Trong nước

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Thế Kỷ, chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, bày tỏ niềm xúc động và thương tiếc khi hay tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu và cán bộ công đoàn - Ảnh: TTXVN

Từng được gặp gỡ, tiếp xúc khá nhiều với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Thế Kỷ nói Tổng bí thư là một người học trò vô cùng xuất sắc và gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một tấm gương sáng ngời của người cộng sản

Ông Kỷ tâm sự trong suy nghĩ của ông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như một ngôi sao sáng không bao giờ tắt.

Tổng bí thư là một trong số những vị lãnh đạo của Đảng ta được đào tạo chính quy, bài bản về văn chương, triết học, lý luận chính trị và có đạo đức vô cùng trong sáng, liêm khiết.

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng vô cùng cam go của đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý chí quyết tâm cao và hành động cứng rắn mà còn xây dựng hệ thống lý luận sắc bén về vấn đề này, với tinh thần cốt lõi là "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".

Nếu không có bản lĩnh, quyết tâm, phương sách tốt và đạo đức nêu gương của người đứng đầu Đảng ta thì công cuộc đấu tranh với "giặc nội xâm" tham nhũng vô cùng khó khăn, sẽ không đạt được kết quả như đất nước đã đạt được những năm qua.

Đạo đức, phong cách sống của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ảnh hưởng tới mọi thành viên gia đình, bạn bè, người thân cận, đồng chí, đồng môn.

"Không thấy doanh nghiệp nào tiếp cận được Tổng bí thư. Ông không bao giờ nhận bất kỳ món quà gì của ai. Đạo đức trong sáng của ông khiến toàn thể nhân dân đều cảm thấy ấm lòng và rất mực tin tưởng, kính trọng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời cống hiến, hy sinh cho đất nước. Ông là một tấm gương sáng ngời của người cộng sản", ông Nguyễn Thế Kỷ nói.

Tổng bí thư - người vô cùng giản dị trong lối sống

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời là một người vô cùng giản dị trong lối sống và rất trọng lễ nghĩa, tình cảm.

Ông Kỷ kể trong buổi tháp tùng Tổng bí thư đến gặp văn nghệ sĩ tại Nhà hát lớn Hà Nội mới đây, ông được chứng kiến Tổng bí thư ân cần thăm hỏi mọi người như mọi lần khác.

Nhưng đặc biệt lần ấy, trên đường vào chỗ ngồi dành cho mình, Tổng bí thư gặp thầy giáo mình là GS.NGND Hà Minh Đức đang ngồi yên vị trên ghế. Tổng bí thư dừng lại lễ phép thăm hỏi thầy.

Khi thấy thầy giáo định đứng lên trò chuyện với mình, Tổng bí thư lập tức mời thầy ngồi vì chân thầy yếu.

Một lần khác, khi ông Kỷ đang làm tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, người của Văn phòng Trung ương Đảng và thư ký của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến gặp ông, truyền đạt mong muốn của Tổng bí thư muốn mượn một phòng nhỏ của nhà đài để tổ chức buổi gặp mặt thân mật với các bạn đồng môn khoa văn khóa 8 Đại học Tổng hợp.

Tổng bí thư không muốn tổ chức ở Văn phòng Trung ương Đảng vì e ngại anh em ở văn phòng sẽ quan tâm quá mức tới các bạn của mình, khiến cuộc gặp gỡ mất đi nhiều phần gần gũi, tự nhiên.

Tổng bí thư còn chu đáo căn dặn muốn mượn một phòng nhỏ ấm cúng, không biển hiệu sự kiện và tổ chức vào chủ nhật để không ảnh hưởng tới công việc của anh em trong đài.

Buổi gặp mặt ấy cuối cùng đã diễn ra như sắp đặt của Tổng bí thư, một buổi gặp mặt thân mật giữa thầy cô, bạn bè đúng nghĩa. Ở đó mọi chức vụ để hết bên ngoài, chỉ còn những học trò kính trọng thầy cô của mình và những người bạn thân thiết như Tổng bí thư nói.

Một kỷ niệm khác, vào tháng 7-2015, khi còn làm phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thế Kỷ có mặt trong đoàn tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Mỹ.

Trong chuyến đi ấy, Tổng bí thư có lịch trình làm việc dày đặc, rất vất vả. Ấy vậy mà Tổng bí thư không quên ghi nhận sự vất vả của nhóm phóng viên.

Mỗi khi anh em báo chí có việc đi gần chỗ Tổng bí thư, ông lại ân cần ghi nhận rằng chuyến này anh em phóng viên còn mệt hơn cả ông.

Ông Kỷ nói khi nghe những lời ấy, anh em phóng viên rất xúc động vì cảm thấy được quan tâm thực sự từ người đứng đầu Đảng ta.

Đó là một chuyến đi đặc biệt thành công, mở đường cho Việt Nam với Hoa Kỳ nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh với các phóng viên báo chí trên máy bay về nước sau chuyến thăm Mỹ tháng 7-2015 - Ảnh: NVCC

Về tình cảm cá nhân, ông Kỷ nhận mình là một người em, một học trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Hai anh em đều học khoa văn Trường đại học Tổng hợp, bác học trước tôi 14 khóa. Tôi rất kính trọng bác, còn bác lại dành cho tôi sự ân cần với người em học sau mình", ông Kỷ nhớ lại.

Tuy vậy, Tổng bí thư vẫn giữ sự nghiêm khắc và công tâm trong mọi đánh giá, chứ không dễ dãi cho ông hay bất cứ ai có lời ngợi khen khách sáo.

Ông Kỷ kể lần nào ra sách ông cũng mang đến tận phòng làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để tặng.

Tổng bí thư thường mời ông ngồi lại trò chuyện thân tình, cởi mở, nhưng không bao giờ ngợi khen vồn vã cho người viết sách, mà Tổng bí thư thẳng thắn nói khi rảnh rỗi sẽ đọc sách, nhưng cũng nói trước là công việc rất bận rộn.

Giọt nước mắt của bạn học Nguyễn Phú Trọng là hành trang vào chiến trường

Ông Kỷ kể trong số bạn học lớp đại học của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, có ông Phan Văn Kính quê ở Yên Thành, Nghệ An, nay sống tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Ông Kỷ kể mới đây khi gặp ông Kính, một người anh đồng hương, ông Kỷ đã được ông Kính kể kỷ niệm xúc động của ông với người bạn học Nguyễn Phú Trọng.

Khi đang học năm thứ ba, ông Kính đã xung phong vào mặt trận làm phóng viên chiến trường. Khi nghe tin ấy, ông Nguyễn Phú Trọng đã vô cùng xúc động, bày tỏ cảm phục với bạn. Ông bảo: Anh Kính đi lớp buồn, vắng một bạn học nhưng chiến trường có thêm cây bút viết văn, viết báo.

Ngày ông Kính lên đường, người bạn học Nguyễn Phú Trọng đã đi bộ cùng ông hai cây số từ chỗ ở lên xe vào chiến trường.

Khi chia tay bạn, chàng sinh viên văn khoa Nguyễn Phú Trọng đã rơm rớm nước mắt.

Tác giả: Thiên Điểu

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP