lâm nghiệp đã có chuyển biến mạnh về chất, phát triển bền vững, hiệu quả. Phát triển mạnh và nâng cao năng suất, chất lượng rừng nguyên liệu, tích cực tham gia cấp chứng chỉ FLC tại địa bàn 10 xã đạt 4.966 ha; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 36,5%.

Năm 2022, huyện đã hoàn thành phê duyệt Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện NTM kiểu mẫu đến năm 2030 và hiện đang tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, Yên Thành đã có 12/38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 02 xã (Sơn Thành, Tăng Thành đang trình công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu).

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) được tích cực triển khai. Đến nay đã có 27 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao (Giò bê Chung Tài- Làng nghề Nông sản Vĩnh Hoà Hợp Thành, Điểm du lịch sinh thái tâm linh Đền-Chùa Rú Gám xã Xuân Thành), 25 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, diện tích, năng suất một số loại cây trồng chưa cao. Việc nhân rộng và phát triển các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đạt mục tiêu đề ra; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn và tháo gỡ khó khăn trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với sản xuất nông nghiệp chưa đạt yêu cầu... Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi, bệnh khảm lá sắn… diễn biến phức tạp. Việc tập trung, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế…

Lãnh đạo huyện Yên Thành kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT xem xét sớm hỗ trợ huyện xây dựng, sửa chữa khắc phục hệ thống thuỷ lợi, kênh mương đã hư hỏng xuống cấp nặng để đảm bảo phát triển sản xuất. Đồng thời, kết nối với các danh nghiệp để hợp tác liên kết sản xuất, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân (cây ăn quả, cây rau màu thực phẩm)…

Giám đốc Sở NN&PTNT Phùng Thành Vinh đề nghị huyện chăm sóc tốt lúa Vụ Xuân và xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Hè thu phù hợp; thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho vật nuôi

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ công tác đề nghị huyện Yên Thành quan tâm đến công tác quy hoạch và rà soát quy hoạch các loại đất để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện; nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao; xây dựng các phương án rừng sát với thực tế, thực hiện tốt phương án ”4 tại chỗ”. Tiếp tục tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tổ chức rà soát lại chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành nhiệm kỳ 2020 -2025 liên quan đến ngành Nông nghiệp...

Bám sát các chỉ tiêu để chỉ đạo, điều hành

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị huyện Yên Thành bám sát kế hoạch và các chỉ tiêu được giao để tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp ngay từ đầu năm, để đảm bảo thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện 02 Đề án của huyện vừa mới được UBND tỉnh Phê duyệt.

Tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, hình thành các mô hình liên kết chặt chẽ, bình đẳng tin cậy giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND để sớm đưa chính sách vào thực tế sản xuất, tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất Nông nghiệp và PTNT.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; quan tâm công tác thủy lợi, nâng cao năng lực, chủ động phòng chống thiên tai ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Sử dụng hiệu quả, linh hoạt quỹ đất trồng cây hàng năm, lâu năm, diện tích nuôi trồng thủy sản, lựa chọn cây trồng phù hợp... Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng, trồng thâm canh chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, làm tốt công tác PCCCR…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra chất lượng gạo sản xuất tại Nhà máy chế biến nông sản sạch Nghệ An

Công ty Cổ phần phát triển Lâm nghiệp Đông Bắc hiện đang tổ chức trồng và quản lý 1.600 ha keo và 20 ha dược liệu

Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng các đồng chí trong đoàn công tác đã đến thăm Công ty Cổ phần phát triển Lâm nghiệp Đông Bắc; Nhà máy chế biến nông sản sạch Nghệ An; Nhà lưới của hộ gia đình ông Lê Xuân Hải (xóm 8, xã Xuân Thành).

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP