9h:
Ghi nhận của PV, tại Đà Nẵng đang có gió mạnh, rít liên hồi. Trên địa bàn quận Liên Chiểu, một số nhà dân bị gió giật sập và tốc mái. Trên đường Đống Đa, quận Hải Châu, cột điện chiếu sáng bị quật ngã. Tại Công viên Biển Đông, sân khấu tại đây cũng bị gió đánh sập.
|
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi cho biết, khu vực đất liền ven biển hiện có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Theo ghi nhận của PV VTC News, hiện tại, nhiều địa phương trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, gió bão khiến nhiều cây xanh bật gốc, bảng hiệu bị thổi bay ra đường.
|
8h30:
Lãnh đạo thị xã Sông Cầu (Phú Yên) cho biết 1 ngôi nhà người dân ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu đã bị sập trong bão.
|
Trả lời VTC News, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, sẽ trực tiếp đi kiểm tra các địa điểm xung yếu như kè An Chấn, Xóm Rớ, An thủy (TP Tuy Hòa)... trong hôm nay. Ngoài ra, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên cũng dùng 2 xe bọc thép để đến các điểm xung yếu, sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, tạm thời sẽ dừng tất các các phương tiện lưu thông từ Khánh Hòa đi Phú Yên trên Quốc lộ 1 từ 1 giờ ngày 28/10 đến khi bão số 9 tan.
|
Tại Quảng Ngãi đảo Lý Sơn mất điện, gió thổi bay mái tôn nhà dân. Lý Sơn là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 9. Tại Lý Sơn, gió rít mạnh từng cơn kèm theo mưa lớn, sóng biển cao 4-6 m. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo đã bị mất điện.
Gió mạnh thổi bay mái tôn, biển hiệu quảng cáo của nhiều nhà dân thành phố Quảng Ngãi. Trên các tuyến đường, các bảng hiệu quảng cáo nhiều cửa hàng lớn đã bị gió quật biến dạng.
|
Tại Đà Nẵng gió đang rít từng cơn, mưa lớn, đã có cây cối ngã đổ, nhiều người chạy xe máy trên tuyến đường ven biển bị gió quật ngã.
Cũng trong sáng 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi khảo sát tình hình trú tránh bão của người dân ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bà con yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Bà con cần đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân, đặc biệt là giữ sức khoẻ cho trẻ em, người già... Chính quyền đã giao lực lương công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân yên tâm tránh bão. Yêu cầu quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân".
|
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý chính quyền cơ sở, các lực lượng đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, đặc biệt là tại các công trình có mảng tường kính lớn, rất dễ bị gió giật vỡ gây nguy hiểm.
Ghi nhận của PV VTC News cho thấy tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đang có mưa rất to, gió rít và giật liên hồi... Tại Thừa Thiên - Huế gió vẫn đang giật mạnh cấp 5-6 và đang có dấu hiệu mạnh lên.
8h:
Tại ngôi chợ ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù gió không lớn nhưng hàng quán dựng bằng tôn của người dân bị quật xiêu vẹo. Hiện tại, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang mất điện.
|
Tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trời tiếp tục trút mưa nặng hạt. Nước biển Cửa Đại đang dâng cao, xô mạnh vào bờ kè. Sức gió hiện nay tại vùng biển Cửa Đại, TP Hội An đạt khoảng cấp 8-9.
Vùng biển Cửa Đại đang có gió rất lớn |
7h:
Thành phố Quy Nhơn (Bình Định) cây bắt đầu ngã đổ. Ngoài đường, một số người dân vẫn ra đường trong gió lớn.
Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết lực lượng cứu nạn vẫn chưa liên lạc được với 2 tàu cá của Bình Định bị mất tích. Hiện có 2 tàu kiểm ngư ra hỗ trợ kéo tàu, tìm kiếm ngư dân. Đặc biệt, ở khu vực Cảng Quy Nhơn, một vài chủ tàu cá đang neo đậu hiện vẫn có mặt tại đây trông giữ tài sản.
Tại Hội An, mưa lớn kéo dài từ 22h tối 27/10. Đường Bạch Đằng đã ngập toàn bộ. Hôm qua, người dân Hội An đã chủ động chằng chống di tích và nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn tránh bão số 9.
|
Tại Đà Nẵng, trời bắt đầu mưa nặng hạt, gió cũng mạnh lên, khu vực ven biển gió đã rít từng cơn. Ghi nhận của PV, các tuyến đường ở thành phố khá vắng, chỉ một vài người và phương tiện ra đường. Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã kêu gọi 1.240 tàu với hơn 7.000 lao động và nơi tránh trú an toàn. Chính quyền các quận, huyện TP Đà Nẵng đã sơ tán 20.178 hộ với 91.206 người đến nơi tránh trú an toàn.
