Thế giới

Tranh cãi về chuyển giao quyền lực ở Đức sau ba lần run bần bật của bà Merkel

Một số thành viên đảng cầm quyền ở Đức muốn bà Merkel chuyển giao quyền lực sớm cho người kế nhiệm, sau những biểu hiện bất thường thời gian qua.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, 64 tuổi, hôm 10/7 run bần bật trong lễ đón Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne ở Berlin. Đây là lần thứ ba trong vòng một tháng bà có biểu hiện bất thường tại một sự kiện công khai. Hôm qua, bà phá vỡ nghi thức ngoại giao khi ngồi ghế trong lễ đón Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen song không có biểu hiện run. Bà sau đó lên tiếng trấn an về tình hình sức khỏe của mình nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

"Tôi nhận thức rõ trách nhiệm mình gánh vác", Thủ tướng Đức trả lời khi được hỏi về tình hình sức khỏe tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Đan Mạch. "Tôi vẫn chăm sóc tốt sức khỏe bản thân".

Dù Thủ tướng Merkel cam đoan "mình ổn", những mối lo âu liên quan đến sức khỏe của bà đang thổi bùng tranh cãi bên trong đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) về việc liệu bà có nên chuyển giao quyền lực sớm cho người kế nhiệm Annegret Kramp-Karrenbauer hay không.

CDU hồi tháng 12 năm ngoái chọn bà Kramp-Karrenbauer, 56 tuổi, làm lãnh đạo đảng thay thế bà Merkel, động thái được đánh giá là bước khởi đầu trong quá trình chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, bà Merkel vẫn sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng cho đến năm 2021 dù không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5. Bà trở thành Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến nay.

"Tình trạng run rẩy của Thủ tướng Merkel đang gây băn khoăn trong đảng về việc liệu có thể duy trì kế hoạch chuyển giao quyền lực sau năm 2021 đã được thống nhất giữa bà Merkel và bà Kramp-Karrenbauer hay không", một thành viên ủy ban điều hành đảng CDU nói.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với Thủ tướng Merkel cho hay cả bà và Kramp-Karrenbauer đều không muốn thay đổi kế hoạch đã định, bởi nếu bà Merkel từ chức bây giờ, Đức sẽ phải tổ chức bầu cử sớm.

Mối đe dọa duy nhất với kế hoạch chuyển giao quyền lực sớm trong đảng CDU là khả năng đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác trong liên minh cầm quyền của CDU, sẽ rời bỏ liên minh sau cuộc bầu cử mùa xuân tại ba bang miền đông, nơi SPD được dự báo sẽ thất bại.

Thủ tướng Merkel, người không có tiền sử bệnh tật, cũng đang đối mặt áp lực ngày càng tăng yêu cầu bà cởi mở hơn về tình trạng sức khỏe của mình. Văn phòng của bà không đưa ra giải thích về việc bà liên tục run bần bật cũng như việc bà đã được thăm khám và điều trị y tế ra sao.

Manfred Guellner, giám đốc Viện nghiên cứu Forsa, cho rằng Thủ tướng Merkel nên minh bạch hơn về tình trạng sức khỏe của mình.

"Merkel là người đảm bảo cho sự ổn định của đất nước và rất nhiều người muốn bà phục vụ hết nhiệm kỳ", Guellner nhận xét. "Bà ấy thực sự cần chia sẻ mình đang gặp vấn đề gì".

Các chuyên gia y tế bác bỏ những suy đoán tiêu cực về tình trạng run rẩy của Thủ tướng Đức, lưu ý rằng có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

Là người lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Merkel nổi tiếng về đạo đức nghề nghiệp và khả năng lấn át các lãnh đạo khác tại những hội nghị thượng đỉnh của EU vì cách bà tập trung vào chi tiết trong các cuộc thảo luận phức tạp kéo dài.

Tại Mỹ, một phần kết quả kiểm tra sức khỏe hàng năm của tổng thống thường được công khai nhưng ở Đức, các lãnh đạo chính trị thường có xu hướng giữ kín hồ sơ y tế cá nhân.

Bà Merkel từng run rẩy khi đứng dưới thời tiết nắng nóng trong chuyến thăm Mexico năm 2017, khi đang chứng kiến lễ diễu duyệt của đội danh dự. Các bác sĩ không phát hiện điều gì bất thường khi kiểm tra sức khỏe cho bà sau đó, cũng không nhận thấy dấu hiệu bà mắc bệnh Parkinson, căn bệnh có triệu chứng là các cơn run rẩy không thể kiểm soát.

Trong thời gian tại nhiệm, sức khỏe bà luôn ổn định, thậm chí Thủ tướng Đức còn làm việc tại nhà sau ca phẫu thuật đầu gối năm 2011. Bà từng bị ngã khi trượt tuyết năm 2014 và nghỉ ngơi một thời gian ngắn.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP