Giáo dục

Trăm nghìn lời tri ân sẽ chẳng bao giờ là đủ…

“Hàng trăm, hàng nghìn lời cảm ơn, lời tri ân cho thầy cô sẽ chẳng bao giờ là đủ. Tôi mong cô luôn khỏe để luôn đồng hành cùng các em học sinh thân yêu bước tiếp trên đường đời”, đó là lời chúc của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế gửi đến một cô giáo 18 năm qua tình nguyện mở lớp dạy học tình thương cho các trẻ em nghèo trên địa bàn.

Giữa không khí nhiều cơ sở giáo dục phát đi thông báo không nhận quà trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có một “món quà” rất riêng mà khiến nhiều giáo viên được động viên, khích lệ rất nhiều.

Đó chính là sự lắng nghe và những lời động viên chân thành- Lãnh đạo trực tiếp đến tận nơi thăm hỏi, động viên và lắng nghe những trải lòng, những tâm tư trên hành trình trồng người của các giáo viên đang ngày đêm gieo mầm con chữ. Trong đó có cô Nguyễn Thị Hồng, một người 18 năm qua đã tình nguyện mở một lớp học để dạy cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Hương Sơn (TP.Huế).

Ông Phan Ngọc Thọ (áo trắng), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến trực tiếp lớp học cô Hồng thăm hỏi, động viên cô giáo giàu tình thương này.

Trong không khí ngày Nhà Nhà giáo Việt Nam cận kề, người phụ nữ đầy tình thương học trò này đã không giấu nổi sự xúc động khi được Chủ tịch tỉnh đến tận nơi động viên, chia sẻ.

Trước sự chăm ngoan, vui tươi và lễ phép của các em học sinh trong lớp cô Hồng, ông Phan Ngọc Thọ cảm động nói, xã hội rất cần những tấm gương vượt khó để cống hiến như cô Hồng, chính từ tấm lòng của cô đã giúp cho nhiều học sinh nghèo không phải bị mù chữ, có những kiến thức văn hóa cơ bản để làm hành trang bước vào đời.

Tại trường Chuyên biệt tương lai thuộc Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi nhận nuôi dạy bán trú trên 50 cháu khuyết tật mỗi năm, đoàn lãnh đạo do Chủ tịch tỉnh này dẫn đầu cũng đã tìm về thăm hỏi động viên các giáo viên của Trung tâm.

Tại buổi nói chuyện, những niềm vui nhỏ được các cô giáo dạy trẻ khuyết tật ở đây chia sẻ như học sinh tự đút được cơm ăn, viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết…thật sự đã khiến nhiều người đi trong đoàn xúc động, rưng nước mắt.

Niềm vui của các giáo viên dạy trẻ khuyết tật đơn thuần chỉ là học sinh tự đút cơm, tự viết được một nét chữ nguệch ngoạc.

Đặc biệt, khi đến thăm lớp học tình thương ban đêm ở phường Kim Long (TP.Huế) của cô giáo Bạch Thị Ngọc Hạnh, mọi người trong đoàn ai cũng khâm phục tấm lòng của cô Hạnh khi biết cô đã mở lớp học miễn phí này hơn 30 năm nay. Được biết, học sinh ở đây đa số thuộc gia đình khó khăn, ban ngày phụ gia đình làm việc để có thêm thu nhập, buổi tối mới đến với lớp học tình thương của cô Hạnh để được học đọc, học viết.

Lớp học của cô Hạnh (áo xanh) đã được mở 30 năm nay.

Thay mặt tỉnh nhà, ông Phan Ngọc Thọ đã gửi lời cám ơn tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cô Hạnh vì đã giúp đỡ cho nhiều học sinh trên địa bàn được đến lớp, được biết chữ. “Chính cô Hạnh là người đã góp phần để các em khi lớn lên trở thành những người có ích cho xã hội, chúc cô có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế xúc động chia sẻ.

Trước đó một ngày, đoàn lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng tổ chức một buổi gặp mặt nhằm tri ân những đóng góp của đội ngũ giáo viên toàn tỉnh nói chung và giáo viên mầm non nói riêng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

Tại buổi gặp mặt, các thế hệ giáo viên mầm non đã bày tỏ cảm xúc trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với sự nghiệp trồng người của quê hương.

Ngoài việc đánh giá cao sự quan tâm không chỉ đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp cho bậc mầm non, nhất là ở vùng miền núi, vùng khó khăn cùng các chế độ chính sách của tỉnh dành riêng cho đội ngũ giáo viên mầm non, nhiều giáo viên cũng chia sẻ, trước nhu cầu giáo dục mới thì hệ thống cơ sở vật chất của giáo dục mầm non toàn tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu đưa con em đến trường học của người dân. Hay tại các vùng khó khăn, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, các công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn chưa được đầu tư đúng quy chuẩn; trang thiết bị dạy và học nhóm lớp dưới 5 tuổi chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có nguồn nước sạch cho trẻ dùng hàng ngày; nhân viên y tế, cấp dưỡng nhiều nơi còn thiếu và kiêm nhiệm nhiều việc, mức lương thấp, không ổn định khó khăn cho cuộc sống…

Một giáo viên mầm non chia sẻ tâm tư, nguyện vọng tại buổi gặp mặt.

Trước những chia sẻ này, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, đều rất xác đáng và xuất phát từ thực tế, đồng thời khẳng định sẽ tiếp thu, nghiên cứu để có những đề án và hỗ trợ kịp thời.

Phát biểu tại buổi gặp mặt này, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nói, phát triển giáo dục Huế là trên nền tảng lấy giáo dục đạo đức nhân cách làm thước đo cho phát triển bền vững; lấy văn hóa truyền thống, nhân văn làm điểm tựa, là bệ phóng để trên cơ sở đó đầu tư thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo hướng tiên tiến, hiện đại và khai phóng; xây dựng trường học kiểu mẫu với các tiêu chí của tiêu chuẩn trường học xanh, trường học, thông minh và trường học hạnh phúc.

“Với giáo dục mầm non, đây chính là một bậc học rất quan trọng, nhằm hình thành và phát triển những kỷ năng đầu tiên cho trẻ; quyết định rất lớn về phát triển thể lực, trí lực cũng như phát triển các tố chất đặc biệt cho quá trình phát triển sau này của trẻ. Bậc học này là nền móng để tương lai đào tạo thành công nguồn nhân tài, nhân lực chất lượng cao xứng tầm với truyền thống vùng đất hiếu học và để thực hiện giấc mơ Huế”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh.

Tác giả: Lê Kông

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP