Thế giới

Tổng thống Biden làm gì trong chuyến đi 8 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương?

Tổng thống Mỹ Joe Biden có chương trình nghị sự đầy tham vọng khi ông bắt đầu chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Á - Thái Bình Dương vào tuần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách thắt chặt quan hệ với các đồng minh lâu năm của Washington. Ông sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm quốc đảo nhỏ bé Papua New Guinea và nêu bật cam kết của chính quyền ông đối với Thái Bình Dương. Chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương cũng là dịp để ông Biden chứng minh đủ sức khoẻ và năng lực tiếp quản Nhà Trắng thêm nhiệm kỳ nữa.

Tuy nhiên, trước chuyên đi, ông Biden dường như vẫn bế tắc, chưa đạt được thoả thuận với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ của Mỹ. Nếu vấn đề này không được giải quyết trong những tuần tới, điều đó có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)

Ông Biden đến thăm những đâu?

Đầu tiên, ông Biden đến Hiroshima, Nhật Bản, để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida năm nay là người chủ trì cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo từ 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông chọn quê hương mình là Hiroshima - nơi Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào năm 1945, để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7.

Việc lựa chọn Hiroshima để tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh Nga nhiều lần lên tiếng đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, Triều Tiên đẩy mạnh các vụ thử tên lửa đạn đạo, trong khi Iran đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân.

Sau đó, ông Biden sẽ có một chặng dừng chân ngắn và mang tính lịch sử ở Papua New Guinea. Ông đã tìm cách cải thiện quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chặng dừng chân cuối trong chuyến công du của ông Biden sẽ ở Australia. Tại đây, ông sẽ dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo "Bộ tứ" - QUAD, gồm Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Quan hệ đối tác QUAD được hình thành năm 2004. Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã cố gắng khôi phục lại QUAD như một phần trong nỗ lực của Mỹ, tập trung nhiều hơn vào chiến lược đối với khu vực Thái Bình Dương.

Những vấn đề nổi cộm?

Xung đột Nga - Ukraine và các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và eo biển Đài Loan dự kiến ​​sẽ là tâm điểm trong suốt chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Joe Biden.

Tại cuộc họp các bộ trưởng G7 vào tháng trước, G7 đã cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và hành động gây hấn của Nga ở Ukraine. Thông cáo cuộc họp ngoại trưởng G7 cho hay, G7 sẽ hướng tới việc “tăng cường các biện pháp trừng phạt” đối với Nga.

Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng trở nên căng thẳng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái. Và ngày càng căng thẳng hơn sau khi Washington bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc đi vào lãnh thổ Mỹ hồi tháng 2.

Mỹ có phải là 'đối tác tin cậy'?

Khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ gây khó khăn cho chuyến công du của Tổng thống Joe Biden. Đây là lần đầu tiên ông Biden ra nước ngoài kể từ khi công bố chiến dịch tranh cử năm 2024.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Biden đã nhiều lần nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo thế giới rằng “Mỹ đã trở lại”. Đó là một cách ngắn gọn để đảm bảo với các đồng minh về việc Washington đang quay trở lại vai trò lịch sử với tư cách là nhà lãnh đạo trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, ông Biden cũng thừa nhận nhiều lãnh đạo thế giới hoài nghi về những cam kết của Mỹ đối với các vấn đề quốc tế. Giới chức chính quyền Mỹ cũng cho rằng nguy cơ khủng hoảng giới hạn nợ là dấu hiệu đáng lo ngại, taọ áp lực đối với chuyến công du của ông Biden.

“Khủng hoảng nợ của Mỹ sẽ gửi một thông điệp khủng khiếp tới các quốc gia. Nga và Trung Quốc sẽ nói rằng 'hãy xem Mỹ không phải là một đối tác đáng tin cậy. Mỹ không phải là một nhà lãnh đạo ổn định đối với hòa bình và an ninh trên toàn thế giới'”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, “rủi ro đáng kể” là chính phủ liên bang có thể cạn kiệt tiền mặt trong hai tuần đầu tiên của tháng 6 trừ khi Quốc hội đồng ý tăng mức vay lên 31,4 nghìn tỷ USD.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương. (Ảnh: AP)

Vì sao ông Biden thăm Papua New Guinea?

Với chặng dừng chân ngắn ở Papua New Guinea để gặp gỡ lãnh đạo các quốc đảo ở Thái Bình Dương, ông Biden có cơ hội chứng minh Mỹ nghiêm túc trong việc duy trì cam kết lâu dài ở Thái Bình Dương.

Khu vực này nhận được ít sự chú ý hơn từ Mỹ sau hậu quả của Chiến tranh Lạnh, trong khi Trung Quốc ngày càng lấp đầy khoảng trống thông qua tăng viện trợ, phát triển và hợp tác an ninh. Ông Biden nhiều lần nói rằng sẽ thay đổi vai trò của Mỹ ở khu vực này.

Tháng 9 năm ngoái, ông Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo từ hơn 10 quốc đảo Thái Bình Dương tại Nhà Trắng, công bố một chiến lược mới giúp hỗ trợ khu vực về biến đổi khí hậu và an ninh hàng hải. Chính quyền Biden gần đây cũng mở các đại sứ quán ở quần đảo Solomon và Tonga, và có kế hoạch mở đại sứ quán ở Kiribati.

Ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm đảo quốc có khoảng 9 triệu dân này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới Papua New Guinea vào năm 2018.

Ngoài ra, ông Biden có nhiều thời gian với thủ tướng Ấn Độ trong những tuần tới. Ông Modi nằm trong số 8 nhà lãnh đạo của các quốc gia không thuộc G7 được Thủ tướng Kishida mời tham dự cuộc họp G7 ở Hiroshima. Lãnh đạo Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc họp của Tổng thống Biden với các lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương ở Papua New Guinea.

Sau hội nghị G7, lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ lên đường đến Australia để tham dự cuộc họp của QUAD ở Sydney. Theo kế hoạch, Tổng thống Biden cũng sẽ đón tiếp Thủ tướng Modi trong chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 22/6.

Tác giả: KÔNG ANH(Nguồn: AP)

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP