Tin trong tỉnh

TP Vinh (Nghệ An): Người dân xã Nghi Đức tố cơ sở tái chế phế liệu không phép, gây ô nhiễm

Người dân sống xung quanh cơ sở tập kết phế liệu của ông Phạm Văn Hữu, ở xóm Xuân Bình, xã Nghi Đức (TP Vinh, Nghệ An) hết sức bất bình vì cơ sở phế liệu này vừa không có giấy phép của cơ quan chức năng, lại vừa gây ô nhiễm môi trường cho khu vực dân cư xung quanh.

Theo đơn đề nghị của ông Nguyễn Văn Hùng, ở xóm Xuân Bình, xã Nghi Đức (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) gửi Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở cạnh nhà ông Hùng có một xưởng chế tạo nhựa, sắt vụn cũ. Số lượng nhựa tái chế, phế liệu chở về xưởng ngày càng nhiều và cơ sở càng được mở rộng nên đã gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực xung quanh.

Cơ sở tái chế phế liệu không phép, nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm.

Cũng theo phản ánh của ông Hùng thì cơ sở thu mua, tái chế phế liệu của ông Phạm Văn Hữu không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây ra ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân sống xung quanh.

"Mặc dù chúng tôi đã phản ánh nhiều, nhắc nhở, góp ý với chủ cơ sở nhưng họ tỏ thái độ không hợp tác, thậm chí còn thách thức đối với người dân" – Một người dân bức xúc.

Nằm sát nhà của người dân.

Theo ghi nhận của PV, cơ sở tái chế phế liệu được cho là của ông Phạm Văn Hữu ở xóm Xuân Bình, xã Nghi Đức nằm cách đại lộ Vinh – Cửa Lò chỉ khoảng vài chục mét. Người đi trên con đường lớn nhất tỉnh Nghệ An này có thể nhìn rõ mồn một rác rưởi, phế liệu được chất cao như "núi" tại cơ sở nói trên của ông Phạm Văn Hữu.

Anh Nguyễn Hữu Duyên, người mới mua một lô đất ở gần khu vực có cơ sở tái chế phế liệu của ông Hữu cũng bất bình phản ánh: "Đây là cơ sở tái chế phế liệu không có phép, lấn chiếm đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho các khu vực xung quanh. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị đến UBND xã Nghi Đức cũng như phòng TN&MT thành phố Vinh nhưng đến nay đã 2 tháng trôi qua vẫn chưa giải quyết được".

Lấn, chiếm cả đường đi.

Cũng theo anh Duyên, hiện anh đang muốn xây dựng nhà ở tại khu đất gia đình mới mua nhưng do cơ sở tái chế phế liệu nói trên nằm "án ngữ" ở gần đó gây ô nhiễm, thậm chí còn tập kết phế liệu lấn, chặn cả đường đi chung nên việc xây dựng nhà cửa đành phải tạm gác lại.

"Cơ sở tái chế phế liệu của ông Phạm Văn Hữu ngoài gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn thì còn lấn cả đất nông nghiệp, đất giao thông để tập kết phế liệu" – Anh Duyên bất bình phản ánh thêm.

Lấn đất canh tác.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nghi Đức xác nhận là đã nhận được phản ánh của người dân về cơ sở tái chế phế liệu không phép và gây ô nhiễm nói trên. "Chúng tôi đã nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân ở gần cơ sở tái chế nói trên tại xóm Xuân Bình. Hiện, xã đang xử lý và sẽ xử lý triệt để chứ không thể để như thế được" - ông Hải cho biết.

Lấn ra cả ruộng của người dân.

Còn một cán bộ Phòng TN&MT thành phố Vinh cho hay, cách đây khoảng 2 tháng khi nhận được phản ánh của người dân về cơ sở tái chế nhựa không phép, gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc…nên phòng đã tham mưu cho UBND thành phố Vinh có văn bản gửi xã Nghi Đức để kiểm tra, xử lý. Sau đó, các bên đã có cuộc làm việc với chủ cơ sở này để giải quyết và yêu cầu di dời nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết ổn thoả.

Các cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở di dời trong vòng 2 tháng.

Được biết, theo phản ánh của người dân xung quanh cơ sở này cho biết, ông Phạm Văn Hữu trước đây có một cơ sở tái chế khác ở thành phố Vinh nhưng cũng bị người dân sống xung quanh "tố" gây ô nhiễm... Sau đó, ông Hữu chuyển cơ sở về xóm Xuân Bình, xã Nghi Đức và tiếp tục bị "tố" những nội dung trên.

Nhưng chủ cơ sở là ông Phạm Văn Hữu bất hợp tác và vẫn tiếp tục chở phế liệu về ngày càng nhiều...

Qua tìm hiểu được biết, cơ sở tập kết, tái chế phế liệu của ông Phạm Văn Hữu ở xóm Xuân Bình, xã Nghi Đức là hoàn toàn không có quy hoạch, không có giấy phép theo quy định, sử dụng đất sai mục đích, lấn đất nông nghiệp, giao thông và gây ô nhiễm môi trường khiến người dân hết sức bức xúc. Thế nhưng, không hiểu vì sao các cơ quan chức năng xã Nghi Đức và TP Vinh lại không vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm sự việc?.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP