Trong nước

TP HCM tiếp tục giãn cách đến cuối tháng 9

Việc TP HCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến cuối tháng 9 nhằm bảo đảm kết quả phòng chống dịch bền vững, có thêm sự chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch bệnh

Chiều 13-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, chủ trì họp báo của ban chỉ đạo để thông tin về công tác phòng Covid-19 trên địa bàn TP.

Tham dự họp báo còn có Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.

"Vùng đỏ" thu hẹp, "vùng xanh" mở rộng

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong khoảng thời gian dài TP đã nỗ lực phòng chống dịch, đặc biệt giai đoạn cao điểm từ ngày 23-8 đến nay, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Điển hình là "vùng đỏ", "vùng cam" đã được thu hẹp khá rõ, "vùng xanh" mở rộng hơn. Qua rà soát đã có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản là "vùng xanh"; tỉ lệ ca dương tính phát hiện giảm qua các đợt xét nghiệm. Hy vọng thời gian tới, các "vùng xanh" mở rộng hơn nữa.

Các địa phương như: Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 đã đạt kết quả tích cực. Theo tiêu chí của Bộ Y tế, có thể nói đây là những địa phương cơ bản kiểm soát được dịch. Các địa phương còn lại như: Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, quận 11 cũng đạt được kết quả tốt. Trong số này, dự kiến đến ngày 15-9, một số địa phương công bố đạt kết quả trong kiểm soát được dịch như: Cần Giờ, Củ Chi.

Về công tác quản lý thu dung, điều trị F0, đã có cải thiện đáng kể. Trong đó, hình thức quản lý F0 tại nhà được đánh giá là phù hợp diễn biến dịch bệnh của TP, khi F0 được phân loại, tư vấn thường xuyên, tiếp cận thuốc sớm và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, năng lực điều trị các tầng 2, 3 (theo tháp điều trị 3 tầng) có sự liên thông điều phối, giúp quá trình điều trị nhanh chóng kịp thời hơn. Gần đây, TP ghi nhận tín hiệu đáng mừng là số ca cấp cứu và tử vong giảm đi. Đây là chỉ số quan trọng mà TP đã đạt được và dần dần tiến tới kiểm soát được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và giảm số ca tử vong.

Về tiêm vắc-xin, đến nay TP đạt hơn 6,5 triệu mũi 1 (trên 90% dân số từ 18 tuổi trở lên), mũi 2 đạt hơn 1,3 triệu mũi (đạt 19% dân số trên 18 tuổi trở lên). Việc tiếp cận mức độ bao phủ vắc-xin là điều kiện quan trọng để TP khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế - xã hội sau này.

Theo Chủ tịch UBND TP, so sánh với mục tiêu của Nghị quyết 86 Chính phủ đề ra đến ngày 15-9 TP kiểm soát được dịch bệnh, TP đã ghi nhận những kết quả đáng mừng, rất tích cực. Tuy nhiên, so với tiêu chí do Bộ Y tế đề ra thì TP còn một số nội dung chưa đạt. Vì vậy, để bảo đảm cho kết quả phòng chống dịch của TP được bền vững hơn và từng bước nới lỏng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, TP tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, dự kiến đến cuối tháng 9. Trong đó, một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch bệnh tốt như: Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 hay Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, quận 11 có thể áp dụng theo tinh thần "16-" hoặc "15+". Việc này là nhằm bảo đảm kết quả phòng chống dịch bền vững; đồng thời để TP có thêm sự chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, mở cửa sau dịch bệnh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá công tác phòng chống dịch của TP có nhiều chuyển biến tích cực.Ảnh: TTXVN

Mở cửa an toàn trong điều kiện còn có dịch

Theo Chủ tịch UBND TP, từ nay đến cuối tháng 9, TP sẽ tập trung một số nhiệm vụ mang tính cấp bách. Thứ nhất là tập trung tiêm vắc-xin, phấn đấu đạt tỉ lệ bao phủ tiêm mũi 1 đạt 100%; đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để những trường hợp tới hạn sẽ được tiêm. Các mũi tiêm quy định 8-12 tuần mới tiêm thì đẩy nhanh tiêm nhằm sớm phủ vắc-xin.

Thứ hai là tập trung củng cố năng lực của y tế cơ sở. Song song đó, mở rộng năng lực điều trị để nâng khả năng tiếp nhận và điều trị ở tầng 2, 3 khi tiến hành mở cửa.

Thứ ba là TP chuẩn bị kỹ kế hoạch phục hồi kinh tế cho giai đoạn sau tháng 9.

"Thời gian qua, TP đã thí điểm hoạt động của siêu thị, shipper, thương mại điện tử, ăn uống mang về. Sắp tới đây sẽ tiếp tục mở thêm các dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp" - ông Mãi nói.

Trao đổi với báo chí về việc TP có định hướng nào để bảo đảm hài hòa giữa giãn cách xã hội và hoạt động kinh doanh - sản xuất, phục hồi sinh hoạt bình thường, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh đến việc phải xác định tâm thế sống trong điều kiện có dịch, phải tổ chức sinh hoạt, kinh doanh - sản xuất dựa trên nguyên tắc an toàn. TP sẽ dựa vào các chỉ số đo lường, như tỉ lệ bao phủ vắc-xin, tỉ lệ chống chọi của hệ thống y tế và tỉ lệ lây nhiễm để sớm tiếp cận và có biện pháp điều trị, ngăn ngừa tình huống cấp cứu, gây áp lực cho hệ thống điều trị. Việc nới lỏng hay siết chặt giãn cách sẽ phụ thuộc vào những cơ sở này.

TP cũng đang nghiên cứu thiết kế thẻ xanh Covid-19, đồng thời căn cứ vào điều kiện tiêm chủng và các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn đối với các hoạt động, nhằm có sự điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn. Việc an toàn được đánh giá dựa theo địa bàn, ngành nghề. Khi có diễn biến tích cực sẽ mở rộng các hoạt động kinh doanh - sản xuất; nếu kết quả xấu hơn, TP sẽ có điều chỉnh.

"Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để sống an toàn trong điều kiện có dịch. Việc tuân thủ quy định trở thành ý thức tự giác để bảo đảm an toàn cho chính mình. Chúng ta từng bước thực hiện để trở thành thói quen, thích ứng" - Chủ tịch UBND TP nói.

Ông Phan Văn Mãi cho biết TP đã triển khai 2 đợt hỗ trợ với kinh phí gần 6.500 tỉ đồng. Thời gian tới, TP tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần 3, kinh phí dự kiến gần 10.000 tỉ đồng.

Tiền Giang, Kiên Giang chưa làm tốt công tác chống dịch

Sáng 13-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, tỉnh Kiên Giang cùng 317 xã, phường, thị trấn; 26 huyện, thị xã, thành phố thuộc 2 tỉnh này.

Kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, tại tỉnh Kiên Giang ghi nhận 3.034 ca mắc Covid-19, 25 ca tử vong; còn tỉnh Tiền Giang có 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Qua báo cáo của Bộ Y tế, hỏi - đáp trực tiếp với lãnh đạo các địa phương, Thủ tướng bày tỏ chưa hài lòng vì trong quá trình thực hiện có lãnh đạo ở cơ sở vẫn chưa nắm chắc tình hình, không đưa ra được các giải pháp cụ thể, không rõ nguyên nhân để dịch bệnh kéo dài, đặc biệt là không đưa ra được mục tiêu sau quá trình thực hiện giãn cách xã hội... Tốc độ xét nghiệm tại một số nơi chậm hơn tốc độ dịch lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch...

Để khắc phục tình trạng trên, sớm kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần bám sát các chỉ đạo, nhất là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch. Các địa phương phải đưa ra mục tiêu cụ thể khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch gồm: giãn cách bao lâu, ở những địa phương nào và đạt được mục tiêu gì, đặc biệt là giải pháp để thực hiện mục tiêu đó. Cố gắng càng sớm càng tốt, nhưng chậm nhất đến ngày 30-9 phải kiểm soát được dịch bệnh.

T.Dũng

Tác giả: HẢI YẾN

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: giãn cách , tp hcm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP