Pháp luật

Tra tấn tài xế xe khách, nữ đại gia Thái Bình có thể đối diện mức án 6 năm tù

Theo luật sư, đối với hành vi cố ý gây thương tích, nữ đại gia bất động sản ở Thái Bình có thể phải nhận mức án cao nhất đến 6 năm tù giam.

Ngày 8/4, Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, bắt tạm giam Nguyễn Thị Dương (SN 1980, ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) - Giám đốc Công ty Bất động sản Đường Dương, để điều tra hành vi “Cố ý gây thương tích”.

Liên quan đến vụ án, 2 bị can khác bị bắt giữ gồm Nguyễn Đức Mạnh (lái xe riêng của Dương, SN 1992, ở TP Thái Bình) và Phạm Ngọc Quý (SN 2003, ở huyện Vũ Thư, Thái Bình).

Nữ đại gia Nguyễn Thị Dương và chồng Nguyễn Xuân Đường (ngoài cùng bên phải).

Nạn nhân trong vụ án là anh Trịnh Ngọc Anh (SN 1996, ở huyện Kiến Xương, Thái Bình) – tài xế Công ty vận tải Phúc Cường. Anh này từng nhận vận chuyển một gói tài liệu của Công ty TNHH Đường Dương từ Thái Bình lên Hà Nội vào ngày 30/3, để giao cho một người tên Vân. Quá trình giao hàng, anh Ngọc Anh và bà Vân không thống nhất được địa điểm nên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến giao hàng muộn.

Sau đó, Ngọc Anh cùng người điều hành Công ty Phúc Cường phải quay về Thái Bình gặp nữ doanh nhân Nguyễn Thị Dương và chồng là Nguyễn Xuân Đường. Tại đây, Ngọc Anh bị bà Dương cùng Quý, Mạnh đánh đập với thương tích 14%.

Liên quan đến vụ việc trên, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, trong vụ việc này, lái xe và phụ xe đến nhà để nói chuyện thì đó là sự thiện chí, nếu tài sản là hàng hóa gửi theo xe bị mất, bị hỏng, bị thiệt hại thì có thể yêu cầu nhà xe bồi thường, hoàn toàn có thể giải quyết bằng pháp luật.

Việc một phụ nữ cùng hai thanh niên đánh đập nạn nhân trong nhà đến gãy xương hàm, dập mũi là hành động không thể chấp nhận được.

"Nếu hành vi xảy ra với những đối tượng giang hồ, côn đồ thì không phải là chuyện lạ nhưng hành vi này lại diễn ra ngay tại nhà của doanh nhân, người thực hiện hành vi trái pháp luật trực tiếp lại là doanh nhân có tiếng tăm, tên tuổi thì có là câu chuyện bất ngờ và đáng tiếc...

Bà Dương là một doanh nhân thành đạt, giàu có thì đáng lẽ bà ấy phải có cách cư xử mềm mỏng, hợp lý, chứ không phải dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Qua vụ việc cho thấy, bà Dương có bản tính ngông cuồng, thích thể hiện cái tôi và coi thường pháp luật.

Sự việc này có thể hủy hoại thanh danh của nữ doanh nhân và cũng có thể sẽ làm sáng tỏ những câu chuyện khác mà nhiều người chưa biết tới", luật sư Cường nói.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, ông Đường (chồng bà Dương) là người gọi điện yêu cầu lái xe và phụ xe khách đến nhà. Sau đó, bà Dương và 2 người khác đánh đập lái xe Ngọc Anh dẫn đến gãy xương hàm, dập mũi, tỉ lệ thương tích là 14%. Như vậy đây là hành vi cố ý gây thương tích xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của nạn nhân, nên việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với những người gây thương tích cho nạn nhân là có căn cứ.

"Có thể cơ quan điều tra xác định hành vi “có tính chất côn đồ” hoặc “có tổ chức”... nên khởi tố các đối tượng theo quy định tại khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của những người có liên quan, làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi của đối tượng đã hành hung gây thương tích cho nạn nhân để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nhận định.

Cũng theo luật sư, trong vụ án này, cơ quan điều tra cần làm rõ xem còn có đồng phạm khác hay không, có dấu hiệu của bắt giữ người trái pháp luật hay không để giải quyết vụ án một cách triệt để, đúng pháp luật.

Đối với hành vi của ông Đường, nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy ông này là người gọi điện để lái xe và phụ xe đến nhà, sau đó chứng kiến vợ và những người khác đánh đập hai nạn nhân tại nhà nhưng không can ngăn thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của ông Đường.

Chiều 8/4, trụ sở Công ty Đường Dương cũng là nhà ở, nhà làm việc của Nguyễn Thị Dương đã cửa đóng then cài.

Trong tình huống như vậy thì rất có thể cơ quan điều tra sẽ xác định ông Đường có vai trò đồng phạm (cùng ý chí thực hiện hành vi gây thương tích cho nạn nhân).

Còn trường hợp ông Đường gọi 2 người đến để hỏi rõ sự việc nhưng không chứng kiến việc người khác đánh đập hai người này, hoặc có chứng kiến nhưng đã có hành động can ngăn thì người đàn ông này sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý.

“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, vai trò của người đàn ông này đối với vụ án này để có kết luận chính xác, giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, công bằng, đúng pháp luật”, luật sư cho hay.

Cũng liên quan đến vụ việc này, luật sư nhận định, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ việc gói tài liệu Công ty Đường Dương gửi từ Thái Bình lên Hà Nội là hàng hóa gì. Đồng thời làm rõ nguyên nhân, động cơ của sự việc và hành vi gây thương tích của các đối tượng, xác định vai trò của các đồng phạm để phân hóa và có căn cứ để tòa án áp dụng hình phạt.

“Với những người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc. Còn với người đồng phạm giúp sức, xúi giục có tính chất, vai trò thứ yếu thì hình phạt sẽ thấp hơn...”, luật sư Cường cho hay.

Ngoài ra, nạn nhân trong vụ án này cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại, thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút, tiền công người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần.

Trong trường hợp không thỏa thuận được mức bồi thường, nạn nhân có thể yêu cầu tòa án xem xét giải quyết. Việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can.

Tác giả: Mạnh Đoàn

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP