Anh Hậu đã vay mượn 250 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, áp dụng quy trình công nghệ cao, tưới nhỏ giọt, tự điều chỉnh lưu lượng tưới 5 - 7 lần/ngày và bón cây bằng phân bón hữu cơ. Khung nhà màng được dựng bằng sắt thép, xung quanh bao bọc lưới mỏng, trên mái được che bằng ni lông loại đặc biệt. Phía trong có hệ thống cáp treo dây, hệ thống điều khiển tự động lưới cắt nắng, hệ thống điều hòa không khí.
Sau hơn 1 tháng trồng, chăm sóc, vườn dưa hơn 1 sào với 1.200 cây phát triển tốt, quả to nhất đã bắt đầu lên lưới.
Anh Hậu đã áp dụng quy trình hệ thống tưới điều khiển tự động; tự điều chỉnh lưu lượng tưới 5 -7 lần/ngày. Ảnh: Minh Thái |
Nhận thấy hiện nay nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người dân rất cao, gia đình lại có lợi thế đất đai nên anh Hậu vào Nam làm thuê ở trung tâm trồng dưa lưới, vừa học hỏi kinh nghiệm vừa có thu nhập. Sau khi có kiến thức anh về quê đầu tư trồng dưa tại quê hương.
Về kinh nghiệm trồng dưa lưới, theo anh Hậu, sau khi xuống giống, cây được xếp thành hàng và treo dây cố định; giai đoạn ra hoa sẽ tiến hành thụ phấn thủ công. Mỗi cây chỉ để lại 1 quả, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Khi quả có đường kính 2 - 4 cm (khoảng 40 ngày sau trồng) thì hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Để đạt năng suất, giai đoạn cây ra hoa phải thụ phấn thủ công. Ảnh: Minh Thái |
Quy trình chăm sóc dưa được anh tính toán, lập trình biểu đồ dinh dưỡng hợp lý, nhất là giai đoạn thụ phấn thủ công, công thức bón phân đảm bảo dinh dưỡng cho cây, giúp giảm được chi phí đầu tư tối đa.
"Vùng đất Nghĩa An (Nghĩa Đàn) thích hợp để trồng dưa lưới công nghệ cao, mỗi năm trồng 2 vụ dưa, đến mùa lạnh có thể chuyển sang trồng cà chua và hoa ly bán vào dịp Tết. Với 75 ngày/vụ, vốn đầu tư cây giống, gieo trồng, nhân công khoảng 12 - 15 triệu đồng/vụ; sản lượng dưa lưới thu hoạch ước đạt 1,8 tấn/sào, như giá bán tại vườn hiện nay từ 40 - 45 nghìn đồng kg, trừ chi phí, khấu hao thiết bị 1 sào có thể thu lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng/vụ" - anh Hậu cho biết thêm.
Khoảng 1 tháng nữa vườn dưa mới cho thu hoạch, nhưng bước đầu có thể khẳng định giống dưa này rất hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu của Nghĩa Đàn. Đây cũng là mô hình được lãnh đạo, phòng nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương đánh giá cao.
Hiện cây dưa phát triển tốt; mỗi cây anh Hậu chỉ để lại 1 quả để tập trung nuôi dưỡng tốt. Ảnh: Minh Thái |
Ông Đặng Thế Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới của anh Hậu đầu tiên triển khai trồng theo công nghệ cao ở xã và bước đầu đạt kết quả tốt, chúng tôi đánh giá cao, có thể nhân rộng...”.
Tác giả: Minh Thái
Nguồn tin: Báo Nghệ An