Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp. |
Một báo cáo của Hãng tư vấn nghiên cứu toàn cầu JLL mới đây đưa ra nhận định, sự thay đổi này có thể được lý giải bởi nguyên nhân chi phí hoạt động đang tăng ở Trung Quốc.
Như một hệ quả tất yếu, các nhà đầu tư tiết kiệm chi phí hơn sẽ xem Việt Nam là một lựa chọn thay thế trong nỗ lực cắt giảm các chi phí, chẳng hạn như chi phí lao động, chi phí đào tạo và thuế suất giảm.
“Nhận định về Trung Quốc như một công xưởng thế giới với chi phí lao động thấp trong hai thập kỷ qua không còn đúng nữa. IMA ASIA ước tính rằng tiền lương sản xuất ở Trung Quốc đã tăng từ 2,01 USD/giờ trong năm 2010 lên 3,9 USD/giờ trong năm 2016. Mức lương này là khá cao khi so sánh với tiền lương sản xuất trung bình ở Việt Nam chỉ gần 1-1,4 USD/giờ”, JLL cho hay.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của giá đất công nghiệp tại Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi trên. Các thành phố lớn như Thượng Hải ở Trung Quốc ghi nhận giá đất công nghiệp tăng lên mức 180 USD/m2, cao hơn so với các thành phố Đông Nam Á khác, trong đó Việt Nam đang có mức giá đất tương đối cạnh tranh, chỉ ở mức 100-140 USD/m2.
JLL còn chỉ ra rằng, định hướng ngành công nghiệp khác nhau với các nhà máy tại Việt Nam hiện đang chuyển về các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động như lắp ráp ô tô, đồ nội thất và hàng may mặc.
Trong khi đó, Trung Quốc lại đang dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tiêu thụ nội địa, tập trung phát triển dịch vụ và xuất khẩu mặt hàng có giá trị cao hơn. Điều này đã định hướng lại dòng vốn đầu tư nước ngoài đối với các ngành dựa trên cơ sở lao động, đất đai và các yếu tố khác.
Ngoài ra, báo cáo của JLL cũng đề cập tới nhiều nguyên nhân khác khiến Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang trên quá trình hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc từ năm 2011. Trong giai đoạn 2010-2017, xuất khẩu từ Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 18%, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn 9%.
Việt Nam cũng có vị trí chiến lược nằm giữa Trung Quốc và Singapore với 3.260 km đường bờ biển, dễ dàng tiếp cận biển Đông của Việt Nam, một trong những tuyến vận chuyển hàng hải trọng yếu trên thế giới. Khoảng 40% hàng hoá vận chuyển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương đi qua biển Đông trước khi đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Nhờ vị thế địa lý thuận lợi, Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hoá nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và xuất khẩu sang Mỹ, EU qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Với vị trí chiến lược này, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng to lớn để phát triển các cảng nước sâu trên cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hoá cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.
Theo quyết định 70/2013/QĐ-TTg, Việt Nam có 44 cảng biển với tổng công suất 470 triệu - 500 triệu tấn/năm, trong đó có 10 cảng biển lớn được xem là đóng góp đáng kể vào phát triển và hội nhập nền kinh tế của đất nước và thế giới.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí