Trong 9 tháng đầu năm 2018, thị trường xe máy bán ra gần 2,5 triệu xe, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017 - Ảnh: Bá Nam |
Dù thị trường tăng mạnh và phương tiện công cộng ngày càng phát triển, nhưng doanh số xe máy bán ra tại Việt Nam 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 3,7%. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng loại phương tiện này vẫn rất lớn, trái ngược với nhiều dự đoán.
Thị trường xe máy có thể tái lập doanh số kỷ lục
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán hàng của 5 hãng xe thành viên (Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Suzuki Việt Nam, SYM Việt Nam và Yamaha Motor Việt Nam) trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 2.452.102 xe, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy mức tăng không nhiều nhưng việc thị trường xe máy 2018 tiếp tục tăng trưởng, thậm chí có thể chạm mốc kỷ lục của năm 2012 (khoảng 3,2 triệu xe) cho thấy việc sử dụng loại phương tiện này vẫn là nhu cầu chính tại Việt Nam.
Ngày 31/10, có mặt tại đại lý Honda Kường Ngân (115 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội), PV ghi nhận lượng người đến mua xe tương đối tấp nập. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết, tình hình kinh doanh hiện nay tốt hơn so với cùng thời điểm năm ngoái. Trung bình mỗi tháng, đại lý này bán được trên 1.000 xe, trong đó mẫu xe bán chạy nhất vẫn là Honda Wave Alpha. “Người dân hiện nay vẫn có nhu cầu tìm mua xe máy bởi hạ tầng giao thông đô thị tại Việt Nam còn nhiều bất cập, quá nhỏ hẹp, phù hợp sử dụng xe máy hơn là ô tô. Tuy Hà Nội đã có kế hoạch hạn chế xe máy vào các quận nội đô từ năm 2030 nhưng thời điểm đó vẫn còn quá xa trong khi việc đi lại là nhu cầu thiết yếu hàng ngày”, nhân viên bán hàng này cho biết.
Một khách hàng đứng tuổi đang khảo giá tại Honda Kường Ngân chia sẻ: “Gia đình cũng muốn sắm ô tô nhưng vì khó tìm chỗ gửi, chi phí sử dụng cao, hai vợ chồng tôi quyết định chọn mua một chiếc xe máy. Con cái thường xuyên đi làm chả nhẽ đi đâu cũng nhờ chúng chở”.
Tại đại lý xe máy Yamaha Town (62 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), nhân viên bán hàng cho biết, mẫu xe bán chạy nhất tại đây là Yamaha Exciter côn tay. Bên cạnh mẫu xe này, 2 loại xe số Yamaha Sirius và Jupiter vẫn được bán ra đều đặn, phục vụ việc đi lại của những người có thu nhập trung bình. Các mẫu xe Yamaha vẫn được sản xuất ra bình thường và nhiều mẫu vẫn bán chạy.
“Xe máy vẫn thịnh hành bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, việc đi lại bằng xe máy rất tiện lợi so với ô tô hay taxi. Bên cạnh đó, xe máy có thiết kế gọn gàng, có thể di chuyển nhanh chóng, sử dụng chở hàng cũng được. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa xuất phát từ sinh viên hay những người muốn kiếm thêm từ dịch vụ “xe ôm công nghệ” đang tăng cao, khiến xe máy, đặc biệt những mẫu xe giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu bán rất chạy”, nhân viên bán hàng tại đây nhận định.
Xe máy vẫn tiếp tục tăng trưởng trong 10 năm tới
Lý giải việc xe máy vẫn tăng trưởng khá ổn định bất chấp chủ trương hạn chế tại các thành phố lớn và dự báo về sự bão hòa, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, sự linh hoạt và hiệu quả khi di chuyển bằng xe máy phần nào vẫn giúp loại phương tiện này tiếp tục được tin dùng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu về xe máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ 2013 - 2017 chỉ ra rằng, xe máy vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí phần lớn các hộ gia đình có điều kiện sở hữu ô tô vẫn giữ xe máy để sử dụng.
Một lý do khác là giá ô tô trong nước vẫn còn cao, chi phí sử dụng đắt đỏ nên người dân quay trở lại dùng xe máy. Ngoài ra, loại hình “xe ôm công nghệ” ngày càng sôi động với hàng loạt các thương hiệu mới như: Grab, Go - Viet, Mai Linh Bikes... đã kích cầu nhu cầu mua xe máy để làm dịch vụ.
TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức nhận định, đến năm 2030 vẫn có khoảng 70% người dân Việt Nam sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu. Xe máy vẫn là phương tiện chủ đạo ở tất cả nhóm thu nhập dựa trên khảo sát từ hơn 4.300 hộ gia đình ở 6 tỉnh thành. Theo ông Tuấn, đa số người dân vẫn lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển do cơ sở hạ tầng, đường sá vẫn còn hạn chế, chưa thuận tiện cho việc sử dụng ô tô. Tiếp đến là giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại. “Theo nghiên cứu, tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông công cộng cũng chỉ đáp ứng 8 - 10% nhu cầu đi lại còn các tỉnh thành khác, con số này chỉ trên dưới 1%, có nơi còn chưa được 0,5%. Theo khảo sát ở hai TP Hà Nội và TP HCM, tỷ lệ người chọn xe máy thay vì các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện) hoặc ô tô vẫn ở mức vượt trội, đến 89%. Tại các đô thị trung bình, tỷ lệ lựa chọn này còn cao hơn nữa, đạt mức 89 - 93%”, ông Tuấn cho biết.
Theo TS. Vũ Anh Tuấn, loại hình dịch vụ vận chuyển bằng xe máy như Grab Bike hay Go - Viet đang phát triển mạnh cũng là một nguyên nhân khiến thị trường xe máy tăng trưởng. Tuy nhiên “xe ôm công nghệ” sẽ chỉ giúp tạo ra sự tăng trưởng đột ngột, nhất thời. Về lâu dài, người dân phần lớn vẫn chọn mua xe máy bởi những nguyên nhân như: Cơ sở hạ tầng giao thông, chỗ đỗ xe, giao thông công cộng và các chính sách về giao thông.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, thị trường ô tô chưa thể có đột phá trong những năm tới. Trong thời gian từ 5 - 10 năm tới, thị trường xe máy vẫn tiếp tục tăng trưởng khi nước ta vẫn là nước có thu nhập trung bình thấp. “Xe máy là phương tiện có giá cả phù hợp với người thu nhập trung bình hoặc dưới trung bình. Bên cạnh đó, điều kiện đường phố ở các đô thị chưa tiện lợi cho việc sử dụng xe ô tô, đa số người có xe ô tô vẫn đồng thời sử dụng xe máy. Ở khu vực nông thôn miền núi, đường giao thông phát triển, thu nhập của người dân tăng nên hầu hết các gia đình đều có 1-2 xe máy”, ông Quyền cho biết.
Khi được hỏi việc gia tăng các loại “xe ôm công nghệ” như một loại hình vận tải công cộng mới có khiến thị trường xe máy sôi động hơn, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Tôi nghĩ Grab Bike hay Go Viet có chia sẻ một phần thị trường với taxi nhưng không thể thay thế hoàn toàn taxi vì vẫn có một tỷ lệ lớn hành khách có nhu cầu đi taxi, đó là những người đòi hỏi cao hơn về chất lượng dịch vụ và yêu cầu về an toàn giao thông”. |
Tác giả: Tùng Lê - Bá Nam
Nguồn tin: Báo Giao thông