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam: Trời ngớt mưa nhưng gió vẫn còn rít từng cơn.
Cụ thể, từ Đà Nẵng – Bình Định: Cấp 11-13, giật cấp 15. Thừa Thiên Huế, Phú Yên: Cấp 8-10, giật cấp 12. Kon Tum, Gia Lai: Cấp 7-8, giật cấp 10. Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: Cấp 6-7, giật cấp 10.
Đảo Lý Sơn có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; đảo Cồn Cỏ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa to với lượng phổ biến 70-150 mm.
6h ngày 28/10:
Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi: Trời mưa nặng hạt, gió lớn từng cơn. Cây cối bị gió quật ngả nghiêng.
Cây xanh ở Quảng Ngãi bị gió quật ngã từ rạng sáng nay. |
Tại Phú Yên: Mưa rất to và gió giật mạnh từng cơn liên tục. Nhiều nơi ở thị xã Sông Cầu và thị xã Đông Hòa mất điện. Hiện lực lượng chức năng tỉnh đã điều động xe bọc thép đến khu vực vùng trũng để kịp thời ứng phó nếu có sự cố xảy ra.
|
Tại Bình Định: Bão số 9 đang áp sát vào đất liền, toàn tỉnh đang có lượng mưa lớn. Khu vực tại huyện Hoài Nhơn ngập nặng và có nhiều điểm sạt lở. Riêng tại TP Quy Nhơn, gió mạnh khiến cây xanh trên các tuyến đường bị quật đổ. Mực nước biển khoảng 0,5-1m. Hơn 2.000 người dân tại khu vực nguy hiểm đã được lực lượng chức năng đưa đến nơi cư trú an toàn.
Tại TP Đà Nẵng, gió bắt đầu mạnh và xuất hiện mưa lớn.
3h: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 1h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 380 km, cách Quảng Nam 320 km, cách Quảng Ngãi 280 km, cách Phú Yên 220 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.
2h:
TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam vừa đưa ra nhận định, khoảng 7h sáng 28/10, tâm bão sẽ cách bờ khoảng 30-50km về phía Đông trên vùng biển Quảng Ngãi. Vào lúc này gió rất lớn và mưa rất to. Tâm bão sẽ vào sau đó khoảng 1,5-2 tiếng. Vận tốc gió có thể đạt 150-170km/h (tương đương bão Cuồng Phong CAT 2, giảm 1 cấp so với thời điểm hiện tại).
Dù có thể giảm 1 cấp nhưng sức gió vẫn lập kỷ lục về sức mạnh một cơn bão đi vào đất liền Việt Nam. Chuyên gia này cũng lưu ý: Sau khi bão vào sẽ có khoảng 30 phút lặng tại tâm bão, sau đó bão sẽ giật mạnh hơn. Bà con không nên ra ngoài vào thời điểm này.
1h30 ngày 28/10
Hiện tại tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 180-250km về phía chính Đông. Theo một chuyên gia khí tượng học, đỉnh mạnh nhất của bão đã qua nhưng hiện bão đang đi rất nhanh. Một vài viền mây lớn rìa bão có dấu hiệu tách rời tâm bão. Đây là dấu hiệu vỡ cấu trúc viền mây rìa bão do nó đi quá nhanh. Hiện tượng này sẽ gây mưa rào theo cơn ngắn quãng trước khi bão vào bờ.
1h30, gió đang quần kinh hoàng trên đảo Lý Sơn.
1h30 sáng 28/10
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: "Qua phân tích và đánh giá đám mây của cơn bão số 9 thì nhận thấy rằng bão số 9 đã qua thời điểm mạnh nhất và bắt đầu trong giai đoạn suy yếu dần. Tuy nhiên tốc độ suy yếu rất là chậm, cường độ xác định là cuối cấp 13. Ghi nhận trong đất liền tại khu vực Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8 giật cấp 9, Bình Định gió mạnh cấp 6 giật cấp 7 và mưa lớn xảy ra trên diện rộng từ khu vực Quảng Trị đến Khánh Hòa và phía Bắc của Tây Nguyên".
0h30 ngày 28/10
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão đang di chuyển vào vùng biển có nhiệt độ mặt nước biển thấp hơn so với lúc chiều với nền nhiệt duy trì ở 28 độ C. Mặc dù mây đã bao phủ từ Quảng Nam đến phía bắc Tây Nguyên từ tối 27/10, nhưng vùng mây gây gió giật mạnh chưa thực sự vào bờ.
Ở đảo Lý Sơn, cách 400 km đã quan trắc được gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong đất liền, ở Bình Định và Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Đến hiện tại thì vùng mây của cơn số 9 này có xu hướng thu hẹp lại nhưng vùng đối lưu mạnh tập trung ở tâm bão nên gió mạnh vẫn còn.
Trong 6 giờ tới, bão di chuyển với vận tốc 20 km/h và có xu hướng giảm cường độ. Tổ chức mây xung quanh của bão khá tốt, hình ảnh phân bổ mây cho thấy vùng mưa mạnh sẽ nằm ở phía Tây Nam của tâm bão. Trong vài giờ tới, bão suy yếu xuống cấp 13.
Khi lõi xoáy khá gọn lại, thời điểm có gió mạnh cấp 6-7 ở khoảng 2-3h sáng, thời gian gió mạnh nhất là sáng 28/10 và sau đó là buổi trưa và chiều, hết chiều mai mới bắt đầu quá trình suy giảm.
Khu vực Tây Nguyên có khả năng gió rất mạnh, cấp 8-10.
Mưa rất to ở Quảng Ngãi. |
23h30: Hồi 22 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 280 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.
Dự đoán đường đi của bão số 9 vào lúc 23h. |
22h20: Ghi nhận của PV, ở Đà Nẵng, mưa khá lớn, các khu vực ven biển gió giật mạnh. Để đảm bảo an toàn, ngành GT-VT triển khai lực lượng chốt chặn, thực hiện rào chắn tại các cây cầu bắc qua sông Hàn để kịp thời cảnh báo, theo các tình huống kịch bản thiên tai, đặc biệt tại các cầu lớn như: Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Trần Thị Lý…
Ngoài ra, bố trí người trực gác tại cầu Nguyễn Văn Trỗi để kịp thời nâng, hạ nhịp cầu. Lực lượng chốt trực là đội quản lý cầu thuộc Công ty quản lý cầu đường Đà Nẵng (Sở GT-VT TP Đà Nẵng), nếu cần sẽ có sự hỗ trợ của của lực lượng CSGT.
Hiện Thanh tra sở GTVT TP Đà Nẵng triển khai 100% quân số thực hiện công tác tuần tra, kịp thời phối hợp với các lực lượng công an tổ chức chốt chặn ở những vị trí có khả năng ngập sâu trên các tuyến đường, nhất là khu vực Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14B, hướng dẫn các phương tiện giao thông đậu đỗ trên tuyến Quốc lộ 1A đảm bảo an toàn.
Ban Chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng tiếp tục họp xuyên đêm. |
22h: Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, từ 18h, thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 500m3/s, cộng với nước chạy máy, tổng lưu lượng nước mà thủy điện này xả ra sông Ba là 900m3/s.
Do lượng nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về với lưu lượng khá lớn, dự kiến trong 12-24 giờ tới, thủy điện Sông Ba Hạ tăng dần lượng xả lũ, tổng lượng nước xả lũ và vận hành máy khoảng 1.000-1.600m3/s.
21h40: Do ảnh hưởng của bão số 9 nên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa), gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 13, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.
Ảnh mây vệ tinh bão số 9. |
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.
Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
21h: Ghi nhận tại Thừa Thiên - Huế, từ 21h, trời bắt đầu có mưa nhỏ và gió nhẹ. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, đến thời điểm hiện tại, công tác di dời dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn gần như hoàn tất, tuy nhiên vẫn có một số hộ dân vẫn còn chủ quan, không chịu sơ tán. Do đó, lực lượng công an và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động, thậm chí là cưỡng chế để di dời, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Được biết, từ 21h ngày 27/10 đến 18h ngày 28/10 hoặc sau khi bão tan, người dân Thừa Thiên – Huế phải chấp hành việc không ra khỏi nhà.
Người dân đi tránh bão số 9. |
21h, thông tin từ UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã sơ tán hơn 140.000 dân đến nơi an toàn, yêu cầu tất cả ngư dân neo đậu tàu thuyền và rời khỏi tàu, lồng bè nuôi hải sản.
Dù UBND TP Đà Nẵng có công điện yêu cầu người dân không ra đường kể từ 20h ngày 27/10 nhưng theo ghi nhận của PV, trên các tuyến đường trung tâm thành phố vẫn còn khá nhiều người qua lại.
Trên các tuyến Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Lê Duẩn, ngã 5 Hoàng Diệu, người và phương tiện vẫn còn khá nhiều. Trên đường Nguyễn Văn Linh, một quán nhậu vẫn còn hoạt động với hàng chục thực khách.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng cho hay, đơn vị tổ chức các tổ tuần tra kiểm soát lưu động, tuyên truyền vận động người dân không ra đường theo khuyến cáo của chính quyền thành phố.
20h45: Tại cuộc họp gấp của Ban Chỉ đạo tiền phương đặt tại Đà Nẵng, tối 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tận dụng “thời gian vàng” trước khi bão số 9 đổ bộ, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.
Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp tại Ban chỉ đạo tiền phương, tối 27/10. |
20h30:
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 20h hôm nay 27/10, tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 475km, cách Quảng Nam 420km, cách Quảng Ngãi 378km, cách Phú Yên 310km.
Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Trong 24 giờ tới, dự báo bão đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 13h ngày 28/10, tâm bão trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 13.
20h: Dự báo, đến 4h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165km/h), giật cấp 17.
19h: Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 19h hôm nay 27/10, tâm bão số 9 cách Phú Yên khoảng 315 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (135-150km/h), giật cấp 16.
Tâm bão số 9 ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 480km, cách Quảng Nam 425km, cách Quảng Ngãi 385km, cách Phú Yên 35km.
Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.
Tại Phú Yên đã có mưa, các lực lượng quân đội đã chuẩn bị tàu, cano, xe tải, xe bọc thép để ứng phó bão.
Xe bọc thép được tỉnh Phú Yên sẵn sàng cơ động ứng phó bão lụt. (Ảnh: VOV) |
18h: Tại Quảng Ngãi, trời đã mưa khá to, gió thổi mạnh. Đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão.
Khoảng 4.000 dân tại khu vực nguy hiểm ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi sẽ được sơ tán tới khu vực ký túc xá của Hoà Phát Dung Quất để tránh bão số 9. Đây được xem là khu vực an toàn, đầy đủ tiện nghi giúp người dân an tâm trú ẩn khi bão đổ bộ.
17h30:
Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi:
Từ chiều tối 27/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các huyện, thành phía Nam của tỉnh Quảng Nam gồm Tam Kỳ, Núi Thành xuất hiện mưa to, gió nhẹ. Nhiều người tham gia giao thông phải giảm tốc độ vì di chuyển dưới trời mưa nặng hạt.
Tính đến 16h cùng ngày, Quảng Nam triển khai sơ tán 17.913 hộ/ 53.097 nhân khẩu. Trong khi đó, tính đến 17h, Quảng Ngãi đã di dời, sơ tán 31.460 hộ/ 119.182 khẩu (Lý Sơn: 287 hộ/ 1.105 khẩu; Bình Sơn: 12.000 hộ/ 45.808 khẩu; Mộ Đức: 3.280 hộ/ 13.171 khẩu; TP Quảng Ngãi: 7.410 hộ/ 29.822 khẩu, Thị xã Đức Phổ: 1.842 hộ/ 7.140 khẩu, Nghĩa Hành: 808 hộ/ 2.505 khẩu; Tư Nghĩa: 4.309 hộ/ 14.440 khẩu; Sơn Tịnh: 1.443 hộ/ 5.227 khẩu).
Bão số 9 được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua đổ bộ vào Việt Nam. |
Tại Bình Định:
Trời bắt đầu xuất hiện mưa to và gió mạnh. UBND tỉnh Bình Định yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 22h ngày 27/10. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu lực lượng chốt trực tại khu vực có nguy cơ ngập nặng thường xuyên giữ liên lạc, thông báo và khẩn trương đưa người dân đến nơi an toàn.
Tại Phú Yên, chiều 27/10, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó bão số 9. UBND tỉnh Phú Yên đã cấm biển từ 9h cùng ngày.
Theo thống kê, 126 tàu đánh bắt xa bờ cùng hơn 700 lao động của địa phương này đã kịp thời đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để tránh trú bão. Hầu hết các tàu gần bờ cũng đã tránh trú an toàn. Quân khu V đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại tỉnh Phú Yên.
Trung đoàn Trực thăng 915-Trường Sỹ quan Không quân đóng tại thành phố Tuy Hòa đã khảo sát các điểm cất, hạ cánh, sẵn sàng thực hiện việc phục vụ lãnh đạo, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị tỉnh Phú Yên chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân.
17h: Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam lưu ý trong vòng 5 tiếng qua, bão số 9 không đi chếch lên, mà đang đi theo chính Tây (đi ngang) với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ.
"Theo quy luật, bão đi ngang bao giờ cũng đi nhanh hơn so với các cơn bão đi chếch lên", ông Hải nói và dự báo chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định.
Phân tích thêm về khả năng suy yếu của bão, ông Hải cho biết nếu 19h tối nay bão đạt cường độ là cấp 14, giật cấp 17 và trường hợp khả quan sau đó, cứ 3 tiếng bão giảm 1 cấp thì đến khi vào bờ, bão vẫn mạnh đến cấp 11-12.
“Không có cơ may nào cho thấy bão sẽ suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”, ông Hải nhấn mạnh.
Tác giả: NHÓM PV
Nguồn tin: Báo VTC News