Tháng 5, mùa sen nở, quê chung làng Sen càng tấp nập những dòng người từ muôn phương trở về, mang trong mình miền thương, nỗi nhớ, nhớ về Bác Hồ kính yêu.
Ngày 19/5 của 135 năm trước, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, trong căn nhà tranh vách nứa, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cất tiếng khóc chào đời...
![]() |
Năm nay đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, Bộ Công an đã phối hợp với tỉnh Nghệ An khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê”, được đặt tại sân vận động làng Sen - nơi mà Bác đã nói chuyện với nhân dân trong 2 lần về thăm quê ấy |
Đây là ngôi nhà do ông bà ngoại Bác Hồ đã làm cho bố mẹ Bác Hồ ra ở riêng. Ngôi nhà này được làm năm 1883. Xúc động trước cảnh nhà đơn sơ, giản dị của Bác Hồ, về thăm nhà bác, cố nhà thơ Tố Hữu đã viết 2 câu thơ rằng: "Ba gian nhà trống nồm đưa võng/Một chiếc giường con chiếu mỏng manh". Sau tấm vải màn mỏng nhuộm nâu này là chiếc giường nhỏ nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan. Trên chiếc giường đơn sơ mộc mạc này bà đã sinh ra cho dân tộc Việt Nam chúng ta 3 người con ưu tú. Ngày 19/5/1890, đúng vào mùa sen nở, trên chiếc giường bé nhỏ này, Bác kính yêu của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng khánh thành tượng đài "Bác Hồ về thăm quê" |
Trong 2 lần về thăm Làng Sen, Bác đã vô cùng xúc động khi được trở lại nơi Người và gia đình đã sống từ năm 1901 đến 1906. Đã 64 năm, sau lần cuối Bác về thăm quê - làng Sen giờ đã là quê chung. Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”, vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát, lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào… Tất cả đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng Người vẫn đâu đây.
Và gần gũi hơn biết bao, năm nay đúng dịp kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người, Bộ Công an đã phối hợp với tỉnh Nghệ An khánh thành tượng đài “Bác Hồ về thăm quê”, được đặt tại sân vận động làng Sen - nơi mà Bác đã nói chuyện với nhân dân trong 2 lần về thăm quê ấy.
![]() |
|
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, tượng đài “Bác Hồ về thăm quê” sẽ trở thành một công trình văn hóa có tính mỹ thuật cao, là điểm dừng chân để du khách lưu lại những kỷ niệm đẹp khi về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ.
"Từ nay trong quần thể không gian làng Sen và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên có thêm công trình vô cùng ý nghĩa. Sự hiện diện của bức tượng Bác về thăm quê làm cho mọi người luôn thấy Bác như ở bên ta mỗi ngày, với trái tim yêu thương mênh mông và tình cảm thiêng liêng với quê hương nghĩa trọng tình cao. Nhắc nhở mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và cần tiếp tục hơn nữa để xây dựng quê hương ta, đất nước ta, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên khát vọng hùng cường, hội nhập toàn diện và đổi mới sâu rộng của đất nước", ông Trung nói.
![]() |
Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”; vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát |
Với người dân, du khách bốn phương, đặc biệt là người dân làng Sen, tượng đài đã đem lại cho họ cảm giác gần gũi, ấm áp và thương yêu
Về làng Sen là tìm về cội nguồn kí ức. Nơi ấy đẹp không chỉ bởi đã sinh ra cho dân tộc Việt Nam một người con yêu nước, mà hơn hết là tình cảm thiêng liêng của người dân hướng về Người, là tình cảm, trách nhiệm của mỗi người dân làng Sen đang từng ngày vun đắp, gìn giữ.
Đúng như cách nghĩ của ông Hà Văn Vinh - Phó Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên: "Đến đây mỗi người dân cảm nhận rằng, nơi này là quê hương của họ và đến đây thì mỗi người dân cảm nhận rằng đến với Bác là đến với sự kính trọng, khác với các điểm du lịch khác. Còn với người dân nơi đây thì họ coi trách nhiệm bảo vệ Bác, bảo vệ di tích này như nhà của họ, đó là nét đẹp cần gìn giữ phát huy".
Tự bao giờ làng Sen đã trở thành Quê chung của người con đất Việt. Dù xa phương cách trở, mỗi người dân đều mong mỏi được trở về quê chung, đặc biệt là dịp kỷ nhiệm ngày sinh nhật Người.
Quê hương Bác đang đón những bước chân từ mọi miền Tổ quốc trở về. Dưới mái nhà tranh đơn sơ, những hàng rào dâm bụt, ai ai cũng rưng rưng trong niềm tự hào, xúc động, cảm nhận được tình cảm của Bác, mà hơn cả là tình yêu thương nhân dân, đồng bào trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác giả: Sỹ Đức
Nguồn tin: Báo VOV