Anh lo ngại Nga sẽ biến Libya thành Syria mới. |
Trong báo cáo với Thủ tướng Theresa May gần đây, cơ quan tình báo Anh nói rằng Nga đang muốn "biến Libya thành Syria mới" để kiểm soát dòng chảy người tị nạn ở châu Âu, qua đó làm tăng ảnh hưởng của nước này đối với phương Tây, tờ The Sun đưa tin.
Tờ báo Anh trích dẫn một nguồn tin cao cấp trong chính phủ cho biết, Moscow ủng hộ người đứng đầu quân đội Libya Khalifa Haftar bằng cách “cung cấp những trang bị hạng nặng".
Hàng chục sĩ quan từ lực lượng tình báo quân đội Nga GRU và lực lượng đặc biệt đã được triển khai ở miền đông Libya, "ban đầu sẽ thực hiện vai trò huấn luyện và liên lạc", nguồn tin hé lộ.
Tờ báo tuyên bố rằng hai căn cứ quân sự của Nga đã triển khai hoạt động tại các thành phố ven biển Tobruk và Benghazi, sử dụng công ty quân sự tư nhân Wagner Group làm bình phong cho các hoạt động của họ.
Mặc dù không đưa ra được bằng chứng nào, tờ The Sun vẫn khẳng định rằng "tên lửa diệt hạm Kalibr của Nga và hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại cũng đã hiện diện ở Libya".
"Việc Nga muốn mở ra một mặt trận mới chống lại phương Tây ở Libya là điều cực kỳ đáng báo động, nhưng cũng không phải quá ngạc nhiên. Họ sẽ cố gắng khai thác các tuyến đường di cư trên khắp châu Phi", Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, Tom Tugendhat phát biểu.
Ông Tugendhat kêu gọi Phố Downing để phải có một phản ứng đảm bảo trước tình hình, nói rằng vấn đề Libya liên quan đến an ninh quốc gia Anh. Hiện phía Nga chưa thông tin gì về báo cáo nói trên từ tờ The Sun và tuyên bố từ phía London.
Việc thiếu vắng chính quyền chính thức ở Libya đã dẫn đến sự phát triển của các nhóm dân quân và các tổ chức khủng bố trong nước, đi kèm với tình trạng hỗn loạn suốt 7 năm nay.
Libya cũng là cửa ngõ chính cho người di cư từ khắp Bắc Phi, cố gắng vượt qua Địa Trung Hải và định cư ở châu Âu, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư châu Âu trong những năm gần đây.
Sau khi lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya rơi vào cuộc nội chiến và đất nước hiện tại bị kiểm soát bởi hai thực thể.
Trong đó, Chính phủ lâm thời (Government of National Accord – GNA) ở Tripoli được Liên Hợp Quốc ủng hộ, kiểm soát phần phía Tây của đất nước, trong khi các khu vực phía Đông nằm dưới quyền quản lý của Chính phủ Quốc hội nước này bầu ra, hậu thuẫn bởi Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA - Libyan National Army) do chỉ huy quân sự Khalifa Haftar lãnh đạo.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin